24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Vũ Huyền Trang
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Lơ lửng 'bóng ma' chiến tranh tiền tệ

Việc giảm giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc sẽ kéo theo phản ứng hạ lãi suất của nhiều ngân hàng, tạo ra nguy cơ chiến tranh tiền tệ đe dọa hệ thống tài chính.

Đầu tháng này, Ngân hàng trung ương Trung Quốc (POBC) đã hạ thấp tỷ giá đồng Nhân dân tệ, thiết lập ở mức vượt ngưỡng tâm lý quan trọng là 7,0 lần đầu tiên trong hơn 10 năm.

Đồng nội tệ Trung Quốc ngày hôm qua (23/8) tiếp tục suy giảm 0,15% so với đồng USD, đẩy tỷ giá về mức 7,074 CNY/USD tại thị trường nội địa.

Đây là phiên giảm thứ 6 của đồng Nhân dân tệ với tổng lượng sụt giảm là 0,7%, mạnh nhất trong các đồng tiền của khu vực châu Á trong cùng khoảng thời gian.

Động thái này được xem là một trong những biện pháp giúp hàng hóa xuất khẩu Trung Quốc cạnh tranh hơn khi sang Mỹ, bù đắp phần thiệt hại do tăng thuế quan gây ra.

Tuy vậy, việc hạ giá không chỉ giúp Bắc Kinh cạnh tranh hơn khi vào Washington mà còn có lợi thế hơn khi vào các nước khác, kéo theo phản ứng hạ lãi suất của nhiều ngân hàng tại các nước như Ấn Độ, New Zealand, gây ra lo ngại dẫn đến cuộc chiến tranh tiền tệ.

Việc giảm lãi suất sẽ giúp đồng tiền mất giá bởi khi đó sẽ tạo ra tâm lý không còn muốn giữ đồng tiền, không muốn gửi tiết kiệm bởi lãi suất thấp hơn.

Chia sẻ tại sự kiện Café Quản trị tổ chức bởi Hội các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD), PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô, Đại học Kinh tế quốc dân nhận định rằng, về bản chất, sẽ không có quốc gia nào được lợi trong chiến tranh tiền tệ bởi khi một nước phá giá tiền tệ, một nước khác cũng có khả năng hành động tương tự.

Ông đánh giá POBC rất thận trọng khi không dám phá giá quá nhiều và chủ yếu theo chính sách thăm dò.

“Nếu phá giá quá nhiều sẽ tạo ra tác động ngược khi khiến các nhà đầu tư mới không vào Trung Quốc còn các nhà đầu tư hiện có sẽ rút vốn”, ông phân tích.

Vị Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô, Đại học Kinh tế quốc dân nhận định xác suất xảy ra chiến tranh tiền tệ tương đối thấp trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang đi xuống, cần thúc đẩy thu hút FDI cũng như giữ chân các nhà đầu tư hiện có.

Đối với Việt Nam, theo lý thuyết, đồng tiền sẽ lên giá do thặng dư của tài khoản vãng lai nhưng từ đầu năm đến nay, VND tương đối ổn định, giữ tỷ giá tương đối tốt so với các năm trước.

Lơ lửng 'bóng ma' chiến tranh tiền tệ
PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô, Đại học Kinh tế quốc dân

Theo ông Thế Anh, điều này nhờ vào dòng vốn chảy vào Việt Nam, cả trực tiếp lẫn gián tiếp, không chỉ FDI mà còn cả việc mua cổ phần.

Ông dự đoán tới cuối năm, VND mất giá khoảng 2% là khả thi và tỷ giá có thể chỉ dao động một chút.

Trao đổi bên lề hội thảo công bố kết quả nghiên cứu “Một số nhận định về vốn đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam” cuối tháng trước, chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành cho rằng có khả năng xảy ra chiến tranh tiền tệ.

Điều này xuất phát từ bối cảnh kinh tế thế giới bắt đầu giảm tốc và một trong những cách chống đỡ là kích thích kinh tế hoặc nới lỏng tiền tệ, gây áp lực giảm giá đồng tiền.

Tuy nhiên, ông cho biết không mong muốn xảy ra chiến tranh tiền tệ.

“Một chính sách tiền tệ phù hợp góp phần thúc đẩy tăng trưởng thì cần thiết, nhưng việc duy trì ổn định hệ thống tài chính toàn cầu rất quan trọng. Nếu không có sự phối hợp tốt, việc phục hồi tăng trưởng không khéo sẽ dẫn đến nguy cơ tồi tệ là đổ vỡ, khủng hoảng của hệ thống tài chính toàn cầu”.

Tài chính thế giới được đánh giá vẫn còn có những dấu hiệu không tốt như chỉ số chứng khoán tại một số nước quá cao, không phản ánh đúng nền kinh tế thật, ngân hàng ngầm lớn, nợ công cao và sự bất định của cuộc chiến thương mại.

“Nếu chỉ nhìn chính sách tiền tệ như một giải pháp để cứu nền kinh tế thực là rất chưa đủ, phải quan tâm tới sự ổn định, lành mạnh của thị trường tài chính toàn cầu”, vị chuyên gia kinh tế nhấn mạnh.

Ông Thành nhận định chính sách tiền tệ và chính sách vĩ mô của Việt Nam đối diện với tình hình khá phức tạp do là nền kinh tế nhỏ, mức độ mở cửa lại lớn.

Ngoài ra, chính sách tiền tệ trong nền kinh tế đang phải kham khá nhiều mục tiêu và những mục tiêu ấy trong nhiều trường hợp phải đánh đổi.

Do đó, Việt Nam phải đặt ra nhiều kịch bản và trong những kịch bản ấy, không thể bỏ qua kịch bản môi trường bên ngoài xấu đi để tăng cường khả năng chống chịu thông qua độ linh hoạt của chính sách tiền tệ hay lành mạnh hóa hệ thống tài chính.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần ứng xử khéo léo để giảm thiểu rủi ro, có thể tận dụng lợi ích để thúc đẩy xuất khẩu, tăng trưởng.

“Cách ứng xử phải khéo nhưng phải thật, không phải giả vờ”, ông Thành nhấn mạnh.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả