menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vương Tuyên Đức

Liệu Nga-Mỹ có thể giải quyết xung đột Ukraine thông qua kênh ngoại giao?

Mới đây, Nga khẳng định rằng rõ ràng là Mỹ không sẵn sàng giải quyết những quan ngại an ninh chủ yếu của Nga trong cuộc đối đầu giữa hai bên liên quan tới Ukraine, song cả hai vẫn để ngỏ khả năng đối thoại.

Hôm 25/1, Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã phản hồi bằng văn bản đối với các yêu sách của Nga về việc xem xét lại các dàn xếp an ninh thời hậu Chiến tranh Lạnh ở châu Âu. Nga đưa ra những yêu sách này khi nước này tập hợp quân gần Ukraine, khiến phương Tây lo ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc xâm lược và Mỹ đưa ra các cam kết hỗ trợ quốc phòng mới.

Người phát ngôn của Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov nói rằng Moskva cần thời gian để xem xét và sẽ không vội vàng đưa ra kết luận, nhưng việc các tuyên bố của Mỹ và NATO mô tả những yêu sách chính của Nga là không thể chấp nhận được khiến tình hình trở nên không mấy lạc quan. Ông Peskov phát biểu: "Dựa trên những gì mà các đồng nghiệp của chúng tôi (Mỹ và NATO) đã tuyên bố ngày hôm qua, hoàn toàn rõ ràng rằng về các vấn đề chính được nêu ra trong các văn bản dự thảo đó... chúng tôi không thể nói rằng những trăn trở của chúng tôi đã được cân nhắc hay có dấu hiệu họ sẽ sẵn sàng cân nhắc tới các quan ngại của chúng tôi. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không vội vã đưa ra đánh giá".

Theo Reuters, phản ứng của Điện Kremlin cho thấy Nga không bác bỏ các phản ứng của Mỹ và NATO hay đóng sập cánh cửa ngoại giao. Washington nói rằng họ và các đồng minh hy vọng Nga sẽ nghiên cứu các phản ứng của họ và quay trở lại bàn đàm phán. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị Victoria Nuland nói với các phóng viên: "Chúng tôi thống nhất với nhau về các ưu tiên ngoại giao. Nhưng chúng tôi cũng cùng thống nhất rằng nếu Moskva từ chối đề nghị đối thoại của chúng tôi, thì cái giá phải trả sẽ đến rất nhanh chóng và nghiêm trọng".

Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố rằng cách tốt nhất để giảm căng thẳng là NATO rút các lực lượng khỏi Đông Âu, nhưng họ cũng tìm cách dập tắt những lo ngại về một cuộc xâm lược. Các quan chức Mỹ cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn chưa quyết định có tiến hành xâm lược hay không. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Alexei Zaitsev cho biết: "Chúng tôi đã nhiều lần tuyên bố rằng đất nước chúng tôi không có ý định tấn công bất kỳ ai. Chúng tôi coi ngay cả việc nghĩ tới một cuộc chiến giữa những người dân của chúng tôi cũng là điều không thể chấp nhận được".

Ngoại giao mong manh

Nhà Trắng cho biết, trong nhiều tuần đối thoại kỹ lưỡng, hai bên vẫn chưa đạt được một bước đột phá, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhắc lại trong cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy rằng Washington và các đồng minh sẵn sàng đáp trả quyết liệt nếu Nga xâm lược nước cộng hòa từng thuộc Liên Xô cũ này.

Trong một tuyên bố, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Biden đã nói rằng Mỹ "đang thăm dò thêm các hỗ trợ kinh tế vĩ mô để giúp nền kinh tế Ukraine trong bối cảnh nước này đang phải chịu sức ép từ việc Nga triển khai quân đội (ở gần Ukraine)". Tổng thống Ukraine Zelenskiy viết trên Twitter rằng họ đã nhất trí về "các hành động chung cho tương lai" và thảo luận về các khả năng hỗ trợ tài chính. Một nhóm thượng nghị sĩ Mỹ đã nhóm họp để soạn thảo luật nhằm tăng viện trợ quốc phòng cho Kiev.

Các yêu sách an ninh của Nga được đưa ra vào tháng 12/2021 bao gồm việc chấm dứt hoạt động mở rộng hơn nữa của NATO, không cho phép Ukraine gia nhập NATO và NATO cần rút các lực lượng cũng như vũ khí của mình ra khỏi các nước Đông Âu từng gia nhập liên minh này sau Chiến tranh Lạnh. Các phản ứng của Mỹ và NATO không được công khai, nhưng cả hai đều đã bác bỏ các yêu cầu của Nga khi bày tỏ sẵn sàng tham gia vào các vấn đề như kiểm soát vũ khí, các biện pháp xây dựng lòng tin và giới hạn về quy mô cũng như phạm vi của các cuộc tập trận quân sự.

Trung Quốc nói với Mỹ rằng họ muốn tất cả các bên có liên quan đến vấn đề Ukraine giữ bình tĩnh "và không làm những việc gây kích động căng thẳng và thổi phồng cuộc khủng hoảng". Thứ trưởng Ngoại giao Nuland cho biết Washington đã có thông điệp riêng gửi tới Bắc Kinh. Bà nói: “Chúng tôi đang kêu gọi Bắc Kinh sử dụng ảnh hưởng của mình với Moskva để thúc đẩy biện pháp ngoại giao, vì nếu xảy ra xung đột ở Ukraine, điều đó cũng không có lợi cho Trung Quốc". Các chuyên gia nghiên cứu chính sách cho rằng, với việc mối quan hệ Trung-Nga có thể đang ở mức nồng ấm nhất trong lịch sử, Washington không thể mong đợi Trung Quốc ủng hộ lập trường của Mỹ trong cuộc đối đầu này.

Các nước phương Tây đã cảnh báo về các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga nếu nước này xâm lược Ukraine, dựa trên các biện pháp đã được áp đặt từ năm 2014, khi Moskva sáp nhập Crimea và lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn bắt đầu chiến đấu với các lực lượng của chính phủ Kiev ở miền Đông Ukraine. Tuy nhiên, có sự khác biệt giữa Mỹ và các đồng minh thuộc Liên minh châu Âu (EU), những nước có 1/3 nguồn cung khí đốt phải phụ thuộc vào Nga. Washington đang tham vấn với Đức để đảm bảo dự án đường ống dẫn dầu giữa Nga và Đức, vốn gây ra nhiều chia rẽ, sẽ không được tiến hành nếu Nga xâm lược Ukraine. Bà Nuland cho biết: "Chúng tôi tiếp tục có các cuộc thảo luận rất mạnh mẽ và rõ ràng với các đồng minh Đức và ngày hôm nay tôi muốn nói rõ với các bạn rằng nếu Nga xâm lược Ukraine, bằng cách này hay cách khác, dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) sẽ không thể được tiếp tục". Mỹ đã tìm cách đảm bảo với EU rằng Mỹ sẽ giúp EU tìm được các nguồn khí đốt thay thế nếu Nga cắt giảm nguồn cung. Nhưng nguồn cung khí đốt trên toàn cầu hiện đang thiếu hụt.

Một ngày sau khi các nhà ngoại giao Ukraine, Nga, Đức và Pháp thảo luận về cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine và nhất trí sẽ đàm phán thêm, Ngoại trưởng Nga cho biết có hy vọng bắt đầu đối thoại nghiêm túc với Mỹ nhưng chỉ về các vấn đề thứ yếu.

Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc (LHQ) cho biết Mỹ đã yêu cầu Hội đồng Bảo an LHQ họp công khai vào ngày 31/1 để thảo luận về mối đe dọa từ việc Nga điều động quân ở gần Ukraine.

au nhiều tuần không đưa ra phát biểu công khai nào về cuộc khủng hoảng hiện nay, Tổng thống Putin đã đưa ra cảnh báo về một "phản ứng quân sự-kỹ thuật" - điều mà các nhà phân tích quốc phòng cho rằng có thể liên quan đến việc triển khai tên lửa nếu các yêu cầu của Nga bị phớt lờ. Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Nga cho biết một cuộc khủng hoảng tên lửa hạt nhân giữa Moskva và Washington là khó tránh khỏi nếu không có các biện pháp đảm bảo các bên phải kiềm chế và hành động theo cách có thể dự đoán được.

Tổng thống Biden từng tuyên bố sẽ không cử quân đội Mỹ hoặc đồng minh đến chiến đấu với Nga ở Ukraine, nhưng NATO cho biết họ đang đặt các lực lượng trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu và củng cố sức mạnh cho Đông Âu bằng nhiều tàu và máy bay chiến đấu hơn nữa./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại