menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hoàng Thủy Tiên

Liệu EU có lên con thuyền CPTPP?

Các chuyên gia cho rằng để phòng thủ trước các biến động thương mại trong tương lai giống như những gì đang xảy ra trong cuộc chiến Mỹ-Trung hiện nay, các nền kinh tế châu Á cần thúc đẩy hợp tác với Liên minh châu Âu (EU) bằng cách mở ra khả năng đàm phán để EU gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Hiệp định CPTPP với 11 thành viên có tổng cộng 500 triệu người tiêu dùng và tổng GDP 13.500 tỉ đô la Mỹ hứa hẹn mang lại cho EU cơ hội lớn về thương mại nếu khối này quyết định gia nhập CPTPP. Ảnh: Avim.org.tr

Khi các nền kinh tế châu Á đang xoay sở ứng phó với tác động lan tỏa của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, các nỗ lực mở rộng hợp tác với châu Âu có thể giúp đa dạng hóa các mối quan hệ hợp tác thương mại và củng cố sức mạnh của khu vực để chống lại các cú sốc kinh tế trong tương lai.

Khối thương mại 11 thành viên CPTPP bao gồm bốn nền kinh tế ASEAN (Việt Nam, Singapore, Malaysia, Brunei) và các nước Nhật Bản, Úc, New Zealand, Canada, Mexico, Chile, Peru có thể đón chào sự gia nhập của EU.

Tuần trước, Viện Chính sách Hội châu Á (ASPI), công bố một báo cáo, trong đó nêu những lợi ích chi tiết mà các nền châu Á tiếp tục hưởng được bất chấp các bất ổn thương mại do cuộc đối đầu Mỹ-Trung. Báo cáo cho rằng EU nên cân nhắc gia nhập CPTPP để gi trở thành một phần của chuỗi cung ứng ở khu vực Thái Bình Dương. EU đã ký kết hoặc đang trong quá trình đàm phán các hiệp định tự do thương mại với tất cả mọi thành viên CPTPP trừ Brunei. EU cũng là nhà xuất khẩu và nhập khẩu lớn thứ ba đối với các thành viên CPTPP, chỉ đứng sau Mỹ và Trung Quốc.

“CPTPP được xây dựng dựa trên những gì EU đã hoàn tất trong các hiệp định thương mại với các nước châu Á đơn lẻ”, Wendy Cutler, Phó Chủ tịch ASPI, cựu đại diện đàm phán thương mại của Mỹ trong các cuộc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tên gọi trước đây của Hiệp định CPTPP, cho biết.

Cassey Lee, học giả cấp cao ở Viện ISEAS-Yusof Ishak tại Singapore, nhận định các căng thẳng thương mại Mỹ-Trung có thể kéo dài ít nhất trong trung hạn và có thể dẫn đến các thay đổi cấu trúc của các chuỗi cung ứng và làm suy giảm đầu tư khắp khu vực châu Á.

Do vậy, ông cho rằng các nước châu Á cần phải nhắm đến châu Âu để bảo đảm tính ổn định của nền tảng đa dạng hóa đối tác thương mại.

CPTPP đã có hiệu lực ở bảy trong số 11 nước thành viên và bốn thành viên còn lại dự kiến phê chuẩn CPTPP vào cuối năm nay. Indonesia, Hàn Quốc, Thái Lan và Anh cũng đã bày tỏ nguyện vọng gia nhập CPTPP. Là một trong những hiệp định tự do thương mại lớn nhất thế giới, đại diện cho hơn 13% GDP toàn cầu, CPTPP giúp giảm thuế quan, gia tăng kết nối thương mại giữa các nước thành viên đồng thời cung cấp các cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại cũng như bảo vệ dòng chảy thông tin xuyên biên giới.

Hiệp định này được nhìn nhận như là hiện thân của các tiêu chuẩn thương mại quốc tế cao nhất bao gồm các điều khoản cấm sử dụng lao động trẻ em, cấm cưỡng bức lao động và phân biệt đối xử việc làm. CPTPP cũng đặt ra các điều khoản bảo vệ môi trường chi tiết cũng như cấm các hình thức trợ cấp cho ngành ngư nghiệp có thể khuyến khích tình trạng đánh bắt hải sản quá mức.

Tu Xinquan, Hiệu trưởng Viện Trung Quốc về Nghiên cứu Tổ chức thương mại thế giới (WTO) ở Đại học Kinh tế và Kinh doanh ở Bắc Kinh, nói: “CPTPP đặt ra các tiêu chuẩn cao, thúc đẩy các cấp độ cao trong đầu tư và chắc chắn cải thiện hơn so với các hiệp định tự do thương mại hiện nay”.

Các chuyên gia cho rằng hội nhập kinh tế gần gũi hơn giữa châu Âu và châu Á có thể mang lại lợi ích cho các nền kinh tế trong khu vực.

Trong một bài viết đăng trên tạp chí kinh tế Intereconomics, ông Michael Plummer, Giáo sư kinh tế quốc tế ở Trường nghiên cứu quốc tế cao cấp Johns Hopkins School ở Bologna (Ý) cho rằng các đòn thuế ăn miếng trả miếng giữa Mỹ và Trung Quốc không chỉ tạo ra các bất ổn và gây nguy hại cho đầu tư ở châu Á mà còn đe dọa làm suy yếu hệ thống thương mại toàn cầu vốn là động lực chắp cánh cho tăng trưởng kinh tế của châu Á.

CPTPP sẽ giảm gần như tất cả các loại thuế quan, cho phép hàng hóa, dịch vụ và đầu tư di chuyển tự do hơn khắp các thị trường của các nước thành viên.

Chẳng hạn, CPTPP xóa bỏ 99% các dòng thuế giữa Canada và Singapore hàng hóa của Singapore và 88% dòng thuế giữa Mexico và Singapore. Trung Quốc đang đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP với các nước ASEAN và Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc. Tuy nhiên, nước này cũng đang cân nhắc gia nhập CPTPP.

“Chúng tôi vẫn đang trong quá trình nghiên cứu CPTPP tác động như thế nào đến Trung Quốc. Hiệp định này có thể hữu ích nhưng vẫn có những khía cạnh khó có thể chấp nhận đối với Trung Quốc”, Tu Xinquan, người đang tư vấn Bộ Thương mại Trung Quốc về chính sách thương mại, cho hay.

Viện Kinh tế quốc tế Peterson (PIIE), có trụ sở ở Washington, dự báo nếu Trung Quốc gia nhập CPTPP, GDP của toàn cầu tăng thêm 632 tỉ đô la Mỹ/năm nhờ hiệp định này, tức gấp bốn lần so với dự báo trước đây trong trường hợp CPTPP chỉ có 11 thành viên hiện tại.

Báo cáo của ASPI cũng chỉ rằng các vướng mắc tiềm ẩn đối với EU ,nếu khu vực này quyết định gia nhập CPTPP. là các điều khoản về sản phẩm nông nghiệp và tiêu chuẩn lao động.

Học giả Cassey Lee cho biết các hiệp định tự do thương mại hiện này giữa EU và các nước thành viên CPTPP sẽ gây khó khăn cho bất kỳ triển vọng đàm phán gia nhập CPTPP của EU trong tương lai.

Ông nói: “Nếu các hiệp định này có những khác biệt trong các lĩnh vực quan trọng, đặc biệt là nông nghiệp, điều này có thể loại bỏ khả năng EU gia nhập CPTPP trong ngắn hạn”.

Viết trên Twitter hồi tháng 7 năm ngoái, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh Liam Fox cho biết Anh đang tham vấn khả năng gia nhập CPTPP. Ảnh: Twitter

CPTPP không cho phép các thành viên miễn trừ các hàng hóa nông nghiệp khỏi hiệp định này. Ngay cả Nhật Bản, nước từ lâu kiên quyết bảo vệ ngành sản xuất lúa gạo trong nước, cũng phải đồng ý cho phép nhập khẩu gạo theo một hạn ngạch được đặt ra trong hiệp định. EU cũng nổi tiếng với lập trường bảo hộ đối với ngành nông nghiệp trong các hiệp định thương mại với các đối tác. Do vậy, chính sách không miễn trừ đối với các sản phẩm nông nghiệp của CPTPP có thể khiến EU khó đáp ứng, theo nhận định của Phó Chủ tịch ASPI Wendy Cutler.

Tuy nhiên, bà cho rằng việc các thành viên châu Á của CPTPP đạt được thỏa thuận với Úc và New Zealand có thể là một hình mẫu để EU tiếp cận CPTPP.

Các chuyên gia nhận định mở rộng CPTPP là cơ hội để châu Á và châu Âu dẫn dắt các tiêu chuẩn toàn cầu về thương mại trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump theo đuổi cách tiếp cận thương mại hướng nội.

Giáo sư Michael Plummer nói: “Với một số chương có nội dung đột phá, CPTPP có thể là phương án tuyệt vời để EU gia tăng hợp tác với khu vực và có lợi cho chủ nghĩa thương mại đa phương. Quy trình ra quyết định của EU rất phức tạp và chắc chắn sẽ có những điểm vướng mắc nhưng gia nhập CPTPP không chỉ khả thi và còn là một bước đi khôn ngoan đối với EU”.


Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả