Liệu Trung Quốc có 'đứng đằng sau' hỗ trợ cho Moscow giữa các lệnh trừng phạt của phương Tây?
Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất vẫn có quan hệ trực tiếp với Nga – quốc gia đang nhanh chóng bị thế giới cô lập sau các động thái quân sự của mình nhằm vào Ukraine. Tuy nhiên, áp lực đang ngày càng gia tăng đối với Bắc Kinh để thay đổi điều đó.
Chỉ vài tuần sau khi hai nước ký thỏa thuận đối tác "không giới hạn", Trung Quốc hiện không còn lựa chọn nào khác ngoài việc điều chỉnh lại lập trường của mình về thương mại song phương và kinh tế vĩ mô với Moscow, sau khi Tổng thống Vladimir Putin phát động cuộc chiến với Ukraine.
Mặc dù Bắc Kinh vẫn muốn coi Moscow là một đối tác chiến lược lâu dài để chống lại sự ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ, nhưng chắc chắn họ sẽ phải cảnh giác trước những phản ứng của quốc tế nếu họ đưa ra các biện pháp gây nhầm lẫn rằng mình đang ủng hộ cho hành động gây hấn của Tổng thống Putin.
Các doanh nghiệp Trung Quốc cũng sẽ không sẵn lòng giao dịch và đầu tư vào một quốc gia bị loại khỏi một phần lớn của nền kinh tế toàn cầu.
Hôm thứ Hai, đồng rúp của Nga đã giảm tới 30% sau khi một loạt các biện pháp trừng phạt của các đồng minh phương Tây đã hạn chế khả năng triển khai 630 tỷ USD dự trữ ngoại hối của ngân hàng trung ương Nga, đồng thời loại bỏ một số ngân hàng này ra khỏi SWIFT, hệ thống thanh toán ngân hàng lớn nhất thế giới.
Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cho đến nay chỉ đưa ra bình luận chung về tác động của các lệnh trừng phạt đối với nền kinh tế Nga và châu Âu, thay vì tập trung vào khả năng giúp đỡ Nga. Trong khi ngân hàng trung ương Trung Quốc chưa đưa ra bất kỳ manh mối nào về tình trạng dự trữ ngoại hối của Nga hoặc đường dây hoán đổi tiền tệ.
Theo số liệu gần đây nhất của Ngân hàng Trung ương Nga, tính đến tháng 6/2021, có khoảng 13% dự trữ ngoại hối của Nga, tương đương khoảng 77 tỷ USD là đồng nhân dân tệ. Moscow có thể đang tìm cách bán bớt số tài sản này nhằm tăng tính thanh khoản trong bối cảnh các khoản tiền khác đang bị đóng băng do lệnh cấm.
Max Zenglein, nhà kinh tế trưởng tại Merics, một tổ chức tư vấn tập trung vào Trung Quốc ở Berlin cho biết: “Trung Quốc sẽ phải vô cùng thận trọng về việc họ sẽ hỗ trợ kinh tế Nga như thế nào. Rủi ro đối với Trung Quốc là rất lớn”.
Ngay cả các chuyên gia có quan hệ với chính phủ Trung Quốc cũng tỏ ra bi quan về tương lai của nền kinh tế Nga sau các đợt trừng phạt mới nhất.
"Trong bối cảnh các lệnh trừng phạt tài chính và việc kiểm soát xuất khẩu như hiện nay, môi trường kinh doanh của Nga sẽ xấu đi nhiều, và các nhà đầu tư quốc tế chắc chắn sẽ giảm hoạt động kinh doanh của họ cũng như rời bỏ thị trường Nga", Han Yichen, một chuyên gia về Á-Âu tại Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc, viết trong một bài báo.
Thanh toán cho chiến tranh
Không lâu nữa, Bắc Kinh sẽ phải cân nhắc đến các yêu cầu của Ngân hàng Trung ương Nga, khi họ phải đối mặt với tình trạng siết chặt thanh khoản hơn bao giờ hết kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh cho đến nay.
Một câu hỏi quan trọng được đặt ra cho giới lãnh đạo Trung Quốc là: Liệu họ có muốn bị coi là đang tài trợ cho cuộc chiến của Tổng thống Putin không?
"Khi Nga hướng ra nước ngoài, nơi mà nguồn dự trữ của họ vẫn chưa bị đóng băng, thì nơi đó sẽ không phải là châu Âu hay Mỹ, mà là ở Trung Quốc. Nhưng để đạt được điều đó, họ cần có sự hỗ trợ từ các quyết định mang tính chính trị ở Trung Quốc”, Jonathan Hackenbroich, chuyên gia về chính sách trừng phạt tại Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu cho biết.
Zenglein nói thêm: “Nếu Trung Quốc bị coi là 'kẻ phá hoại' các lệnh trừng phạt của phương Tây, thì họ sẽ phải đối mặt sự phản đối mạnh mẽ hơn từ châu Âu, Hoa Kỳ và Nhật Bản”.
Các ngân hàng trung ương của Nga và Trung Quốc đã thiết lập các đường dây hoán đổi tiền tệ sau khi phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga vì sáp nhập Crimea vào năm 2014, cùng thời điểm mà Trung Quốc cũng mong muốn mở rộng việc sử dụng đồng nhân dân tệ trên toàn cầu để thách thức vị thế của đồng USD .
Một năm sau, Trung Quốc ra mắt Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS), một giải pháp thay thế nhỏ hơn nhiều so với SWIFT, và có trụ sở tại Bỉ. Hệ thống này tự hào có 1.280 tổ chức tài chính trên khắp thế giới làm thành viên, so với 11.000 thành viên của SWIFT.
Vấn đề ở đây là cả người Nga và người Trung Quốc đều không xem trọng đồng tiền của đối phương. Chẳng hạn như lần gần đây nhất vào đầu tháng Hai, Nga và Trung Quốc đã ký kết một thỏa thuận khí đốt tự nhiên bằng đồng euro, chứ không phải tiền tệ của họ.
Trên thực tế, có hơn 40% các khoản thanh toán trên toàn cầu được thanh toán bằng đồng USD, trong khi các khoản thanh toán bằng đồng nhân dân tệ chỉ chiếm 2%.
Iikka Korhonen, người đứng đầu Viện các nền kinh tế mới nổi của Ngân hàng Phần Lan cho biết: “Hiện tại ở Nga, mọi người đang xếp hàng để rút tiền bằng đồng rúp, đô la và euro, chứ không phải bằng đồng nhân dân tệ. Trên thực tế, việc Ngân hàng Trung ương Nga có một tỷ trọng tương đối lớn trong đồng nhân dân tệ của Trung Quốc sẽ không có nhiều tác dụng”.
(Theo Politico)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận