Lo ngại gia tăng nhập siêu từ RCEP
Trao đổi với ĐTTC, bà PHẠM CHI LAN, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu kinh tế của Thủ tướng, nhận xét dù được đánh giá ở quy mô rộng lớn, song Hiệp định RCEP khó giải quyết được bài toán thâm hụt cán cân thương mại của Việt Nam với các nước thành viên, thậm chí làm gia tăng nguy cơ nhập siêu nhiều hơn.
Nguy cơ nhập siêu là có cơ sở
PHÓNG VIÊN: - Thưa bà, với 15 nước thành viên tham gia, chiếm gần 30% dân số và 30% GDP thế giới, RCEP sẽ tác động đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam như thế nào? Liệu có cân bằng cán cân thương mại?
Bên cạnh đó, Việt Nam đang phải cố gắng thu hẹp khoảng cách để giảm xuất siêu sang Mỹ, EU nhằm tránh bị trừng phạt, đã đưa Việt Nam vào thế khó trong thương mại. Ngay cả khi tính cả xuất siêu sang Mỹ và EU cộng lại cũng không bằng nhập siêu từ Trung Quốc và các nước thành viên trong RCEP.
Nhập siêu như vậy không dễ dàng giảm ngay được. Trung Quốc đang là thị trường lớn nhất của Việt Nam từ nhiều năm, và theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 2 năm 2018 và 2019 tổng trao đổi mậu dịch 2 chiều vượt ngưỡng 100 tỷ USD, chủ yếu do Việt Nam bị thâm hụt so với Trung Quốc.
Thực tế, trong nhiều năm qua chúng ta đã cố gắng xuất khẩu nhiều và bây giờ chủ yếu trông chờ vào sự tăng trưởng của xuất khẩu nông sản. Trong lĩnh vực này Việt Nam thường bị những vấn đề do phía Trung Quốc tạo ra. Đó là hàng rào về thủ tục lẫn cung cách buôn bán không sòng phẳng của các thương gia Trung Quốc. Điều này gây khó khăn cho nông dân Việt Nam.
Bây giờ kỳ vọng với RCEP làm ăn sẽ dễ hơn và đi theo con đường chính ngạch hơn. Song, ngay cả khi cố gắng xuất khẩu sang Trung Quốc và các nước RCEP, chất lượng cũng không thể cao bằng xuất khẩu sang thị trường Mỹ và EU. Điều này đưa đến hệ quả nếu xuất khẩu càng dễ dãi, DN Việt càng dễ dãi với chính mình, triệt tiêu động lực cải cách của DN, khó tạo ra sản phẩm có giá trị công nghệ cao, tức đánh đổi mất mát rất lớn trong tương lai.
Mặt khác, khi nhìn vào thuế quan, RCEP cũng không tạo ra dư địa rộng hơn so với trước khi có hiệp định. Bởi hầu hết các nước thành viên trong RCEP đều đã ký kết các FTA với Việt Nam, nên việc giảm thuế quan cũng không mang lại nhiều giá trị cho Việt Nam.
Khó cải thiện chất lượng FDI
RCEP khó giúp Việt Nam cải thiện được cán cân thương mại vốn không cân bằng trong nhiều năm qua. Đó là việc nhập siêu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước ASEAN, cũng như đang phải cố gắng thu hẹp khoảng cách để giảm xuất siêu sang Mỹ, EU tránh bị trừng phạt, đã đưa Việt Nam vào thế khó trong thương mại.
- Vậy ở khía cạnh đầu tư, RCEP sẽ tác động như thế nào đến vốn FDI vào Việt Nam, thưa bà?
- Nhìn vào danh sách thành viên RCEP có thể thấy, hầu hết các nước này đều đang là nhà đầu tư (NĐT) lớn ở Việt Nam. Cho đến nay dù Việt Nam vẫn là quốc gia thu hút nhiều vốn FDI, nhưng có đến 80% đến từ các nước trong khu vực.
Trừ Nhật Bản có thể xem là NĐT có chất lượng và hàm lượng công nghệ tương đối cao, Hàn Quốc có Samsung làm trong lĩnh vực công nghệ cao. Song không có nghĩa Việt Nam đã có được những sản phẩm công nghệ cao, bởi giá trị gia tăng làm ra ở Việt Nam quá ít.
Do đó, nếu như vẫn tiếp tục kỳ vọng thu hút vốn FDI đầu tư từ các nước trong khu vực, đặc biệt khi Trung Quốc đang đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam và đang là NĐT lớn nhất trong năm nay, chúng ta sẽ không cải thiện được chất lượng đầu tư, không đạt được mục tiêu đã đề ra là đầu tư phải có chất lượng, có hàm lượng công nghệ.
Thực tế cho thấy, hầu hết dự án đầu tư FDI chất lượng thấp ở Việt Nam chủ yếu đến từ NĐT trong khu vực. Nếu chúng ta trông đợi RCEP sẽ mở ra cánh cửa thu hút đầu tư, câu hỏi đặt ra ở đây là chất lượng vốn đầu tư sẽ như thế nào?
Một trong những điều tôi tiếc nhất là RCEP ra đời đúng vào lúc chúng ta đang đẩy mạnh cải cách, quyết tâm vươn lên để nắm bắt thời cơ mới, vào lúc đại dịch Covid-19 đang gây ra đứt gãy chuỗi cung ứng trên toàn cầu, buộc nhiều quốc gia phải chuyển dịch chuỗi cung ứng sản xuất.
Đây cũng là cơ hội để Việt Nam có thể bứt ra khỏi sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng cũ, thiết lập chuỗi cung ứng mới để đạt đến trình độ cao hơn, từ đấy vươn lên. Vậy RCEP có thể làm cho ý chí cải cách và thay đổi chuỗi cung ứng mới bị ảnh hưởng, là câu hỏi cần đặt ra lúc này.
- Trước khi tham gia RCEP, Việt Nam đã tham gia nhiều FTA thế hệ mới, gần đây nhất là EVFTA và CPTPP. So với các FTA khác, định chế của RCEP được dư luận đánh giá là lỏng lẻo hơn. Bà nhận xét thế nào về điều này?
- Nhiều chuyên gia kinh tế nhận xét các thị trường của RCEP tương đối dễ tính nên xuất khẩu của Việt Nam sẽ thuận lợi hơn, làm ăn sẽ thuận lợi hơn. Thêm vào đó, RCEP cũng không yêu cầu phải thay đổi thể chế hay định chế khắt khe với khung khổ tương đối đơn giản.
Như vậy không thể gọi RCEP là FTA thế hệ mới được. Vì nếu quan niệm đây là FTA thế hệ mới song lại có khung khổ lỏng lẻo hơn dễ khiến DN Việt Nam dễ dãi hơn, quên đi ý chí vươn lên, làm chậm tốc độ cải cách.
Trong khi đó, 2 FTA thế hệ mới là CPTPP và EVFTA tạo ra khung khổ chặt chẽ, đòi hỏi Việt Nam phải vượt lên, phải đổi mới mạnh mẽ về thể chế, theo những chuẩn mực mới, kể cả DN lẫn Chính phủ.
Dù những chuẩn mực mới cao hơn sẽ gây vất vả cho DN, song là động lực để Việt Nam cải cách. Bù lại, giá cả, hàng hóa, chuẩn mực đó sẽ tạo ra những sản phẩm hàng hóa có giá trị gia tăng cao hơn. Đặc biệt các tập quán, cách làm manh mún của Việt Nam sẽ có cơ hội sửa chữa.
Tôi lấy thí dụ, theo số liệu được đưa ra tại “Diễn đàn Nông nghiệp mùa thu 2020”, có đến gần 90% thực phẩm Việt Nam là thực phẩm bẩn. Những sản phẩm bẩn ấy rõ ràng không thể xuất khẩu sang Mỹ và EU được. Khi không xuất khẩu được để cho thị trường trong nước tiêu thụ, đây là điều nguy hiểm.
Chưa nói đến Việt Nam lâu nay phụ thuộc quá nhiều vào gia công, là cách tiếp cận không thể duy trì mãi được. Vậy RCEP có giúp thay đổi tập quán, cách làm này của DN Việt Nam? Tôi cho rằng rất khó với một định chế tương đối lỏng lẻo như thế.
Mở thêm cửa cho Trung Quốc
- Cũng có ý kiến cho rằng với định chế lỏng lẻo nói trên, RCEP có thể sẽ bị thao túng trong tương lai. Quan điểm của bà như thế nào về việc này?
Nhìn vào 15 nước thành viên của RCEP, kịch bản Trung Quốc trở thành nhân tố chi phối rất dễ xảy ra vì quy mô dân số và thị trường Trung Quốc lớn nhất, thậm chí về công nghệ họ cũng đang vươn lên rất mạnh.
- Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã rút ra khỏi hầu hết các FTA, kể cả với các đồng minh. Họ không chủ trương liên kết với bên ngoài, khiến mối quan hệ kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng. Xét về chủ trương, RCEP cơ bản cũng tốt ở góc độ các bên tham gia vẫn chủ trương tự do hóa thương mại, không phải là chủ nghĩa bảo hộ, hợp tác đa phương.
Tuy nhiên, trong thực tế nhìn vào 15 nước thành viên của RCEP, kịch bản Trung Quốc trở thành nhân tố chi phối cũng rất dễ xảy ra vì quy mô dân số và thị trường Trung Quốc lớn nhất, thậm chí về công nghệ họ cũng đang vươn lên rất mạnh.
Trong khi Trung Quốc đang rất khó khăn trong tiếp cận với Mỹ và các nước EU về công nghệ, RCEP có thể xem là phao cứu nguy của Trung Quốc. Theo đó, hiệp định này sẽ mở cửa thị trường cho Trung Quốc, từ đó họ tạo lập lại luật chơi của mình.
Theo dự báo, khu vực RCEP có thể chiếm 50% GDP toàn cầu trong vài năm tới, điều này có nghĩa Trung Quốc sẽ mạnh lên rất đáng kể. Nhưng câu hỏi đặt ra ở đây, là Việt Nam hoặc các nước khác có thể bị Trung Quốc chi phối về thương mại và công nghệ?
Tôi cho rằng về thương mại Trung Quốc có thể sẽ gây ảnh hưởng đến RCEP, vì thị trường Trung Quốc quá lớn, không thể từ bỏ thị trường này được, song về công nghệ lại khác. Công nghệ là yếu tố quyết định đến giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hóa, đến nền sản xuất, đến cạnh tranh trên thị trường, do đó đối với công nghệ các nước đều hết sức cẩn trọng.
Vì công nghệ còn liên quan đến sự an toàn của quốc gia, đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế quốc gia đó trong tương lai.
- Xin cảm ơn bà.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận