24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Lê Long
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Liệu khủng hoảng Ukraine có “chôn vùi” những thành quả của Nga ở Đông Nam Á?

Theo bài viết trên báo The Straits Times, các khoản đầu tư của Nga vào Indonesia và các quốc gia Đông Nam Á khác dường như đang bị “đặt dấu hỏi” khi Mỹ sẵn sàng đưa ra các biện pháp trừng phạt chống lại Moskva do bất ổn biên giới giữa Nga và Ukraine.

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), vốn chỉ nhận được 83,5 tỷ USD đầu tư của Nga trong năm 2019, có thể nhận thấy rằng họ không thể đứng ngoài cuộc nếu Mỹ chặn Nga khỏi hệ thống của Hiệp hội Viễn thông Liên ngân hàng và Tài chính Quốc tế (SWIFT) hay áp đặt các biện pháp hạn chế khác.

Mặc dù vẫn còn nhỏ bé, nhưng sự hiện diện của Nga ngày càng tăng trong đầu tư và can dự ngoại giao ở khu vực Đông Nam Á, nơi Moskva cũng đem lại đối trọng với Trung Quốc.

Năm 2016, công ty dầu khí nhà nước Pertamina của Indonesia đã thiết lập quan hệ đối tác với công ty năng lượng Rosneft của Nga để xây dựng một nhà máy lọc dầu ở Đông Java trị giá 13 tỷ USD. Nhằm mục tiêu giảm bớt nhập khẩu các sản phẩm tinh chế của Indonesia như xăng, đây là cơ sở mới đầu tiên cho nước này kể từ cuối những năm 1990.

Trong cùng năm đó, Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á -Âu (EAEU), trong đó có Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan, có hiệu lực. Một FTA khác với Singapore đang được đàm phán.

Thị trường thương mại điện tử trị giá 150 tỷ USD của ASEAN cũng đã được Nga khai thác từ năm 2018 với ứng dụng gọi xe Maxim và InDriver. Công ty này đã thiết lập cửa hàng ở Indonesia với kế hoạch mở rộng sang các nước còn lại của Đông Nam Á.

Tháng 10/2021, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tham dự qua cầu truyền hình Hội nghị cấp cao Đông Á cũng như đối thoại ASEAN-Nga, đánh dấu kỷ niệm 30 năm hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao. Hội nghị cấp cao đó có thể minh chứng cho dấu ấn tốt đẹp trong quan hệ ASEAN-Nga khi cuộc khủng hoảng Ukraine đe dọa dập tắt triển vọng đạt được nhiều lợi ích hơn nữa.

Phó giáo sư, Tiến sỹ Matthew Sussex thuộc trường Đại học Quốc gia Australia cho rằng ASEAN có thể buộc phải hành động mà không trái nguyên tắc khi cần thiết nếu Mỹ loại Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu. Tuy nhiên, việc Nga lại sáp nhập một phần lãnh thổ khác của Ukraine đi ngược lại nguyên tắc không can thiệp mà cả Nga lẫn ASEAN đều ủng hộ và coi đó là nguyên tắc cốt lõi.

Trong khi đó, bà Joanne Lin, chuyên gia hàng đầu về các vấn đề chính trị thuộc Trung tâm nghiên cứu ASEAN của Viện ISEAS - Yusof Ishak (Singapore), cho rằng ASEAN sẽ khó tìm được sự đồng thuận giữa các quốc gia thành viên đối với vấn đề cách xa họ nửa vòng Trái Đất. Theo bà, nếu xung đột nổ ra, ASEAN cùng lắm sẽ đưa ra tuyên bố của Chủ tịch ASEAN hoặc của các Bộ trưởng Ngoại giao về tình hình. Nhưng ngay cả khi đó cũng khó có thể đạt được sự đồng thuận trong nội bộ ASEAN do quan hệ song phương giữa các quốc gia thành viên ASEAN và Nga ở mức độ khác nhau.

Các nhà phân tích cho rằng Nga đã giúp phát triển các nguồn năng lượng và đem lại cho một số quốc gia Đông Nam Á sự đối trọng được hoan nghênh dù còn hạn chế trước Trung Quốc. Người đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar, Thống tướng Aung Hlaing, chỉ tiến hành hai chuyến công du nước ngoài kể từ sau khi lãnh đạo cuộc đảo chính ngày 1/2/2021 và một trong số đó là Moskva, chứ không phải Bắc Kinh. Chính quyền quân sự tỏ ra thận trọng vì những tham vọng của Trung Quốc trong việc ký kết các thỏa thuận về cơ sở hạ tầng và việc họ không kiềm chế các nhóm sắc tộc nổi loạn đang hoạt động dọc biên giới hai nước.

Ở Indonesia, Công ty Zarubezhneft thuộc sở hữu nhà nước của Nga hợp tác với công ty Harbour Energy của Anh để thẩm định các lô dầu khí ở Biển Natuna mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền.

Mặc dù vậy, lịch sử gần đây cho thấy các biện pháp trừng phạt của Mỹ có thể làm thay đổi hồ sơ rủi ro của một số nhà đầu tư Nga. Năm 2018, Chính phủ Indonesia đã buộc công ty Pertamina phải tạm hoãn kế hoạch vận hành giếng dầu Mansouri ở Iran sau Chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump tái áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào các nước thứ ba hoạt động ở đó.

Theo thỏa thuận năm 2016, nhà máy lọc dầu được xây dựng trên khu vực hóa dầu hiện có của Pertamina ở Tuban, Đông Java, sẽ xử lý tới 300.000 thùng dầu thô một ngày, với 45% trong số đó đến từ Nga. Pertamina sẽ mua tới 35.000 thùng một ngày từ các giếng dầu của Rosneft ở Nga. Pertamina cho biết cơ sở lọc dầu này sẽ vận hành trực tuyến vào năm 2026, mặc dù một số nhà phân tích cho rằng nó chưa thể sẵn sàng cho đến năm 2028.

Mỹ đã không nêu cụ thể các biện pháp trừng phạt nào (nếu có) nếu các hành động thù địch nổ ra, liên quan tới căng thẳng Nga - Ukraine. Có khả năng Indonesia, nước tự hào với sự độc lập về ngoại giao với các cường quốc thế giới, sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, ông Ifki Sukarya, Thư ký công ty của đơn vị lọc hóa dầu của Pertamina, khẳng định công ty tự tin rằng nhà máy lọc dầu sẽ đi vào hoạt động vào năm 2027 ngay cả trong trường hợp Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt. Ông cho biết Pertamina và Rosneft đang làm việc cùng nhau để đảm bảo mọi rủi ro tiềm tàng đối với dự án này được giám sát và giảm thiểu, trong đó có bất kỳ rủi ro nào liên quan đến các lệnh trừng phạt tiềm tàng của Mỹ sắp tới. Ông bổ sung rằng nhà máy lọc dầu hiện không phải chịu các lệnh trừng phạt của Washington.

Tuy nhiên, cựu Ngoại trưởng Indonesia cho biết ASEAN không phải không may mắn và Hiệp hội vẫn giữ lại được ảnh hưởng với tư cách là một bên trung gian trung thực. Trong khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã và đang làm trung gian tìm kiếm một giải pháp giữa Moskva, Kiev và Washington, lời kêu gọi đối thoại từ khối ASEAN không liên kết có thể là một cú hích có giá trị.

Theo Strait Times

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả