24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Ngọc Mai
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Lo ngại nền kinh tế thiếu sản phẩm công nghiệp mang thương hiệu quốc gia

Tại phiên họp diễn ra sáng 20-5, theo đánh giá của Quốc hội, trong 4 tháng đầu năm 2019, Chính phủ đã duy trì được xu hướng tích cực của nền kinh tế từ cuối năm 2018, với tốc độ tăng trưởng ở mức khá, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Tuy nhiên, Quốc hội băn khoăn về băn khoăn về khả năng duy trì các động lực sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Còn nhiều nỗi băn khoăn dù kinh tế tăng trưởng tích cực

Tại phiên họp sáng 20-5, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2018 và những tháng đầu năm 2019. Qua tình hình triển khai 4 tháng cho thấy hoạt động của nền kinh tế tiếp tục đạt những kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức cũng có tác động bất lợi đến phát triển kinh tế xã hội và thực hiện nhiệm vụ tài chính ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019.

“Để hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019 đã được Quốc hội quyết định, cần có sự nỗ lực phấn đấu rất lớn của các ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương trong việc tập trung triển khai các giải pháp thực hiện nhiệm vụ. Tập trung hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% và phấn đấu ở mức cao hơn, tạo tiền đề quan trọng hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2019,” Phó Thủ tướng nói.

Sau khi nghe đại diện Chính phủ trình bày báo cáo trên, Quốc hội đã nghe ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018 và những tháng đầu năm 2019.

Lo ngại nền kinh tế thiếu sản phẩm công nghiệp mang thương hiệu quốc gia
Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Ông Thanh cho hay Ủy ban Kinh tế nhận thấy, trên cơ sở các Nghị quyết của Quốc hội, ngay từ đầu năm Chính phủ đã tích cực triển khai cụ thể hóa thành các nhiệm vụ, đề án cụ thể. Nhờ đó 4 tháng đầu năm 2019 vẫn giữ được xu thế tích cực từ cuối năm 2018, tốc độ tăng trưởng đạt khá, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát... Thu ngân sách nhà nước đạt kết quả tích cực, chi ngân sách nhà nước cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra.

Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, tình hình sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo những tháng đầu năm có dấu hiệu chững lại. Một số ý kiến băn khoăn về khả năng duy trì các động lực sản xuất của ngành này. Nền kinh tế vẫn thiếu các sản phẩm công nghiệp mang thương hiệu quốc gia, sự tham gia của doanh nghiệp cơ khí, hỗ trợ vào sản xuất của một số tổ hợp sản xuất mới vẫn còn rất thấp. Bên cạnh đó, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản còn nhiều khó khăn. Tình hình dịch bệnh vẫn có khả năng tác động xấu đến chăn nuôi...

“Hoạt động tín dụng đen vẫn diễn biến rất phức tạp, gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, làm mất trật tự an ninh xã hội trong khi công tác quản lý hoạt động này còn bất cập. Có nhiều vấn đề về giáo dục mà người dân quan tâm, đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước phải rà soát và có giải pháp khắc phục, xử lý dứt điểm như gian lận trong thi cử, chất lượng và đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận nhà giáo, tính minh bạch và hiệu quả trong công tác tuyển sinh các bậc học, tình hình bạo lực học đường...” ông Thanh nói.

Đề xuất nhiệm vụ, giải pháp trong 2019

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, năm 2019 có ý nghĩa quan trọng trong việc “bứt phá” để hoàn thành các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020. Trong những tháng còn lại của năm 2019, bên cạnh việc tiếp tục triển khai 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019, Ủy ban Kinh tế cơ bản đồng tình với các nhóm giải pháp nêu trong báo cáo của Chính phủ, trong đó nhấn mạnh 3 trọng tâm ưu tiên trong điều hành kinh tế vĩ mô năm 2019.

Thứ nhất, tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, an toàn hệ thống và kiểm soát tốt lạm phát để tạo thêm dư địa cho điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, vận dụng các chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt để ứng phó với các diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới và khu vực. Thứ hai, thực hiện đồng bộ các giải pháp về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để nâng cao tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn của nền kinh tế. Thứ ba, đẩy nhanh thực hiện đồng bộ các dự án quan trọng quốc gia, đặc biệt là các dự án trong lĩnh vực giao thông và công nghệ thông tin, bảo đảm tiến độ, chất lượng dự án.

Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ kịp thời hoàn chỉnh hồ sơ các dự án luật trình Quốc hội theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Sớm ban hành văn bản hướng dẫn và tổ chức thực hiện có hiệu quả các luật, trường hợp có vướng mắc, khó khăn liên quan đến việc thực hiện các luật, sớm báo cáo để Quốc hội x xét.

Bên cạnh đó, giảm bớt thủ tục hành chính thực chất, mạnh mẽ hơn, xử lý nghiêm các sai phạm trong tất cả các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực đầu tư, xây dựng và giao thông. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, phối hợp giữa các Bộ, ngành và các cơ quan quản lý. Khuyến khích sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân để đầu tư, xây dựng các dự án quan trọng quốc gia. Đồng bộ hóa các giải pháp thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển.

Tập trung thực hiện các giải pháp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm quốc gia. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, tránh để xảy ra tình trạng thất thu; kiểm soát chuyển giá, trốn thuế đối với doanh nghiệp; có giải pháp quản lý thuế thực sự hiệu quả đối với hoạt động kinh doanh qua mạng. Triển khai thanh toán không dùng tiền mặt; kiểm soát, phòng ngừa các hoạt động thanh toán có dấu hiệu đánh bạc, rửa tiền, trốn thuế.

Quản lý tồn ngân Kho bạc Nhà nước và có cơ chế sử dụng số vốn nhàn rỗi này. Rà soát, sắp xếp lại các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Ưu tiên vốn ngân sách nhà nước cho chương trình giảm nghèo và thực hiện chính sách hỗ trợ đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Đẩy nhanh việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

Cùng với đó, tăng cường sự chủ động và phối hợp của các Bộ, ngành và địa phương trong xử lý nợ xấu; nghiên cứu, đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc để tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước. Triển khai quyết liệt, đồng bộ để xử lý tình trạng “tín dụng đen” trong đó sớm hoàn thiện chế tài xử phạt, chú trọng các giải pháp phát triển nền tài chính toàn diện tập trung vào tài chính vi mô và tài chính tiêu dùng, đơn giản hóa thủ tục vay vốn. Kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro cao.

Ngoài ra, cần quyết liệt thực hiện các giải pháp kiểm soát dịch bệnh ở gia súc, gia cầm, ổn định sản xuất; tăng cường công tác dự báo, cảnh báo sớm về tình hình thời tiết, khí hậu, chủ động xây dựng phương án ứng phó. Tiếp tục xử lý nghiêm các sai phạm trong công tác tổ chức thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 bảo đảm công khai, minh bạch; tập trung chỉ đạo và tổ chức tốt kỳ thi trung học phổ thông và đại học năm 2019

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả