Liệu Nhật Bản có chấm dứt phụ thuộc quá mức vào chính sách nới lỏng tiền tệ?
Thị trường đang kỳ vọng tân Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) Kazuo Ueda sẽ tìm ra lối thoát để đưa nền kinh tế Nhật Bản thoát khỏi sự phụ thuộc quá mức vào chính sách nới lỏng tiền tệ.
Tại cuộc họp thiết lập chính sách đầu tiên dưới thời ông Ueda, BoJ quyết định tiến hành đánh giá toàn diện chính sách tiền tệ trong 25 năm qua để rút ra bài học và chuẩn bị cho hướng đi chính sách trong tương lai.
Thống đốc Ueda đã phủ nhận việc đánh giá chính sách sẽ dẫn đến một sự thay đổi cụ thể nào đó, nhưng ông cũng nói thêm rằng BoJ sẽ thực hiện các bước đi thích hợp dựa trên sự phát triển kinh tế, ngay cả trước khi quá trình đánh giá kết thúc trong 18 tháng tới hoặc lâu hơn.
Giới quan sát kỳ vọng, tân Thống đốc - người xuất thân từ giới học thuật - sẽ không đột ngột đưa ra những chính sách bất ngờ gây chấn động thị trường tài chính. Họ mong đợi một BoJ thực tế và dễ dự đoán hơn dưới thời ông Ueda, với các chính sách tập trung vào dữ liệu kinh tế.
Yuichi Kodama, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Meiji Yasuda, cho rằng việc đánh giá chính sách tiền tệ trong thời gian qua sẽ cho BoJ dư địa và lý do để điều chỉnh chính sách trong tương lai.
BoJ cho biết, họ sẽ duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ và kiểm soát đường cong lợi suất trái phiếu (YCC) nếu đó là biện pháp cần thiết để đạt được lạm phát mục tiêu 2% đi kèm với tăng trưởng tiền lương. BoJ giữ lãi suất ngắn hạn ở mức -0,1% trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm được phép giao dịch trong biên độ -0,5% đến 0,5%.
Phát biểu tại họp báo ngày 28/6, ông Ueda chia sẻ, do chưa đạt được mục tiêu 2%, chính sách nới lỏng tiền tệ đã không hoàn toàn thành công trong việc kích hoạt lạm phát.
Ông lưu ý rằng ngân hàng trung ương nên thận trọng và duy trì sự cân bằng hợp lý giữa những lợi ích và "tác dụng phụ" của chính sách tiền tệ nới lỏng.
Trong lịch sử, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đã tiến hành các đợt rà soát khuôn khổ chính sách tiền tệ. Cả hai ngân hàng trung ương thời gian gần đây đã tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, mặc dù tạo ra rủi ro đối với hệ thống ngân hàng.
Trong khi đó, BoJ có thể sẽ vẫn có "lối đi riêng" trong khi các ngân hàng trung ương của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) khác đều tăng lãi suất.Dựa trên dự báo lạm phát mới của BoJ, chỉ số giá tiêu dùng lõi loại trừ các mặt hàng thực phẩm tươi sống dễ biến động sẽ tăng 2% trong năm tài khóa 2024 (kết thúc vào 31/3/2024) nhưng sẽ thấp hơn mục tiêu trong tài khóa 2025.
Lạm phát tại Nhật Bản đã tăng tốc và đạt 3% - mức cao nhất trong 41 năm trong tài khóa 2022, khiến nhiều công ty quyết định tăng lương cho nhân viên. Hiện BoJ và các nhà phân tích đang xem xét liệu điều này có trở thành xu hướng dài hạn và hỗ trợ nhu cầu trong nước hay không.
Một thập kỷ nới lỏng tiền tệ chưa từng có dưới thời cựu Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda đã bộc lộ giới hạn, với hơn một nửa số nợ tồn đọng của chính phủ hiện thuộc sở hữu của ngân hàng trung ương. Trước đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã kêu gọi BoJ nới lỏng chương trình kiểm soát đường cong lợi suất./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận