Lo kinh tế phụ thuộc, từ quan hệ thương mại với Trung Quốc
Kinh tế Việt Nam quy mô chỉ 200 tỷ USD mà hàng hóa xuất nhập khẩu với một nước lên đến 66,6 tỷ USD (1/3 GDP) hoặc gần 100 tỷ USD theo thống kê của Trung Quốc (1/2 GDP) thì rất dễ bị phụ thuộc
Trung Quốc là một nền kinh tế lớn, phát triển hơn Việt Nam, lại là nước láng giềng của Việt Nam, cho nên việc phát triển mạnh quan hệ thương mại là đương nhiên.
Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam quy mô chỉ 200 tỷ USD mà hàng hóa xuất nhập khẩu với một nước lên đến 66,6 tỷ USD (1/3 GDP) hoặc gần 100 tỷ USD theo thống kê của Trung Quốc (1/2 GDP) thì rất dễ bị phụ thuộc vào nền kinh tế đó.
Lo ngại này được đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng) nêu ra tại phiên thảo luận chiều 30/10 của Quốc hội, về tình hình kinh tế - xã hội.
Dẫn thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, đại biểu Thuý cho biết, sau 25 năm Việt Nam - Trung Quốc bình thường hóa quan hệ, tổng kim ngạch thương mại của 2 nước đã tăng 2.220 lần, từ mức 30 triệu USD năm 1991 đến 66,6 tỷ USD năm 2015, trong đó Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc 32,42 tỷ USD.
Còn theo thống kê của Trung Quốc thì nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc chiếm đến 50% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Đó là chưa kể nhập khẩu theo đường tiểu ngạch.
Với những con số cho thấy nguy cơ nền kinh tế Việt Nam rất dễ bị phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc, đại biểu Thuý cho rằng, nếu kinh tế nước bạn gặp vấn đề lớn thì kinh tế Việt Nam khó tránh khỏi ảnh hưởng.
Không chỉ địa bàn Trung Quốc mà xuất nhập khẩu nói chung cũng là vấn đề được đại biểu quan tâm.
Báo cáo tổng hợp thảo luận tại tổ cho thấy, trong khi tăng trưởng thương mại hàng hóa toàn cầu giảm, xuất khẩu của các nước giảm, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng 7,9% (đạt mục tiêu đề ra 7-8%) theo đại biểu là kết quả đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, cán cân thương mại của khu vực trong nước chủ yếu nhập siêu, tình trạng buôn lậu và gian lận thương mại còn diễn ra thường xuyên, gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế. Mặc dù xuất siêu khoảng 1 tỷ USD, nhưng còn phụ thuộc nhiều vào nhóm hàng điện tử, doanh nghiệp FDI, giá cả hàng hoá thấp nên kim ngạch xuất khẩu chưa thực sự cao.
Bên cạnh đó, các cuộc chiến tranh thương mại đang ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, tình hình xuất khẩu sang EU, Trung Quốc có dấu hiệu chững lại và giảm, việc xuất khẩu nông sản qua biên giới sang Trung Quốc gặp nhiều khó khăn do thời gian thông quan tại các cửa khẩu dài.
Phiên thảo luận sáng 30/10, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cho rằng, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, rất nhiều chuyên gia đã dự báo rằng Việt Nam sẽ hưởng lợi và Việt Nam sẽ trở thành công xưởng mới của nền kinh tế thế giới, nhưng thực tế không chứng minh như vậy mà chứng minh điều ngược lại.
9 tháng đầu năm nay xuất khẩu của Việt Nam chỉ tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2018 và chỉ còn bằng phân nửa tốc độ tăng của cùng kỳ năm ngoái là 15,4%, bằng khoảng 1/3 mức tăng trên 20% của những năm trước đó. Cơ cấu xuất khẩu theo thị trường cũng có những chuyển dịch bất lợi. Xuất khẩu sang nhóm 5 thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, bao gồm EU, Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản đều giảm tốc, duy nhất xuất khẩu sang Mỹ tăng đột biến nhưng lại chứa đựng rất nhiều rủi ro về gian lận thương mại, thâm hụt thương mại.
Phát biểu chiều cùng ngày, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) nhận định, mặc dù thời gian qua kim ngạch nông sản có xu hướng tăng nhưng dư địa xuất khẩu nông sản Việt Nam có nhiều biểu hiện thu hẹp dần, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, trong đó có gạo hiện giá trị rất thấp và có nguy cơ mất thị trường xuất khẩu.
Đặc biệt, sức ép cạnh tranh ngày càng lớn, xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản gặp nhiều khó khăn và thị trường Trung Quốc vẫn là thị trường chiếm tỷ lệ cao, nhất là tỷ lệ trái cây, rau quả chiếm trên 90% tỷ lệ xuất khẩu mặt hàng này và còn phụ thuộc nhiều vào đường tiểu ngạch. Từ ngày 1/1/2019 trái cây, rau quả xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc phải có truy xuất nguồn gốc và có giấy chứng nhận kiểm dịch động thực vật, trong khi Việt Nam lại phải nhập khẩu trái cây và đáng lưu ý là khoảng 70% giá trị nhập khẩu trái cây, trùng với các loại sản phẩm mà trong nước sản xuất được, đại biểu Tuyết phân tích.
Đại biểu Đoàn Văn Việt (Lâm Đồng) phản ánh, một số mặt hàng nông sản Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau, làm giá các nhãn hiệu cũng như xuất xứ hàng hóa nông sản trong nước đã có thương hiệu để đưa ra thị trường tiêu thụ. Đơn cử như tình trạng trà trộn hoặc giả thương hiệu rau, củ, quả của các địa phương trong đó có Đà Lạt đã gây không ít thiệt hại cho bà con nông dân và ảnh hưởng thương hiệu sản phẩm có uy tín.
Về kế hoạch năm sau, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho rằng cần xem lại chỉ tiêu tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3% vì 4 năm trở lại đây, cán cân thương mại đều là xuất siêu, nhưng dự báo đều là nhập siêu là không sát với thực tế.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận