Lo ngại rủi ro pha loãng khi doanh nghiệp niêm yết phát hành tăng vốn đạt kỷ lục hơn 100 nghìn tỷ đồng
Theo số liệu của FiinGroup, có 147 doanh nghiệp niêm yết dự kiến tăng quy mô vốn chủ sở hữu thêm 3,8%, tương đương gần 102.600 tỷ đồng, thông qua phát hành cổ phần trong năm 2021.
Mục đích phát hành là nhằm đáp ứng nhu cầu vốn mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh kinh tế đang dần hồi phục dù dịch Covid-19 chưa được kiểm soát.
“Nếu các doanh nghiệp thực hiện thành công kế hoạch phát hành này thì năm 2021 sẽ là năm kỷ lục về lượng vốn huy động qua phát hành cổ phần của các doanh nghiệp niêm yết” – các chuyên gia của FiinGroup cho hay.
Ngân hàng và bất động sản là hai nhóm ngành dự kiến sẽ phát hành tăng vốn nhiều nhất, lần lượt là 21.900 tỷ đồng và 15.800 tỷ đồng.
Lý do chính đó là các doanh nghiệp này cần đẩy mạnh cho vay khách hàng và tăng vốn để đáp ứng tiêu chuẩn Basel II (đối với ngân hàng) và nâng cao năng lực tài chính để phát triển các dự án quy mô lớn (với bất động sản).
SSI Sesearch đánh giá: "Do tác động pha loãng lợi nhuận là không đáng kể, tăng vốn có thể là yếu tố nâng đỡ cho vận động giá cổ phiếu của ngành bất động sản và ngân hàng từ nay cho đến cuối năm 2021. Chúng tôi duy trì khuyến nghị tăng tỷ trọng đối với cổ phiếu bất động sản dân cư và cẩn trọng hơn đối với nhóm ngân hàng do triển vọng tích cực đã phần nào phản ánh vào giá"
Đáng chú ý, dịch vụ tài chính (chủ yếu là các công ty chứng khoán) cũng có kế hoạch phát hành 14.800 tỷ đồng, nhằm mở rộng quy mô hoạt động, bao gồm cho vay ký quỹ (margin).
Theo FiinGroup, hình thức huy động vốn cổ phần được các doanh nghiệp ưa chuộng nhất là chào bán cho cổ đông hiện hữu và phát hành riêng lẻ. Tổng giá trị phát hành dự kiến trong năm 2021 của hai hình thức này lần lượt là 54.100 tỷ đồng và 47.800 tỷ đồng.
Lượng phát hành tăng vốn đạt kỷ lục, FiinGroup lo ngại sẽ làm tăng số lượng cổ phiếu lưu hành, trong khi lợi nhuận tạo ra từ nguồn vốn đó chưa tăng kịp tương ứng sau ngày chốt quyền. Hệ quả là tính hấp dẫn của các chỉ số đánh giá theo lợi nhuận của các doanh nghiệp phát hành sẽ giảm trong ngắn hạn.
FiinGroup nhận định yếu tố này đáng theo dõi bởi cổ đông nội bộ lại có xu hướng bán ra cổ phiếu mạnh. Khả năng hấp thụ lượng cổ phiếu này ra sao bởi các nhà đầu tư cá nhân sẽ là yếu tố rủi ro đến xu hướng chung của thị trường.
Nhà đầu tư cá nhân đang là động lực thúc đẩy chính cho thị trường kể từ nửa cuối năm ngoái. Số lượng nhà đầu tư F0 đang tăng nhanh chưa từng có và họ hấp thụ phần lớn lượng cổ phiếu mà các nhà đầu tư nước ngoài bán ra.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận