24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Vũ Quyết
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Liệu có thất thoát vốn nhà nước khi VICEM cổ phần hóa?

Giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (VICEM) do Tổng công ty và đơn vị tư vấn thực hiện thấp hơn gần 1.200 tỷ đồng so với con số tính toán của Kiểm toán Nhà nước. Trước những ý kiến quan ngại về nguy cơ thất thoát vốn nhà nước khi cổ phần hóa, VICEM vừa cung cấp các thông tin liên quan.

Thứ nhất, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, VICEM và đơn vị tư vấn đã không tính giá trị quyền khai thác khoáng sản của một số công ty con trực thuộc.

Về vấn đề này, VICEM cho biết, giá trị doanh nghiệp của VICEM được xác định tại thời điểm 0h ngày 1/10/2018.

Trên cơ sở kết quả xác định giá trị doanh nghiệp của đơn vị tư vấn là Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC theo quy định tại Nghị định số 126/2017/NÐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần và pháp luật có liên quan, ngày 15/1/2019, VICEM đã có Văn bản số 99/VICEM-TGV trình Bộ Xây dựng, Ban chỉ đạo cổ phần hóa VICEM bộ hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp tại thời điểm 0h ngày 1/10/2018.

Ngày 18/3/2019, Bộ Xây dựng đã có Văn bản số 509/BXD-KHTC gửi Kiểm toán Nhà nước đề nghị thực hiện kiểm toán kết quả định giá giá trị doanh nghiệp của Công ty mẹ - VICEM. Tại văn bản này, Bộ Xây dựng đã có ý kiến: “Giá trị doanh nghiệp của VICEM chưa tính đến lợi thế giá trị quyền khai thác các mỏ do chưa có hướng dẫn”. Nguyên nhân là do Nghị định 126/2017/NÐ-CP chưa có hướng dẫn cụ thể việc xác định giá trị quyền khai thác mỏ khi cổ phần hóa doanh nghiệp.

Theo kết quả kiểm toán giá trị doanh nghiệp của Kiểm toán Nhà nước tại Văn bản số 348/KTNN-TH ngày 29/7/2019, cơ quan này chưa xác định giá trị quyền khai thác khoáng sản trong giá trị doanh nghiệp của VICEM, mà lưu ý và tạm xác định giá trị quyền khai thác khoáng sản là gần 1.193,9 tỷ đồng.

Vì vậy, VICEM cho rằng, không thể nói Tổng công ty “quên tính” hay “để thiếu” hàng nghìn tỷ đồng trước khi cổ phần hóa.

Thứ hai, theo Kiểm toán Nhà nước, giá trị các khoản góp vốn đầu tư dài hạn của VICEM vào các công ty xi măng được xác định thấp hơn nhiều giá trị thị trường.

VICEM giải thích, các khoản góp vốn đầu tư của VICEM vào Công ty Xi măng Chinfon, Công ty TNHH Siam City Cement Việt Nam, Công ty Xi măng Nghi Sơn, đơn vị tư vấn đã thực hiện xác định các khoản đầu tư này theo phương pháp vốn chủ sở hữu quy định tại Nghị định 126/2017/NÐ-CP.

Theo Kiểm toán Nhà nước, giá trị các khoản đầu tư của VICEM vào các công ty trên khoảng 3.660 tỷ đồng, tăng khoảng 1.239 tỷ đồng là thuộc phần lưu ý của cơ quan này về ước tính giá trị các tài sản phi hoạt động của doanh nghiệp khi xác định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp chiết khấu dòng cổ tức.

Kiểm toán Nhà nước kiến nghị, đối với các khoản đầu tư vào các công ty xi măng, cần tiếp cận theo phương pháp thu nhập, ước tính giá trị theo dòng tiền dự báo trong tương lai.

Tuy nhiên, Tiêu chuẩn thẩm định giá số 12 ban hành kèm theo Thông tư 122/2017/TT-BTC ngày 15/11/2017 của Bộ Tài chính không có hướng dẫn chi tiết phương pháp áp dụng đối với các tài sản phi hoạt động này.

Thứ ba, về ý kiến giá trị đất đai cũng chưa được tính toán đầy đủ vào giá trị doanh nghiệp, VICEM cho hay, tại Văn bản số 509/BXD-KHTC ngày18/3/2019 của Bộ Xây dựng gửi Kiểm toán Nhà nước về việc kiểm toán kết quả định giá giá trị doanh nghiệp của Công ty mẹ - VICEM, Bộ Xây dựng đã nêu rõ tình hình lập, hoàn thành phương án sử dụng đất đối với từng cơ sở nhà, đất và giá đất theo quy định.

VICEM và các đơn vị có 3 cơ sở nhà, đất được Nhà nước giao đất cần xác định giá đất để xác định giá trị quyền sử dụng đất tính vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa. Bộ Xây dựng đã nêu rõ việc tạm tính giá trị quyền sử dụng đất của 3 cơ sở nhà, đất nêu trên, vì địa phương chưa có ý kiến chính thức về giá đất.

Ðến thời điểm Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán, có 2/3 cơ sở nhà, đất được địa phương có ý kiến chính thức về giá đất làm cơ sở xác định giá trị quyền sử dụng đất tính vào giá trị doanh nghiệp. Kiểm toán Nhà nước đã cập nhật và tính vào giá trị doanh nghiệp. Còn 1 cơ sở nhà, đất, Bộ Xây dựng và VICEM đang tiếp tục làm việc với địa phương để có ý kiến chính thức về giá đất.

Trong báo cáo kiểm toán gửi Bộ Xây dựng, Kiểm toán Nhà nước xác định, tổng giá trị phần vốn nhà nước tại VICEM tăng khoảng 1.169 tỷ đồng khi xác định lại giá trị doanh nghiệp theo phương pháp tài sản, đạt khoảng 28.227 tỷ đồng và giá trị vốn nhà nước khoảng 27.803 tỷ đồng (thời điểm tháng 10/2018).

Trường hợp xác định giá trị VICEM theo phương pháp chiết khấu dòng cổ tức, tổng giá trị vốn nhà nước là 25.127 tỷ đồng, tăng khoảng 1.747 tỷ đồng so với con số báo cáo của VICEM.

Tại thời điểm 1/10/2018, 3 công ty thuộc VICEM gồm VICEM Hoàng Thạch, VICEM Hải Phòng, VICEM Tam Điệp được cấp 9 giấy phép khai thác khoáng sản đá vôi, đá sét để sản xuất xi măng trong thời gian 2 - 30 năm, tùy từng giấy phép.

Tổng trữ lượng khoáng sản được cấp phép khai thác hàng năm khoảng 9,56 triệu tấn đá vôi, 1,91 triệu tấn đá sét. Kiểm toán Nhà nước xác định, giá trị quyền khai thác các mỏ nêu trên khoảng 1.193 tỷ đồng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả