Lô cổ phiếu Vinhomes (VHM) có giá trị 15.000 tỷ đồng chuẩn bị được “bơm” ra thị trường
Vingroup đăng ký bán hơn 100 triệu cổ phiếu VHM trong khi quỹ ngoại Viking Asia thuộc KKR cũng muốn bán bớt 32 triệu đơn vị.
Vingroup muốn bán hơn 100 triệu cổ phiếu Vinhomes (VHM)
Tập đoàn Vingroup – CTCP (mã VIC) đã đăng ký bán ra gần 100,5 triệu cổ phiếu, tương ứng 3% vốn điều lệ CTCP Vinhomes (mã VHM) với mục đích tăng nguồn vốn hoạt động và đầu tư vào công ty con. Số tiền Vingroup có thể thu về từ giao dịch trên lên đến 12.000 tỷ đồng.
Giao dịch được thực hiện theo phương thức khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận từ ngày 19/8 - 17/9/2021. Nếu thực hiện thành công, Vingroup sẽ giảm sở hữu tại Vinhomes xuống còn 2,23 tỷ cổ phiếu, tương ứng việc nắm giữ 66,66% vốn điều lệ của Vinhomes.
Nối gót Vingroup, quỹ ngoại Viking Asia Holdings II Pte. Ltd thuộc Kohlberg Kravis Roberts (KKR) cũng đăng ký bán gần 32 triệu cổ phiếu VHM trong cùng khoảng thời gian. Ước tính, quỹ ngoại này có thể “bỏ túi” khoảng 3.500 tỷ đồng cho thương vụ trên.
Trong một diễn biến khác, Vinhomes mới đây đã hoàn tất bán xong toàn bộ 60 triệu cổ phiếu quỹ đăng ký trước đó với giá bán bình quân 108.637 đồng/cổ phiếu, tương ứng tổng số tiền thu về lên đến 6.518 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty cũng đang có kế hoạch huy động thêm 6.500 tỷ đồng trái phiếu trong năm nay.
SSI liên tục phá đỉnh, cổ đông ngoại đồng loạt thoái bớt vốn
En Fund L.P đã thông báo hoàn tất bán ra gần 23,43 triệu cổ phiếu SSI của CTCP Chứng khoán SSI trong ngày 19/8/2021. Sau giao dịch En Fund giảm lượng sở hữu cổ phiếu SSI từ gần 46,86 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 7,12%) xuống còn 34,43 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 3,565%) và không còn là cổ đông lớn.
Tương tự, trong 2 ngày 18 và 19/8/2021, một quỹ ngoại khác là Daiwa Securities Group Inc đã bán 15,3 triệu cổ phiếu SSI trong tổng số gần 118,3 triệu cổ phiếu sở hữu trước đó (tỷ lệ 17,99%).
Cùng ngày 19/8, thị trường xuất hiện nhiều giao dịch thỏa thuận với tổng khối lượng gần 36,88 triệu cổ phiếu SSI. Giá thoả thuận bình quân 56.434 đồng/cổ phiếu tương ứng tổng giá trị giao dịch thỏa thuận gần 2.100 tỷ đồng. Ước tính, En Fund L.P có thể thu về 1.300 tỷ đồng trong khi Daiwa Securities cũng “bỏ túi” trên dưới 800 tỷ đồng.
Trên thị trường, cổ phiếu SSI liên tục tăng mạnh và thiết lập các mức đỉnh mới thời gian gần đây. Cổ phiếu này đóng cửa phiên giao dịch ngày 20/8/2021 ở mức 62.500 đồng/cổ phiếu, tăng gần gấp đôi so với thời điểm En Fund mua vào sau khi chuyển đổi trái phiếu ngày 16/3/2021.
Cổ phiếu DIC Corp (DIG) tăng nóng, cổ đông lớn “tranh thủ” chốt lời
CTCP Kinh doanh Địa ốc Him Lam đã hoàn tất bán gần 10 triệu cổ phiếu Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp - mã DIG) trong 2 ngày 16-17/8. Sau giao dịch, Him Lam đã giảm sở hữu tại DIC Corp từ mức 21,25% xuống còn 18,81% tương đương hơn 77 triệu cổ phần. Ước tính theo mức giá bình quân vào khoảng 33.500 đồng/cổ phiếu trong 2 phiên diễn ra giao dịch, Him Lam có thể thu về khoảng 335 tỷ đồng.
Him Lam chính thức mua vào gần 68 triệu cổ phần DIC Corp và trở thành cổ đông lớn với tỷ lệ nắm giữ 21,49% vốn từ ngày 2/12/2020. Thời điểm đó, cổ phiếu DIG xuất hiện giao dịch thỏa thuận đột biến với tổng khối lượng hơn 134 triệu cổ phiếu, tương ứng tổng giá trị gần 2.900 tỷ đồng.
Thời gian gần đây các cổ đông lớn liên tục có động thái chốt lời mạnh trong bối cảnh cổ phiếu DIG tăng nóng. Trước Him Lam, một cổ đông lớn khác là Đầu tư và Phát triển Thiên Tân đã bán ra hơn 13,6 triệu cổ phiếu DIG trong ba phiên 10-12/8. Ước tính, cổ đông này có thể “bỏ túi” gần 424 tỷ đồng từ giao dịch trên.
Hiện tại cổ phiếu DIG đang giao dịch quanh vùng đỉnh lịch sử 34.800 đồng/cổ phiếu, tăng 58% trong chưa đến một tháng. Tạm tính tại mức thị giá này, vốn hóa thị trường của DIC Corp vào khoảng 13.600 tỷ đồng.
Bà Trần Uyên Phương cắt lỗ cổ phiếu YEG
Bà Trần Uyên Phương mới đây đã bán 1,36 triệu cổ phiếu CTCP Tập đoàn Yeah1 (mã YEG) qua đó giảm sở hữu xuống còn 4,6 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 14,57%). Cụ thể, bà Phương đã lần lượt bán 960.000 cổ phiếu và 400.000 cổ phiếu vào hai ngày 05 và 09/08. Ước tính số tiền thu về từ giao dịch lần này vào khoảng 23 tỷ đồng.
Trước đó vào ngày 28/07/2021, bà Trần Uyên Phương cũng đã bán 251.600 cổ phiếu, ước tính thu về gần 4 tỷ đồng nếu tính theo mức giá đóng cửa phiên diễn ra giao dịch (15.050 đồng/cổ phiếu).
Được biết, bà Trần Uyên Phương bắt đầu mua vào cổ phiếu YEG từ tháng 2/2020 khi cổ phiếu này vừa có nhịp hồi từ đáy. Thời điểm đó, bà Phương đã chi gần 300 tỷ đồng để mua 6,09 triệu cổ phiếu YEG tương ứng giá trung bình 49.100 đồng/cổ phiếu.
Cổ phiếu này sau đó tiếp tục tăng mạnh trước khi quay đầu rơi sâu, thậm chí còn liên tục thủng đáy. Hiện thị giá YEG chỉ còn 15.500 đồng/cổ phiếu, giảm 66% từ đầu năm 2021. Ước tính tại mức thị giá này, lượng cổ phiếu bà Trần Uyên Phương mua vào cách đây một năm rưỡi đã lỗ gần 70%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận