Liệu Mỹ có dám cắt nguồn cung dầu để "ép" Trung Quốc?
Trong bối cảnh các nghị sĩ Mỹ đang kêu gọi chính quyền nước này dừng xuất khẩu dầu cho Trung Quốc, Bắc Kinh đang tăng cường nhập khẩu dầu thô từ Nga, giúp bù đắp tổn thất từ việc các quốc gia phương Tây cắt giảm việc mua năng lượng của Nga để trừng phạt nước này liên quan đến cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Mức tăng đột biến đó có nghĩa là Nga đã vượt Saudi Arabia để trở thành nhà cung cấp dầu mỏ hàng đầu của Trung Quốc khi phương Tây trừng phạt xuất khẩu năng lượng của Nga. Dữ liệu hải quan trong tháng 5/2022 cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã nhập khẩu khoảng 8,42 triệu tấn dầu từ Nga, tăng 55% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tháng 5/2022, Trung Quốc đã nhập khẩu 7,82 triệu tấn dầu từ Saudi Arabia. Theo Bloomberg News, Trung Quốc đã mua các sản phẩm năng lượng trị giá 7,47 tỷ USD của Nga trong tháng 5/2022, nhiều hơn khoảng 1 tỷ USD so với tháng Tư trước đó.
Trung Quốc đã từ chối công khai lên án chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine và thay vào đó "gặt hái" lợi nhuận kinh tế từ nước láng giềng bị cô lập này. Trong bối cảnh các khách hàng từ Mỹ và châu Âu tránh nhập khẩu hoặc cam kết nhập khẩu sản phẩm năng lượng của Nga để giảm mạnh sự phụ thuộc vào năng lượng Nga trong những tháng tới.
Nhu cầu của châu Á đang giúp khắc phục một số thiệt hại đó cho Nga, đặc biệt là khách hàng từ Trung Quốc và Ấn Độ. Theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu Rystad Energy, từ tháng 3/2022 đến tháng 5/2022, Ấn Độ đã mua lượng dầu của Nga nhiều hơn 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhập khẩu của Trung Quốc trong giai đoạn đó giảm. Nhà phân tích Wei Cheong Ho cho biết: "Thực trạng này chỉ là kinh tế học thuần túy, các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ và Trung Quốc nhập khẩu nhiều dầu thô có xuất xứ từ Nga... vì dầu như vậy có giá rẻ".
Theo báo cáo mới nhất về dầu toàn cầu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trong hai tháng qua, Ấn Độ đã vượt Đức để trở thành nước nhập khẩu dầu thô của Nga lớn thứ hai. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ dầu thô lớn nhất của Nga kể từ năm 2016.
Mặc dù nhu cầu ở Trung Quốc vẫn bị hạn chế do tác động của đại dịch COVID-19, nhưng đã có một số cải thiện trong tháng qua khi các thành phố nới lỏng kiểm soát sau đợt bùng phát tồi tệ nhất của đất nước kể từ những ngày đầu của đại dịch. Dữ liệu chính thức cho thấy điều này đã giúp giảm bớt các vấn đề về chuỗi cung ứng và sản xuất công nghiệp gia tăng.
Theo dữ liệu hải quan, tổng nhập khẩu của Trung Quốc từ Nga tăng vọt 80% trong tháng 5/2022 so với cùng kỳ năm trước, lên 10,3 tỷ USD. Lượng khí tự nhiên hóa lỏng mà Trung Quốc mua của Nga tăng 54% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 397.000 tấn, ngay cả khi lượng nhiên liệu nhập khẩu nói chung giảm.
Từng là đối thủ quyết liệt trong Chiến tranh Lạnh, Bắc Kinh và Moskva đã tăng cường hợp tác trong những năm gần đây như một đối trọng với cái mà họ coi là sự thống trị toàn cầu của Mỹ. Trong tháng này, Nga và Trung Quốc đã khánh thành cây cầu đường bộ đầu tiên nối các quốc gia, kết nối thành phố Blagoveshchensk ở miền Viễn Đông nước Nga với miền Bắc thành phố Hắc Hà (Heihe) của Trung Quốc.
Tuần trước, trong một cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đảm bảo với Tổng thống Nga Vladimir Putin về sự ủng hộ của Trung Quốc đối với "chủ quyền và an ninh". Điện Kremlin cho biết hai bên đã đồng ý tăng cường hợp tác kinh tế để đối mặt với các biện pháp trừng phạt "trái luật" của phương Tây.
Phương Tây đã thực hiện các biện pháp trừng phạt chưa từng có đối với Nga, buộc Nga phải tìm các thị trường và nhà cung cấp mới để thay thế các công ty nước ngoài đã rời bỏ Nga sau khi xảy ra xung đột với Ukraine. Vào cuối tháng Năm vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) gồm 27 quốc gia đã đồng ý về một gói trừng phạt, ngăn chặn phần lớn hoạt động nhập khẩu dầu của Nga. Mỹ đã cấm nhập khẩu các loại sản phẩm dầu của Nga ,nhưng các quốc gia châu Âu phụ thuộc nhiều hơn vào các mặt hàng nhập khẩu này.
Về phía Mỹ, mới đây, hai thượng nghị sĩ Cộng hoà Marco Rubio và Rick Scott đề xuất dự luật hạn chế nguồn cung cấp dầu cho Trung Quốc. Hai nghị sĩ giải thích rằng Mỹ không nên đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đối thủ chính trị chính của mình thông qua việc xuất khẩu dầu. Theo các thượng nghị sĩ, chính quyền Tổng thống Joe Biden không nên xuất khẩu dầu thô sang Trung Quốc trong khi người dùng Mỹ phải trả hơn 5 USD cho mỗi gallon xăng (1 gallon = 3,78 lít).
Ông Marco Rubio từ lâu đã nổi tiếng là nhân vật “diều hâu” với Trung Quốc. Ông liên tục thúc đẩy các dự luật chống Trung Quốc, nhấn mạnh các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ từ các công ty Trung Quốc. Ông cũng là người đầu tiên đề xuất dự luật khiến các công ty Trung Quốc bị hủy niêm yết cổ phiếu trên các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ. Hai thượng nghị sĩ Rubio và Scott đã tham gia trực tiếp vào việc soạn thảo dự luật mang tên “Đạo luật chống máy bay không người lái”, trong đó cấm sử dụng các sản phẩm của công ty DJI - nhà sản xuất máy bay không người lái lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, khi đó Washington chỉ giới hạn bởi việc đưa DJI vào danh sách đen, ngăn nhà sản xuất Trung Quốc tiếp cận nguồn cung công nghệ của Mỹ.
Mỹ đã tuyên bố nước này cần phải giải quyết tình trạng mất cân bằng thương mại với Trung Quốc, nhưng cho đến nay, Washington chưa có cách đối phó hiệu quả với vấn đề này. Ngay cả các biện pháp thuế quan của cựu Tổng thống Donald Trump đối với các sản phẩm Trung Quốc cũng không thực sự hiệu quả. Năm 2017, ngay trước khi bắt đầu cuộc chiến thương mại, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc ở mức 375 tỷ USD. Năm 2021, con số này đã là 396,5 tỷ USD.
Trung Quốc là nhà nhập khẩu dầu thô Mỹ lớn thứ 4 (trong quý I/2022, Mỹ đã xuất khẩu khoảng 819 triệu thùng dầu và các sản phẩm dầu mỏ sang Trung Quốc), không có gì khó hiểu khi lệnh cấm xuất khẩu dầu sang Trung Quốc sẽ chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề mất cân bằng thương mại và các công ty dầu mỏ của Mỹ sẽ mất hàng tỷ USD doanh thu.
Bên cạnh đó, lạm phát là một thách thức chính trị rất lớn đối với Mỹ. Và ông Rubio nói đúng rằng, giá xăng vượt mức 5 USD/gallon đang gây sốc đối với những người Mỹ quen sử dụng nhiên liệu rẻ. Nhưng, việc hạn chế nguồn cung dầu cho Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ nguyên liệu thô lớn nhất thế giới - đồng nghĩa với việc thúc đẩy nhu cầu về dầu trên thị trường toàn cầu và do đó khiến giá dầu tăng thêm.
Nói cách khác, ông Mei Xinyu, chuyên gia tại Viện nghiên cứu Hợp tác Kinh tế và Thương mại Quốc tế thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc, nói với Sputnik, biện pháp do ông Rubio đề xuất để đối phó với giá nhiên liệu cao ở Mỹ chẳng khác gì việc “đổ thêm dầu vào lửa”. Khi cố gắng trừng phạt Trung Quốc theo cách này, Washington có thể “gậy ông đập lưng ông”.
Ngay cả trên phương diện chính trị, Washington đã nhiều lần gây áp lực với Trung Quốc do hợp tác với Nga, và chỉ ra rằng, việc Trung Quốc mua các sản phẩm của Nga, bao gồm cả các nguồn năng lượng, làm giảm tác dụng của các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga. Nhưng, nếu Mỹ cắt nguồn cung dầu cho Trung Quốc, các nhà cung cấp nguyên liệu thô khác sẽ dễ dàng lấp đầy những khoảng trống.
Theo AFP
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận