Lộ bằng chứng TPBank lừa dối truyền thông và khách hàng
Trong công văn gửi đến một tòa soạn báo khi đó, Phó TGĐ TPBank khẳng định thông tin đăng tải trên facebook là “không đúng sự thật”. Vì vậy, ngân hàng đề nghị nhà báo trên phải “công khai xin lỗi TPBank và cá nhân Phó Giám đốc TPBank Phạm Hùng.
Trong diễn biến mới nhất về việc Cơ quan CSĐT, Công an thành phố Hà Nội khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với bị can Nguyễn Hoài Thương (tức Nguyễn Thu Trang, sinh năm 1984, nguyên Phó Giám đốc chi nhánh kiêm Giám đốc Dịch vụ khách hàng tại chi nhánh Phạm Hùng của Ngân hàng TMCP Tiên Phong - TPBank), chiều cùng ngày (14/11) TPBank phát đi thông báo khẳng định chính ngân hàng đã phát hiện và tố cáo vụ việc.
Thông báo trên website của ngân hàng TPBank với nội dung: “TPBank phát hiện và tố cáo một số cán bộ về tội Lạm dụng chức vụ, chiếm đoạt tài sản đồng thời thông báo quyền lợi của khách hàng liên quan không bị ảnh hưởng.”
Theo thông tin từ TPBank, ngân hàng này cho biết: “Sự việc này đã được chính TPBank phát hiện trong quá trình rà soát quy trình, hồ sơ nội bộ để đảm bảo an toàn cho Ngân hàng và tài sản của khách hàng. Đây là việc làm định kỳ hàng tháng tại TPBank. Sau khi phát hiện ra vụ việc của bà Thương, chúng tôi đã chủ động đề nghị Cơ quan CSĐT để phối hợp xử lý theo đúng quy định của pháp luật.”
Nguyễn Hoài Thương với vẻ ngoài của một nữ doanh nhân thành đạt, quý phái.
Tuy nhiên, những động thái trước đó của TPBank cho thấy nhà băng này đã lừa dối khách hàng. Cụ thể, sau khi thông tin “hot girl” Nguyễn Hoài Thương với tư cách là Phó giám đốc TPBank Phạm Hùng tất toán khống 05 sổ tiết kiệm, chiếm đoạt nhiều tỷ đồng bị rò rỉ ra ngoài vào tháng 4/2019, một số nhà báo đã đưa thông tin việc này lên trang facebook cá nhân và ngân hàng đã gây sức ép để gỡ thông tin.
Trong công văn gửi đến một tòa soạn báo khi đó, Phó tổng giám đốc TPBank Phạm Đông Anh khẳng định thông tin đăng tải trên facebook là “không đúng sự thật”. Vì vậy, ngân hàng đề nghị nhà báo trên phải “công khai xin lỗi TPBank và cá nhân Phó giám đốc TPBank Phạm Hùng”.
Không những thế, phía TPBank còn đề nghị tòa soạn “có hình thức xử phạt nghiêm minh” đối với hành vi của nhà báo này, đồng thời có những biện pháp tránh phát sinh các vi phạm tương tự.
Công văn "kêu oan" của TPBank gửi đến một tòa soạn báo hồi tháng 4/2019.
Với hành vi “vừa ăn cắp vừa la làng”, liệu rằng việc rà soát quy trình, hồ sơ nội bộ có phải là việc làm “định kỳ hàng tháng” tại TPBank? Hoặc cũng có thể chính TPBank phát hiện ra việc làm sai trái của Nguyễn Hoài Thương nhưng lại cố tình che giấu thông tin.
Cho dù thế nào, với lối hành xử kể trên, dư luận có quyền nghi ngờ tính trung thực của TPBank. Còn việc TPBank khẳng định đảm bảo quyền lợi, hoàn trả đầy đủ gốc và lãi các sổ tiết kiệm đã gửi đúng theo quy định, điều này là đương nhiên bởi khách hàng khi gửi tiền, họ chỉ biết là đã trao tài sản của mình cho ngân hàng, chứ không ai có nhu cầu biết bà Nguyễn Hoài Thương kia là ai.
Và tất nhiên, TPBank cũng thừa khôn ngoan để tránh sa lầy vào vết xe đổ của một vụ Huyền Như thứ hai.
Với hành vi tất toán khống 05 sổ tiết kiệm, chiếm đoạt tiền của khách hàng, Nguyễn Hoài Thương bị khởi tố về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 280, khoản 4 – Bộ luật Hình sự năm 1999 (nay là Điều 355, khoản 4 – Bộ luật Hình sự năm 2015).
Nguyễn Hoài Thương là chủ sở hữu kiêm Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Bonita tại thời điểm doanh nghiệp thành lập vào tháng 3/2018. Công ty có vốn điều lệ 10 tỷ đồng và sở hữu Thẩm mỹ viện mang tên Bonita. Số 10 Vũ Phạm Hàm, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Đến tháng 6/2019 (2 tháng sau khi vụ tất toán khống 05 sổ tiết kiệm tại TPBank bị phát giác), Nguyễn Hoài Thương đã chuyển quyền sở hữu Bonita cho một cá nhân khác.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận