Liệu Đông Nam Á sẽ trở thành "công xưởng" mới của thế giới?
Đông Nam Á đang nổi lên như một địa điểm mới cho các doanh nghiệp muốn rời khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau đại dịch.
Lợi thế so sánh của Đông Nam Á
Đông Nam Á vẫn giữ được một số lợi thế trong cuộc đua thu hút đầu tư nước ngoài. Vị trí nằm gần Trung Quốc giúp các doanh nghiệp khu vực này dễ dàng tiếp cận các trung tâm sản xuất truyền thống, đặc biệt là các chuỗi cung ứng buộc ở lại Trung Quốc. Với dân số 649,1 triệu người vào năm 2018, trong đó thanh niên chiếm tới 40%, khu vực này cung cấp nguồn lao động dồi dào cho các doanh nghiệp.
Bất chấp xu hướng chung về gia tăng giá nhân công, mức lương tối thiểu ở Đông Nam Á vẫn nằm trong nhóm thấp nhất tại châu Á - một lợi thế đáng kể so với chi phí nhân công đang tăng nhanh tại Trung Quốc.
Các quốc gia Đông Nam Á cũng tham gia tích cực vào các hiệp định thương mại tự do (FTA), qua đó bổ sung thêm lợi thế cho họ. Được thành lập năm 1992, khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) hiện gồm 10 nước Đông Nam Á (ngoại trừ Đông Timor). AFTA nhằm mục đích xóa bỏ cả hàng rào thuế quan lẫn phi thuế quan, biến khu vực này thành cứ địa sản xuất.
ASEAN cũng đã ký kết các FTA song phương với các đối tác lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Australia và New Zealand. Bốn quốc gia ASEAN (Việt Nam, Malaysia, Singapore và Brunei) là thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có tiêu chuẩn cao, trong khi cả khối vừa ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) với 5 đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.
Do vậy, các doanh nghiệp - trong đó có những “gã khổng lồ” công nghệ cao - đã bắt đầu đổ xô đến khu vực này. Một số nhà cung cấp của Apple như Foxconn và Pegatron đã mở rộng các nhà máy tại Việt Nam. Samsung - công ty đã thiết lập sự hiện diện mạnh mẽ tại Việt Nam - gần đây công bố một khoản đầu tư nghiên cứu & phát triển (R&D) lớn vào Hà Nội.
Năm 2019, các công ty đa quốc gia như Sony, Harley-Davidson và Sharp Corp. cũng đã di dời các dây chuyền sản xuất của họ sang Thái Lan. Tháng 6/2020, Tổng thống Indonesia Widodo đã thông báo rằng, Panasonic và LG Electronics sẽ chuyển một phần cơ sở vật chất đến quốc gia quần đảo này.
Xu hướng di dời nhà máy có thể được đẩy nhanh hơn nữa với sự hỗ trợ của các chính phủ. Các nhà lập pháp và quan chức Mỹ đang dự tính thiết lập “quỹ reshoring (chuyển sản xuất về nước)” trị giá 25 tỷ USD nhằm khuyến khích các nhà cung cấp quan trọng rời khỏi Trung Quốc.
Nhật Bản đã dành hơn 2 tỷ USD trợ cấp cho các công ty để di chuyển nhà máy về nước hoặc đa dạng hóa chuỗi cung ứng sang các nước Đông Nam Á. Cùng với Ấn Độ và Australia, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này cũng đang xem xét triển khai “sáng kiến phục hồi chuỗi cung ứng” nhằm giảm sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc.
Nắm bắt được xu hướng này, các quốc gia Đông Nam Á đang cạnh tranh để thu hút các công ty có kế hoạch đa dạng hóa chuỗi cung ứng, bằng cách ban hành các biện pháp ưu đãi đầu tư và miễn thuế.
"Nút thắt cổ chai" quyết định
Tuy nhiên, trong khi Đông Nam Á có thể đảm nhận một số phần của chuỗi cung ứng toàn cầu, sẽ còn nhiều trở ngại để khu vực này hoàn toàn có thể thay thế Trung Quốc với vai trò trung tâm sản xuất mới của thế giới.
Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2019 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), có 3 khía cạnh quan trọng quyết định sự thành công của việc thu hút đầu tư nước ngoài (nguồn nhân lực chất lượng, cơ sở hạ tầng và luật pháp minh bạch) thì những tiến bộ ở Đông Nam Á lại không đồng đều.
Về nguồn nhân lực, ngoại trừ Singapore, các quốc gia Đông Nam Á khác sẽ phải đầu tư nhiều hơn vào giáo dục, đặc biệt là tư duy phản biện và kỹ năng kỹ thuật số, nhằm cải thiện đáng kể chất lượng lực lượng lao động của mình. Ví dụ, về kỹ năng, lực lượng lao động của Việt Nam chỉ xếp thứ 93 trong số 141 quốc gia, thứ 65 đối với Indonesia, thứ 73 đối với Thái Lan và thứ 120 đối với Campuchia.
Trong bảng xếp hạng khác mang tên “Chỉ số tổng lực lượng lao động năm 2019” của ManpowerGroup, lực lượng lao động của Singapore được coi là có đẳng cấp thế giới, với hơn 50% tổng lực lượng lao động có tay nghề cao và 83% thông thạo tiếng Anh. Ở phía còn lại, chỉ 11% lực lượng lao động tại Việt Nam được cho là có kỹ năng cao và 5% thông thạo tiếng Anh.
Sự e ngại đối với cơ sở hạ tầng Đông Nam Á xuất phát từ sự đa dạng về trình độ phát triển kinh tế và xã hội. Một lần nữa, Singapore là quốc gia có thành tích hàng đầu về cả cơ sở hạ tầng giao thông (xếp thứ nhất) và cơ sở hạ tầng tiện ích (xếp thứ 5) trong số 141 quốc gia được xếp hạng trên thế giới. Điểm số của Indonesia và Việt Nam ở mức trung bình, trong khi cơ sở hạ tầng của Campuchia được nhấn mạnh vì có điểm số thấp.
Theo ước tính cơ sở của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Đông Nam Á cần 2.759 tỷ USD từ năm 2016 đến năm 2030 để đáp ứng nhu cầu hạ tầng, tương đương trung bình 184 tỷ USD mỗi năm. Cơ sở hạ tầng thiếu chất lượng thể hiện ở chỗ Trung Quốc có 7 trong số 10 cảng container hàng đầu thế giới, trong khi Đông Nam Á chỉ có một.
Hoạt động đầu tư và kinh doanh cũng cần một môi trường thuận lợi được pháp luật cho phép. Trong khi Singapore được coi là điểm đến tốt nhất cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp với điểm số cao nhất cho hoạt động của khu vực công, tính minh bạch và quyền tài sản, thì dù hiệu quả hoạt động của Indonesia là có thể chấp nhận được thì nước này vẫn cần cải thiện tính minh bạch chung.
Ngoài các kết quả trái chiều về chất lượng thể chế, các quốc gia Đông Nam Á cũng chưa có cách tiếp cận gắn kết với các khuôn khổ pháp lý về đầu tư. Ví dụ, luật đầu tư rất khác nhau về số lượng và chức năng giữa các nước trong khu vực.
Tìm kiếm cách tiếp cận thực tế
Các kết quả trái chiều nói trên cho thấy ý tưởng tách rời hoàn toàn khỏi Trung Quốc chưa khả thi trong bối cảnh Đông Nam Á chưa đạt được vị thế để có thể thay thế hoàn toàn Trung Quốc, cũng như không thể khắc phục được các vấn đề mang tính cấu trúc này trong thời gian ngắn.
Tuy nhiên, việc tái định hình các chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm tránh phụ thuộc quá mức vào một quốc gia cụ thể là điều hợp lý và cần thiết.
Ông Geoffrey Gertz - thành viên Chương trình phát triển và kinh tế toàn cầu thuộc Viện Brookings - đã đề xuất một cách tiếp cận toàn diện và thiết thực, trong đó vạch ra cấu trúc hiện tại của chuỗi cung ứng trong và giữa các ngành, xác định các lỗ hổng có thể xảy ra và đa dạng hóa mạng lưới bằng cách sử dụng nhiều chính sách và thúc đẩy hợp tác quốc tế.
"Trọng tâm không phải là tìm kiếm mô hình Trung Quốc 2.0, mà là biến chuỗi cung ứng trở nên linh hoạt và đa dạng hơn nhằm ứng phó với các cú sốc nội sinh hoặc ngoại sinh. Tóm lại, để đạt được mục tiêu này, Đông Nam Á sẽ cần nhiều hơn là những lời tuyên bố và những quyết định chính sách một lần", chuyên gia này cho biết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận