LMH lỗ lũy kế hơn 233 tỷ đồng, nguy cơ âm vốn chủ và loạt khoản nợ xấu khó đòi
Quý 3/2023, CTCP Quốc Tế Holding (UPCoM: LMH) kinh doanh dưới giá vốn, chi phí tài chính cao gấp 135 lần cùng kỳ, khiến lỗ sau thuế 467 triệu đồng, đối mặt nguy cơ âm vốn chủ sở hữu.
Nối dài chuỗi ngày thua lỗ
Theo BCTC quý 3/2023, doanh thu thuần LMH đạt 5,167 triệu đồng, tăng 136% so với cùng kỳ năm trước. Đóng góp chính vào doanh thu quý 3 đến từ hoạt động kinh doanh vật liệu xây dựng. Tuy nhiên giá vốn của chính hoạt động này tăng mạnh dẫn đến giá vốn quý 3 của Công ty tăng 192% lên hơn 5 tỷ đồng. Qua đó, Công ty lỗ gộp 14 triệu đồng, trong khi cùng kỳ lãi 415 triệu đồng.
Ngoài ra, chi phí tài chính tăng mạnh lên 540 triệu đồng, gấp 135 lần so với cùng kỳ đã góp phần khiến LMH lỗ sau thuế 476 triệu đồng, trong khi cùng kỳ lãi 335 triệu đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần LMH đạt 43,6 tỷ đồng, tăng 659% so với cùng kỳ nhờ chuyển nhượng 65 lô đất thuộc địa phận xã Xuân Phong, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, mang về hơn 30 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/09, LHM vẫn còn 5 lô đất chưa chuyển nhượng, giá trị tồn kho hơn 3 tỷ đồng. Bên nhận chuyển nhượng cũng như mục đích chuyển nhượng không được Công ty công bố.
Theo tìm hiểu, 70 lô đất này được cấp quyền sử dụng đất vào ngày 01/02/2018, có vị trí từ thửa 767 đến 878 thuộc tờ bản đồ số 15 và có cùng diện tích 175 m2. LMH nhận chuyển nhượng lô đất này theo biên bản thỏa thuận ngày 03/04/2018 ký kết với ông Đới Sỹ Thiệp.
Doanh thu tăng mạnh nhưng giá vốn cũng tăng cao khiến lãi gộp giảm 22% về 646 triệu đồng. Bên cạnh đó, chi phí bán hàng tăng 793% lên 31 triệu đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 19% lên 451 triệu đồng, dẫn đến LMH lỗ sau thuế 4.1 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước lỗ 1.5 tỷ đồng.
Nguồn: VietstockFinance
Kết quả kinh doanh thua lỗ không phải là điều xa lạ với LMH, tính từ năm 2019 đến nay Công ty vẫn lỗ đều đặn hàng năm.
“Đau đầu” nợ xấu
Ngoài việc thua lỗ triền miên, LMH còn "đau đầu” về các khoản nợ xấu hiện chưa có "thuốc giải". Tính đến ngày 30/09/2023, LMH có gần 270 tỷ đồng là các khoản phải thu, trong đó khoảng 89% công nợ quá hạn thanh toán và chỉ có khoảng 25% giá trị có thể thu hồi. Tổng trích lập dự phòng phải thu khó đòi lên hơn 173.3 tỷ đồng.
Nổi bật trong số công nợ quá hạn của LMH là khoản trả trước ngắn hạn cho CTCP Tư vấn Đầu tư Xây dựng Ba Đình giá trị 87.6 tỷ đồng, đã trích lập dự phòng 35 tỷ đồng. Công nợ này phát sinh từ ngày 01/11/2017 sau khi Công ty này và LMH ký kết hợp đồng cho thuê tổ hợp văn phòng dịch vụ thương mại tại Thành An Tower (nay là Manhattan Tower) tại số 21 Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội gồm 327 căn hộ và khu thương mại. Đến ngày 04/01/2018, LMH đã thanh lý hợp đồng, đồng thời ký thỏa thuận mua 327 căn hộ và khu thương mại thuộc dự án này.
Bên cạnh đó, khoản phải thu đối với Công ty TNHH Nông Hải sản Thương mại Dịch vụ Thiên Tuế cũng gây chú ý khi gắn liền với những tranh chấp kiện tụng tại Tòa án. Cụ thể, khoản phải thu này có giá trị 19.3 tỷ đồng, đã được trích lập dự phòng toàn bộ, xuất phát từ việc ký kết hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ tài sản quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại địa chỉ lô 4-8 đường CN4 khu công nghiệp Tân Bình, phường Tân Thạnh, quận Tân Phú, TPHCM. Lô đất này gây chú ý khi vướng phải tranh chấp kiện tụng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại Tòa án nhân dân quận Tân Phú từ ngày 20/05/2020. Đến thời điểm hiện tại, tranh chấp vẫn chưa được giải quyết.
Ngoài ra, còn nhiều khoản công nợ có giá trị lớn khác mà LMH phải trích lập dự phòng toàn bộ như khoản phải thu đối với Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Eastern Tigers trị giá 46.6 tỷ đồng, khoản phải thu đối với CTCP Eco Galaxy trị giá 19.4 tỷ đồng, khoản phải thu đối với CTCP Dầu khí Đông Phương trị giá 16.1 tỷ đồng, khoản phải thu đối với CTCP EcoPetro trị giá 10 tỷ đồng.
Nguồn: BCTC quý 3/2023 của LMH
Dự án “nhập kho” bao giờ mới thoát?
Hàng tồn kho của LMH cũng duy trì tỷ trọng cao trong cơ cấu tài sản, ở mức 73.2 tỷ đồng, chiếm 42% tài sản. Trong đó, chi phí sản xuất kinh doanh dở dang 69.8 tỷ đồng, phần lớn là chi phí thi công tòa nhà Thành An Tower (nay là Manhattan Tower) trị giá 40.5 tỷ đồng. LMH cho biết dự án đã được khởi công xây dựng từ ngày 24/03/2018 và dự kiến bàn giao vào quý 2/2019. Tuy nhiên, đến tháng 12/2018, dự án bị dừng triển khai sau khi xây đến tầng 24. Toàn bộ nhân công, máy móc, thiết bị đều rút khỏi công trường, đến nay dự án vẫn chưa có dấu hiệu hồi sinh.
Dự án Manhattan Tower sau nhiều năm vẫn chưa thể hoàn thiện
Phần giá trị tồn kho còn lại là giá trị 29.3 tỷ đồng của 4 căn nhà thuộc dự án chung cư 179C Hai Bà Trưng, phường 6, quận 3, TPHCM. Hiện tại 4 căn nhà này chưa hoàn tất thủ tục chuyển nhượng quyền sở hữu cho LMH do vướng mắc về các thủ tục đấu giá tài sản. Cụ thể, ngày 28/12/2022, Tòa án nhân dân quận 3 tuyên bố hủy bỏ kết quả bán đấu giá và hủy bỏ hợp đồng mua bán tài sản đối với 4 căn nhà này, theo đó LMH sẽ được Chi Cục thi hành án Dân sự quận 3 hoàn trả số tiền 28.9 tỷ đồng, tuy nhiên đến ngày 08/12/2022 Tòa án nhân dân quận 3 thông báo nhận được kháng cáo lại toàn bộ bản án nêu trên của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HOSE: BID). Đến thời điểm hiện tại, tranh chấp vẫn đang trong quá trình giải quyết.
Ngày âm vốn chủ gần đến
Về cơ cấu nguồn vốn, vốn chủ sở hữu của LMH liên tục giảm trong những năm qua, hiện tại chỉ còn 22.8 tỷ đồng. Đây là hệ quả của quá trình thua lỗ kéo dài từ năm 2019, tính đến thời điểm kết thúc quý 3, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đã âm hơn 232 tỷ đồng.
Các khoản phải trả người bán ở mức 90.4 tỷ đồng, chiếm đến 87% nguồn vốn, lớn nhất phải kể đến khoản phải trả 33.3 tỷ đồng cho Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Nam Song Anh; khoản phải trả 36.2 tỷ đồng cho Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (HOSE: VCG).
Trước tình hình kinh doanh khó khăn, giá cổ phiếu LMH cũng diễn biến không tích cực từ đầu năm 2023 đến nay. Kết phiên giao dịch 18/10, cổ phiếu LMH đạt 3,200 đồng/cp, giảm gần 43% so với đầu năm 2023, thanh khoản bình quân gần 1.3 triệu cp/ngày.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận