Liệu có ngăn được giá thịt lợn tăng vọt?
Lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho biết, mặc dù có xảy ra thiếu hụt thịt lợn nhưng Việt Nam vẫn chủ động về thịt lợn trong 3-4 tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán sắp tới đây.
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vào cuối giờ chiều ngày 14/10, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi khẳng định thịt lợn sẽ thiếu nhưng vẫn có thể "kiểm soát" được.
Thông tin Cục Chăn nuôi đưa ra khá khả quan như hiện tổng đàn lợn của Việt Nam còn lại vào khoảng trên 24 triệu con với đàn lợn nái khoảng 2,7 triệu con. Như vậy, Việt Nam hoàn toàn có thể chủ động về giống lợn để người chăn nuôi tái đàn trong dịp tới và chủ động về nguồn thực phẩm từ thịt lợn.
Cũng theo ông Trọng, mặc dù có xảy ra thiếu hụt thịt lợn nhưng sẽ chuyển qua bù đắp bằng thịt bò, thịt gà. Bởi vậy, Việt Nam vẫn chủ động về thịt lợn trong 3-4 tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán sắp tới đây. Đặc biệt, nếu tiếp tục duy trì phát triển chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học thì việc thiếu hụt thịt lợn về những tháng cuối năm sẽ không ở mức quá lớn.
Tính đến ngày 14/10, giá lợn hơi ở các tỉnh, thành phố phía Bắc từ 60.000-63.000 đồng/kg lợn hơi, miền Trung từ 50.000-57.000 đồng/kg, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long từ 56.000-60.000 đồng/kg. Mức giá này được Cục Chăn nuôi đánh giá đang cao so với thời gian qua. Nguyên nhân là do đàn lợn giảm, đặc biệt là số lượng lợn trong dân không còn nhiều.
Tuy vậy, trước lo ngại của người tiêu dùng về tình hình giá thịt lợn đang tăng phi mã theo từng ngày, liệu có cán mốc vượt 100.000 đồng/kg lợn hơi giống như Trung Quốc, ông Trọng trấn an, mặc dù thịt lợn chiếm đến 70% nhu cầu tiêu dùng thịt hàng ngày của người dân. Nhưng chắc chắn, giá thịt lợn tại Việt Nam sẽ không đắt như Trung Quốc.
Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi vẫn còn diễn biến phức tạp tại các tỉnh thành phía Nam, đại diện Cục Thú y cho biết, hiện tại dịch có chiều hướng giảm mạnh so với những tháng trước đây. Đến nay, chúng ta đã buộc phải tiêu hủy trên 5,5 triệu con lợn, chiếm khoảng 8% sản lượng lợn.
Việc mất cân bằng cung cầu thịt lợn trong những tháng cuối năm chắc chắn sẽ xảy ra khiến giá thịt lợn tăng cao là không thể tránh khỏi. Mặc dù ngành chăn nuôi đã có những giải pháp, kế hoạch ứng phó nhưng sau hơn 1 năm dịch tả lợn châu Phi vẫn không thể dập tắt, lan rộng trên phạm vi cả nước. Mặt khác, không chỉ các hộ chăn nuôi mà các thương lái cũng đang "giam lợn chờ giá". Bên cạnh đó, việc giá thịt lợn Trung Quốc đang chênh lệch khá lớn so với giá thịt lợn tại Việt Nam sẽ dẫn tới tình trạng thương lái thu gom thịt lợn xuất bán sang Trung Quốc. Từ nhiều yếu tố khó lường nêu trên, khó có thể khẳng định giá thịt lợn không tăng vọt vào thời gian tới.
Nhìn ở khía cạnh lạc quan, đây là thời điểm ngành chăn nuôi cần một lần xử lý tận gốc, nâng cao chất lượng đàn lợn. Trong đó, tập trung hỗ trợ các trang trại chăn nuôi lợn sạch nhanh chóng tái đàn, áp dụng kỹ thuật chăn nuôi hiện đại, kiểm soát dịch bệnh đến từng con lợn, đặc biệt là phương pháp dập dịch tại chỗ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận