Linh kiện và điện thoại "Made in Viet Nam" dẫn đầu cuộc chơi tỷ USD
Tham gia vào cuộc chơi tỷ USD, linh kiện và điện thoại Việt Nam đã chứng minh được tiềm năng của mình khi trong nhóm "người dẫn đầu".
Theo bộ Công Thương, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều mặt hàng xuất khẩu sụt giảm nhưng sản xuất một số nhóm hàng công nghiệp chủ lực trong 7 tháng qua vẫn tăng so với cùng kỳ.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước ước đạt 185,33 tỷ USD, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Đáng chú ý, trong 7 tháng vừa qua, cả nước có 27 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 90,2% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Xuất khẩu điện thoại và linh kiện cũng dẫn đầu trong nhóm hàng đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD của Việt Nam. Đứng sau đó là nhóm sản phẩm điện tử, máy vi tính và linh kiện; dệt may; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng; giầy dép; gỗ và sản phẩm gỗ.
Cụ thể, điện thoại và linh kiện có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 29,4 tỷ USD, chiếm 15,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước.
Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 27,4 tỷ USD, tăng 16,5%.
Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 19,7 tỷ USD, tăng 55,4%.
Thống kê cho thấy, sau 7 tháng, xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đạt 48,52 tỷ USD, tăng 14,6%, chiếm 26,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 136,81 tỷ USD, tăng 29,9%, chiếm 73,8%.
Điện thoại và linh kiện chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Nếu như năm 2010, xuất khẩu điện thoại và linh kiện mới chỉ chiếm 3,2% tổng kim ngạch xuất khẩu thì đến năm 2016 chiếm 19,5%, gấp 6 lần tỷ trọng của năm 2010 và luôn duy trì mức trên dưới 20% từ đó đến nay.
Trong thời gian gần đây, đặc biệt do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, ngành sản xuất điện tử, điện thoại có nhiều cơ hội đón làn sóng đầu tư từ các tập đoàn công nghệ lớn dịch chuyển sang Việt Nam.
Đây là những tín hiệu đáng mừng, dự báo một năm tăng trưởng mạnh mẽ của ngành điện tử và đem lại nhiều đóng góp lớn cho quá trình khôi phục và đạt mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2021.
Việt Nam đã và đang là điểm đến của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
Trong quý I/2021, Việt Nam đã cấp chứng nhận đầu tư mới và điều chỉnh vốn cho nhiều dự án có quy mô vốn đầu tư "bom tấn".
Điển hình là dự án LG Display Hải Phòng (Hàn Quốc) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 750 triệu USD; Dự án Nhà máy Fukang Technology (Singapore) với vốn đầu tư đăng ký 293 triệu USD để thực hiện việc sản xuất, gia công máy tính bảng và máy tính xách tay tại Bắc Giang. Đáng chú ý là sự xuất hiện của Công ty Samsung Electronics đã khiến Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất điện thoại di động thông minh của Tập đoàn Samsung Electronics trên thế giới.
6 tháng đầu năm, 5 dự án đầu tư nước ngoài với quy mô lớn đã đầu tư và tăng vốn đầu tư tại Việt Nam gồm:
Dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore), tổng vốn đăng ký trên 3,1 tỷ USD.
Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản), tổng vốn đăng ký trên 1,31 tỷ USD.
Dự án LG Display Hải Phòng (Hàn Quốc), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 750 triệu USD.
Dự án Nhà máy Công ty TNHH Polytex Far Eastern Việt Nam (Đài Loan), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 610 triệu USD.
Dự án Công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam (Hongkong), tổng vốn đầu tư đăng ký 498 triệu USD.
Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 4,8 tỷ USD, chiếm gần 39,6% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Nhật Bản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 2,5 tỷ USD, chiếm 20,5% tổng vốn đầu tư (trong đó vốn đầu tư của Singapore và Nhật Bản chủ yếu theo hình thức đầu tư mới, chiếm lần lượt 91,1% và 71,5% tổng vốn đăng ký của 2 quốc gia này)
Hàn Quốc đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,5 tỷ USD, chiếm 12,1% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Trung Quốc, Hongkong, Hoa Kỳ…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận