Liệu Threads có 'đánh bại' Twitter?
Xét về mặt lịch sử doanh nghiệp, có lẽ nào chúng ta đang chứng kiến một cuộc đổi ngôi khi một sản phẩm mới nhanh chóng thay chân một sản phẩm đình đám một thời. Đó là Threads, một mạng xã hội do Mark Zuckerberg khai sinh để cạnh tranh trực diện với mạng Twitter của Elon Musk.
Cho đến nay chưa biết mèo nào sẽ cắn mỉu nào, nhưng tốc độ phát triển của Threads có lẽ đang làm ông chủ Twitter lo lắng: ra đời vào ngày thứ Tư (5-7-2023), trong vòng chưa đầy 24 giờ đã có hơn 30 triệu người đăng ký xài Threads và con số này tăng lên thành 70 triệu người tính đến sáng thứ Sáu. Lúc Elon Musk bỏ ra 44 tỉ đô la để mua lại Twitter vào năm 2022, mạng xã hội này có chừng 235 triệu người dùng.
Ngay cả khi chưa có Threads đe dọa, Twitter dưới thời Elon Musk đã trải qua nhiều biến cố. Đầu tiên là để đối phó với doanh thu sụt giảm, Musk đã sa thải ít nhất một nửa nhân sự Twitter, làm ảnh hưởng đến sự vận hành thông suốt của mạng xã hội này, chưa kể các hoạt động sàng lọc nội dung để gạt bỏ các nội dung độc hại.
Nỗi lo Twitter không gạn lọc tốt tin giả làm nhiều nhà quảng cáo lớn tuyên bố rút lui khỏi nền tảng này trong khi quảng cáo chiếm đến 90% tổng doanh thu. Việc hạn chế lượng nội dung người dùng có thể xem hàng ngày cũng gây ra nhiều phản đối, có người cho rằng đây là cách Musk ép người dùng chuyển sang loại tài khoản có trả tiền hàng tháng. Những người dùng phe cấp tiến lo ngại Twitter dưới tay Musk sẽ phục hồi tài khoản cho những kẻ cực đoan, những người chuyên đăng tải các thuyết âm mưu, tin đồn.
Thông thường người dùng đã quen với một nền tảng nào thì thường ở yên trên nền tảng đó do các mối quan hệ xã hội, nhưng với Twitter và hàng loạt sự vụ gây tranh cãi, rất nhiều người dùng mong muốn có một chỗ nào khác để họ dọn đi cho đỡ bực mình. Đó chính là cơ hội có một không hai cho Threads.
Thông thường người dùng đã quen với một nền tảng nào thì thường ở yên trên nền tảng đó do các mối quan hệ xã hội, nhưng với Twitter và hàng loạt sự vụ gây tranh cãi, rất nhiều người dùng mong muốn có một chỗ nào khác để họ dọn đi cho đỡ bực mình. Đó chính là cơ hội có một không hai cho Threads. Đặc điểm của người dùng Twitter là muốn sử dụng nền tảng này để đưa ra một thông tin gì mới cho công chúng, vì thế Twitter rất được các chính trị gia, bình luận viên, nhà báo, người gây ảnh hưởng… ưa dùng.
Nếu Threads bằng cách nào đó thu hút được nhóm người dùng này thì mới đi theo con đường phát triển vững chắc. Hiện nay Threads đang dựa vào mối liên kết với Instagram, một mạng xã hội khác của Mark Zuckerberg, nên số lượng người dùng tăng nhanh chưa nói lên điều gì; có thể đó là một phần của cộng đồng Instagram hơn 2 tỉ người mở thêm tài khoản Threads, kéo theo những người đang theo dõi họ trên Instagram, chủ yếu là những người nổi tiếng như diễn viên, ca sĩ…
Nhóm người dùng chủ chốt của Twitter, theo nhiều nhà bình luận, cũng không ưa gì Mark Zuckerberg vì các xì căng đan lộ thông tin người dùng, rồi tin giả trên Facebook. Nhiều người phê phán cách cạnh tranh của anh này: bắt chước hay mua luôn đối thủ. Liệu sự bực mình của họ với Twitter có lớn hơn cảm giác không muốn dùng sản phẩm của Meta để chuyển qua Threads làm nơi bày tỏ suy nghĩ của họ.
Suy cho cùng, sự thành bại của một mạng xã hội nằm ở chỗ nó thu hút được bao nhiêu quảng cáo. Đây chính là điểm đáng lo nhất của Elon Musk. Doanh thu của Twitter năm 2021 vào khoảng 5,1 tỉ đô la. Sau khi Musk tiếp quản, các lộn xộn từ việc thay đổi nhiều chính sách đã làm nhiều nhà quảng cáo tạm ngưng hay giảm mạnh sự hiện diện trên Twitter. Vào tháng 3 vừa qua, Elon Musk tuyên bố doanh thu quảng cáo trên Twitter năm nay ước tính đạt mức 3 tỉ đô la, tức là giảm mạnh so với trước. Twitter hiện đang thua lỗ nặng; hiện phải gánh món nợ 13 tỉ đô la với chi phí duy trì chừng 300 triệu đô la mỗi quí.
Cho đến nay Threads chưa nhận quảng cáo bởi đang ở giai đoạn hoạt động ban đầu. Có lẽ với tiềm lực tài chính mạnh, Meta của Mark Zuckerberg sẽ đợi Threads lớn mạnh đến một mức nào đó mới tính đến chuyện quảng cáo. Nhưng không sớm thì muộn, Twitter phải chia sẻ nguồn thu quảng cáo cho đối thủ vì hai bên sẽ nhắm tới những đối tượng quảng cáo giống nhau. Chúng ta phải chờ xem 44 tỉ đô la Musk bỏ ra mua Twitter sẽ còn lại bao nhiêu trong những năm tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận