Lộ diện nhà tài trợ mới rót vốn "khủng" vào cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận
Ngay sau khi liên danh 4 ngân hàng rút khỏi khoản vay hơn 6.600 tỷ đồng, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã có một nhà tài trợ mới
Vừa qua, CTCP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, chủ đầu tư dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã ký loạt hợp đồng tín dụng với một số ngân hàng.
Theo đó, công ty đã ký Hợp đồng tín dụng số 01/2019/HĐTD/BOT-TLMT ngày 16/12/2019 với liên danh 4 ngân hàng, gồm Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) - chi nhánh 4 TP.HCM, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Bình Chánh, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (AgriBank) chi nhánh tỉnh Tiền Giang và Ngân hàng Thương mại TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Trong đó, VietinBank là đơn vị giữ vai trò đầu mối.
Cụ thể, thời điểm ký kết hợp đồng tín dụng, liên danh 4 ngân hàng nêu trên cam kết cung cấp khoản vay có trị giá 6.686 tỷ đồng, trong đó, VietinBank là 3.300 tỷ đồng, BIDV là 1.500 tỷ đồng, AgriBank 1.000 tỷ đồng và VPBank là 886 tỷ đồng.
Tuy nhiên, hiện tại liên danh 4 ngân hàng nêu trên đã đồng ý “rút lui” khỏi dự án để thay thế bằng một đơn vị khác, đó là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VietcomBank) chi nhánh TP.HCM.
Liên quan đến sự thay đổi nêu trên, trong báo cáo ngày 25/10/2023 thông tin về thay đổi nhà tài trợ vốn của dự án nêu trên, bà Nguyễn Thị Thanh Phương - Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Tiền Giang thuộc UBND tỉnh Tiền Giang - đơn vị được biết đến với vai trò là cơ quan nhà nước có thẩm quyền của dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận cũng đã xác nhận thông tin nêu trên.
Theo đó, ngày 2/6, VietcomBank chi nhánh TP. HCM đã có thư chấp thuận cấp tín dụng số 5556/HCM-KHDN2 cho dự án (cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận) với số tiền là trên 6.942 tỷ đồng, trong đó, hơn 5.042 tỷ đồng để thanh toán hết số dư nợ vay tại liên danh 4 ngân hàng nêu trên và 1.900 tỷ đồng để hoàn trả khoản huy động từ CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (CII).
Trong khi đó, liên danh 4 ngân hàng đã tài trợ vốn cho dự án cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận cũng đã có văn bản đồng ý cho doanh nghiệp dự án là CTCP BOT Trung Lương- Mỹ Thuận trả nợ trước hạn đối với khoản vay theo Hợp đồng số 01/2019/HĐTD/BOT-TLMT.
Từ những cơ sở nêu trên, bà Phương cho biết, doanh nghiệp dự án đã có văn bản số 199/2023/TLMT/TCKT ngày 5/6/2023 kiến nghị UBND tỉnh Tiền Giang xem xét chấp thuận cho thay đổi nhà tài trợ cấp tín dụng.
Lý do của việc thay đổi nhà tài trợ cấp vốn tín dụng cho dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được xác định do lãi suất vay từ VietcomBank thấp hơn lãi suất vay tại liên danh 4 ngân hàng nêu trên và lãi suất huy động từ CII.
Song song với việc thay đổi nhà tài trợ vốn, việc thế chấp quyền thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ của dự án cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận cũng được chuyển từ liên danh 4 ngân hàng nêu trên sang VietcomBank.
Trong trường hợp lãi suất cho vay của VietcomBank cao hơn lãi suất vay của các khoản vốn hiện tại, thì nhà đầu tư (doanh nghiệp dự án) sẽ chịu phần chi phí phát sinh từ chênh lệch lãi suất này. Việc cơ cấu lại nguồn vốn đầu tư của dự án như nêu trên dự kiến sẽ giúp chi phí lãi vay giảm, qua đó, giúp rút ngắn thời gian thu phí của dự án.
Được biết, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng vốn đầu tư 12.668 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ là 2.186 tỷ đồng và phần còn lại là vốn BOT (vốn chủ sở hữu và vốn huy động).
Dự án có quy mô trong giai đoạn đầu là 4 làn xe, không có làn dừng khẩn cấp mà chỉ bố trí các điểm dừng khẩn cấp, vận tốc tối đa cho phép là 80 km/giờ và tối thiểu là 60 km/giờ. Tuyến đường dài 51,5km được đầu tư kết nối vào cao tốc TPHCM – Trung Lương tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) đến nút giao An Thái Trung (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) sẽ kết nối vào dự án cầu Mỹ Thuận 2 đang được thi công xây dựng. Thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 14 năm 8 tháng, trong quá trình thu phí, doanh nghiệp dự án được quyền tăng giá vé với mức 15%/3 năm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận