menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nhật Anh

Liệu Google có thể cạnh tranh với hệ sinh thái của Apple?

Giữa tháng 11/2020, Apple đã công bố chiếc máy tính Mac đầu tiên sử dụng chip xây dựng dựa trên cấu trúc Arm có tên M1. 

Nhưng đằng sau những thông số ấn tượng của chip mới và việc từ bỏ Intel để sử dụng các sản phẩm tự phát triển, Apple đang phát đi thông điệp rằng họ đã nắm quyền kiểm soát hoàn toàn đối với cả phần cứng và phần mềm trên các sản phẩm di động lẫn máy tính của mình.

Một sự chuyển đổi trong kiến trúc bộ xử lý trung tâm (CPU) không phải một tin tức tốt lành đối với các phần mềm đa nền tảng hay chạy trên nền tảng giả lập. Nhưng Apple có khả năng điều chỉnh các bộ vi xử lý của họ trong tương lai theo nhu cầu phần mềm, qua đó tăng hiệu suất về lâu dài.
Tương tự, toàn bộ hệ sinh thái của Apple có thể được hưởng lợi từ các cải thiện về học máy (machine learning) và bộ xử lý bảo mật Secure Enclave. Đây cũng là một bước chuyển lớn đối với bảo mật sinh trắc học và cả thanh toán kỹ thuật số trên các thiết bị của Apple.

Dù việc “Táo khuyết” thắt chặt kiểm soát hệ sinh thái của mình liệu có phải một điều tuyệt vời đối với người tiêu dùng hay không vẫn còn chưa rõ ràng, song không thể phủ nhận được đó là sự thay đổi gây “rung chấn” nhất trên thế giới công nghệ trong hơn một thập kỷ qua.

Song Apple chỉ mới bắt đầu quá trình chuyển đổi cho hệ sinh thái. Vẫn còn rất nhiều thời gian để các đối thủ cạnh tranh của họ phản ứng, thậm chí đuổi kịp tham vọng của “Táo khuyết”. Trong số những cái tên lớn nhất, Google được kỳ vọng có thể trở thành đối thủ chính của Apple trong lĩnh vực này.

Câu hỏi là làm thế nào Google có thể thực hiện được điều đó?

* Khả năng kết nối dữ liệu di động

Một thiếu sót rõ ràng trong chip M1 của Apple là khả năng hoạt động trên nền tảng mạng 4G hoặc 5G nếu người dùng muốn làm việc khi di chuyển. Điều này có thể bất lợi cho Apple khi một số công ty đối thủ như Microsoft đã quảng bá khả năng kết nối mạng 4G là một tính năng cốt lõi cho thiết bị máy tính cá nhân xách tay (laptop) của mình.

Apple mới đây đã mua lại mảng modem của Intel, do vậy một modem tích hợp sẵn có thể xuất hiện trong các chip của Apple trong tương lai. Nhưng Apple hiện vẫn mắc kẹt với các modem do bên thứ ba phát triển và qua đó làm suy yếu khả năng tích hợp của M1.

Trong khi đó, các chip của Qualcomm, chẳng hạn như Snapdragon 8cx, mang lại lợi thế cho các thiết bị Windows của Microsoft sử dụng chip chạy trên cấu trúc Arm. Tương tự, Google cũng có thể tận dụng loại chip như vậy cho các dòng laptop Chromebook chạy hệ điều hành Chrome OS của mình.
Tuy nhiên, một chiếc laptop có khả năng kết nối mạng mọi nơi không phải một thiết bị mang tính “thay đổi cuộc chơi” vào lúc này. Hầu hết người dùng đều hài lòng khi làm việc trên Wi-Fi.

Thêm vào đó là mức giá vẫn còn khá cao của các gói dữ liệu di động khiến việc kết nối mạng từ thẻ SIM để làm việc khá tốn kém. Dù vậy vào những năm tới, laptop hỗ trợ 5G có thể trở thành lợi thế cho các dịch vụ sử dụng điện toán đám mây như Google Workspace và Google nên nắm bắt tiềm năng này sớm.
* Phần cứng không phải là tất cả

Mặc dù quyền kiểm soát cả phần cứng và phần mềm đều mang lại lợi thế, các nhà sản xuất khác đã có khả năng thực hiện mọi điều mà Apple có thể. Google chắc chắn không cần phải mạo hiểm đi theo con đường tự phát triển các hệ thống trên chip (SoC) một cách đầy tốn kém của Apple.

Các chip dựa trên cấu trúc Arm của MediaTek và Qualcomm đều đã có thể giải mã và mã hóa video, đi cùng màn hình HDR độ phân giải cao, các tính năng xử lý và bảo mật người dùng cũng như năng lực học máy để cạnh tranh khá ổn với chip của Apple.
Điều thực sự quan trọng là hệ điều hành và các giao diện lập trình ứng dụng (API) giúp các nhà phát triển dễ dàng tận dụng những khả năng này. Google không cần phải sở hữu các nền tảng phần cứng để thực hiện điều đó, nhưng họ cần hợp tác chặt chẽ với các nhà cung cấp.

Trên hệ điều hành di động Android, Google đã có khung Android NN để tận dụng khả năng học máy trên nhiều nền tảng chip khác nhau, cũng như các API về sinh trắc học và bảo mật. Tuy nhiên, Google có thể phải thay đổi cách tiếp cận dựa trên trình duyệt của mình để tận dụng tốt hơn các khả năng trên và đặc biệt là hệ thống ứng dụng Android cho hệ điều hành Chrome OS.
Những chiếc Chromebook đầu tiên sử dụng chip dựa trên cấu trúc Arm có hiệu suất rất yếu ớt. Nhưng đó không còn là vấn đề với các chip hiện đại và cấu trúc Arm có thể chạy các ứng dụng Android không cần nền tảng giả lập. Chrome OS có thể dựa vào thư viện ứng dụng Android với các API phù hợp.

Tuy nhiên, hệ sinh thái của Chrome OS vẫn cần rất nhiều sự hỗ trợ cho các ứng dụng chạy trên màn hình lớn. Có thể đó là nơi Google đang hướng tới với kế hoạch phát triển Fuchsia OS chăng?
*Vấn đề về giá cả

Mối quan tâm lớn nhất của người dùng với các thiết bị sử dụng chip dựa trên cấu trúc Arm là giá của chúng đều quá đắt đỏ, dù Apple cũng gặp vấn đề tương tự khi chiếc Macbook mới của họ có giá 999 USD. Thậm chí chính Qualcomm đã thừa nhận rằng mức giá đối của các laptop tích hợp chip Snapdragon (như của Microsoft) hiện vẫn quá cao.

Thị trường cho các sản phẩm phổ thông có tích hợp Trí tuệ nhân tạo (AI), bảo mật cấp doanh nghiệp và kết nối mạng 4G - 5G vẫn còn khá trống trải. Về lý thuyết, Chromebook có thể thống trị phân khúc này với sự hỗ trợ của hệ thống ứng dụng Android và các dịch vụ luôn kết nối mạng của Google. Đương nhiên, nó phải đi kèm mức giá phù hợp.

Một chiếc Chromebook sử dụng chip cấu trúc Arm, tích hợp các tính năng AI và kết nối mạng không dây có giá dưới 700 USD sẽ rất hấp dẫn đối với người dùng. Điểm yếu của Apple là mức giá quá cao và Google có thể mang tới sự cạnh tranh rất cần thiết cho “Táo khuyết”.

Thị trường sẽ còn phải đợi để biết chính xác Google sẽ phản ứng thế nào với nỗ lực nắm quyền kiểm soát hệ sinh thái sản phẩm của Apple. Cũng có câu hỏi đặt ra về việc liệu cách tiếp cận của Google có phù hợp để thách thức Apple trong khả năng học máy và bảo mật trên thiết bị hay không? Liệu các nhà sản xuất chip có thể tiếp tục cuộc chơi để cạnh tranh với hiệu suất hàng đầu của M1 hay không./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại