Liệu đồng USD có nhường chỗ cho một hệ thống tiền tệ đa cực?
Trước các biện pháp trừng phạt của phương Tây, các quan chức Nga lo ngại rằng những tài sản bằng đồng USD của mình nằm trong tầm với của Mỹ có nguy cơ bất ngờ bị tước đoạt, khiến họ phải vội vàng tìm các lựa chọn thay thế.
Điều trớ trêu là mong muốn giữ đồng USD bên ngoài nước Mỹ chỉ củng cố thêm cho sức mạnh của đồng bạc xanh. Tính đến tháng 9/2021, các ngân hàng có trụ sở bên ngoài nước Mỹ đã báo cáo khoản nợ phải trả bằng USD là khoảng 17.000 tỷ, cao gấp đôi so với quy đổi tương đương của tất cả các loại tiền tệ khác trên thế giới cộng lại. Mặc dù tiền gửi bằng đồng USD bên ngoài nước Mỹ nằm ngoài tầm kiểm soát trực tiếp của Chính phủ Mỹ, song nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn có thể chặn quyền truy cập của một mục tiêu nhắm đến vào hệ thống đồng USD bằng cách làm cho các giao dịch với đối tượng này là bất hợp pháp.
Theo tạp chí The Economist (Anh), xung đột tài chính mới bùng phát này đã đặt ra câu hỏi liệu sự thống trị của đồng USD có bị ảnh hưởng và liệu một hệ thống tiền tệ đa cực, với đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đóng vai trò lớn hơn, có trỗi dậy hay không. Để hiểu tương lai sẽ như thế nào, cần xem xét vai trò của đồng USD đã phát triển như thế nào trong hai thập kỷ qua. Uy thế của đồng USD trước tiên phản ánh thực tế Mỹ là nền kinh tế lớn và chính phủ nước này đầy quyền lực. Tính thanh khoản, tính linh hoạt và độ tin cậy của hệ thống cũng đã giúp và duy trì vai trò toàn cầu của đồng USD.
Tiền gửi bằng đồng USD bên ngoài nước Mỹ minh chứng cho vai trò của đồng bạc xanh như một kho lưu trữ giá trị toàn cầu. Nhưng đó không phải là điều duy nhất khiến đồng USD trở thành một loại tiền tệ quốc tế thực sự. Vai trò là một đơn vị kế toán, trong việc lập hóa đơn của phần lớn thương mại toàn cầu, có lẽ là lĩnh vực thống trị áp đảo nhất của đồng USD. Theo nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố năm 2020, hơn một nửa hàng xuất khẩu ngoài Mỹ và ngoài EU được tính bằng đồng USD. Tại các thị trường mới nổi châu Á và Mỹ Latinh, tỷ trọng này tăng lên lần lượt là 75% và gần 100%. Ngoại trừ sự gia tăng khiêm tốn trong việc lập hóa đơn bằng đồng euro của một số quốc gia châu Âu không thuộc liên minh tiền tệ này, những con số này thay đổi rất ít trong hai thập kỷ qua.
Một trụ cột khác của sự thống trị của đồng USD là vai trò của đồng tiền này trong thanh toán xuyên biên giới, làm trung gian trong hối đoái. Việc thiếu tính thanh khoản tự nhiên đối với các cặp tiền tệ nhỏ hơn có nghĩa là đồng USD thường hoạt động như một phương tiện tiền tệ. Một nhà nhập khẩu Uruguay có thể thanh toán cho một nhà xuất khẩu Bangladesh bằng cách đổi đồng peso thành USD và đổi những đồng USD đó thành đồng Taka, thay vì chuyển đổi trực tiếp những hai đồng tiền này.
Vào tháng Hai, cứ năm giao dịch được đăng ký bởi hệ thống nhắn tin SWIFT, chỉ có một giao dịch không có đồng USD, một thực tế hầu như không thay đổi trong suốt nửa thập kỷ qua. Tuy nhiên, các cặp tiền tệ nhỏ hơn có thể trở nên có tính thanh khoản hơn, làm giảm nhu cầu của một đồng tiền trung gian. Eswar Prasad, Đại học Cornell, lập luận một cách thuyết phục rằng các mạng thanh toán thay thế, như Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS) của Trung Quốc, có thể làm giảm vai trò của đồng bạc xanh. Ông cũng cho rằng rằng việc sử dụng nhiều hơn các loại tiền kỹ thuật số cuối cùng sẽ làm giảm nhu cầu đối với đồng USD. Đặc biệt, các đồng tiền kỹ thuật số được phát triển bởi các ngân hàng trung ương có thể tạo thuận lợi cho mối liên kết trực tiếp giữa các hệ thống thanh toán quốc gia.
Có lẽ ví dụ tốt nhất trong tài chính toàn cầu về một lĩnh vực mà đồng USD đang mất lợi thế; đó là dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương. Nghiên cứu được công bố vào tháng Ba của Barry Eichengreen, một nhà sử học kinh tế tại Đại học California, Berkeley, cho thấy sự hiện diện của đồng USD trong dự trữ của ngân hàng trung ương đã giảm như thế nào. Tỷ trọng của đồng USD đã giảm từ mức 71% dự trữ toàn cầu vào năm 1999 xuống còn 59% vào năm 2021. Diễn biến này phổ biến ở nhiều ngân hàng trung ương và không thể giải thích bằng những biến động của tỷ giá hối đoái.
Những phát hiện này cho thấy điều gì đó hấp dẫn về các đối thủ cạnh tranh mới của đồng USD. Phần tỷ trọng bị mất đi của đồng bạc xanh phần lớn đã chuyển thành tỷ trọng lớn hơn cho cái mà ông Eichengreen gọi là các đồng tiền dự trữ “phi truyền thống”.
Đồng nhân dân tệ chỉ chiếm một phần tư thị phần của nhóm các đồng tiền này trong dự trữ toàn cầu. Trong khi đó, đồng đô la Australia và đô la Canada, chiếm 43%. Và các đồng tiền của Đan Mạch, Na Uy, Hàn Quốc và Thụy Điển chiếm 23%. Những yếu tố gắn kết các đồng tiền này là rất rõ ràng: Tất cả đều được thả nổi và được phát hành bởi các quốc gia có tài khoản vốn tương đối hoặc hoàn toàn mở và được quản lý bởi các hệ thống chính trị đáng tin cậy. Ngược lại, đồng nhân dân tệ không có được một yếu tố nào trong số các yếu tố trên. Ông Eichengreen nói: “Mọi đồng tiền dự trữ trong lịch sử đều là một nền dân chủ hàng đầu có kiểm soát và cân bằng”.
Mặc dù cuộc thảo luận về việc liệu đồng USD có thể bị thay thế bằng đồng nhân dân tệ hay không đã thu hút những người ủng hộ cạnh tranh quyền lực lớn hơn, nhưng thực tế lại buồn tẻ hơn. Thị trường vốn ở các quốc gia có hệ thống pháp luật có thể dự báo và tiền tệ có thể chuyển đổi đã phát triển sâu sắc và nhiều thị trường mang lại lợi nhuận được điều chỉnh theo rủi ro tốt hơn so với trái phiếu kho bạc Mỹ. Điều đó đã cho phép các nhà quản lý dự trữ đa dạng hóa mà không ảnh hưởng đến các nguyên lý làm cho các đồng tiền dự trữ trở nên đáng tin cậy.
Theo nghiên cứu của ông Eichengreen, sức nặng kinh tế thuần túy là không đủ để xây dựng một hệ thống tiền tệ quốc tế. Cho dù đồng bạc xanh có giữ được vai trò tối cao trong hệ thống tiền tệ quốc tế hay không, những người nắm giữ và sử dụng các đồng tiền toàn cầu sẽ tiếp tục đánh giá cao tính thanh khoản, tính linh hoạt và độ tin cậy. Không phải mọi loại tiền tệ đều có thể mang tới những yếu tố này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận