Liệu CNY có trở thành “Đồng đô la Trung Quốc” hay không?
Hôm nay, Tân sẽ chia sẻ đến quý nhà đầu tư quan điểm về một đồng tiền có thể sẽ khuynh đảo thị trường tài chính thời gian tới khi mà đồng USD bắt đầu suy yếu và còn sẽ giảm sức mạnh đáng kể trong năm 2024.
Đồng CNY không chỉ là một công cụ để Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng kinh tế, mà còn là một vũ khí để khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế. Cách Trung Quốc điều hành chính sách tiền tệ chịu ảnh hưởng bởi 2 thái cực, tham vọng lật đổ và nỗi lo sợ về sức mạnh của đồng USD.
(1) Phá giá đồng nội tệ. Đồng CNY đã mất hơn 3% giá trị so với đồng bạc xanh trong năm nay và thậm chí còn tệ hơn trước khi USD trượt giá so với hầu hết các loại tiền tệ khác vào T11/23 tuy nhiên CNY vẫn giao dịch quanh mức thấp nhất trong 16 năm vào T09/23 – $1 mua được khoảng ¥7.15.
(2) Tăng cường xuất khẩu. Đồng nội tệ yếu sẽ là tin tốt cho nền kinh tế được coi là “công xưởng của thế giới” (The World's Factory). Theo dữ liệu của World Bank, Trung Quốc đã xuất khẩu khoảng $3.7 nghìn tỷ hàng hóa và dịch vụ vào năm 2022, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Đồng CNY yếu hơn khiến hàng hóa Trung Quốc rẻ hơn so với phần còn lại của thế giới, điều này sẽ thúc đẩy xuất khẩu trong nước.
(3) Mở cửa thị trường ngoại hối. Trung Quốc đã nới lỏng các quy định đối với thị trường ngoại hối, cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tham gia nhiều hơn.
(4) Thúc đẩy sử dụng đồng CNY trong các giao dịch quốc tế. Trung Quốc đang làm việc với các đối tác nước ngoài để thúc đẩy việc sử dụng đồng CNY trong các giao dịch quốc tế, chẳng hạn như thanh toán cho hàng hóa và dịch vụ.
Nhưng tất cả những điều trên chỉ mới là một nửa câu chuyện! Dưới đây là cách mà Trung Quốc điều hành tỷ giá.
1. Inside-Out và Outside-In
Bắc Kinh đang vận hành một hệ thống tiền tệ kép với 2 tỷ giá song song cùng tồn tại. Mỗi buổi sáng, China Foreign Exchange Trade System (CFETS), một cơ quan trực thuộc PBoC, công bố tỷ giá tham chiếu của đồng CNY so với nhiều loại tiền tệ khác nhau. Sau đó, nó được phép giao dịch ±2% trong ngày, gần giống cơ chế tỷ giá trung tâm tại Việt Nam. Giao dịch đồng CNY ở nước ngoài trên thị trường tự do thì không hạn chế biên độ.
Khoảng cách giữa hai tỷ giá hối đoái này cho thấy góc nhìn của thị trường về nền kinh tế Trung Quốc và giá trị tài sản của nước này (Outside-In) đang khác xa đến mức nào so với quan điểm được công bố chính thức bởi Chính quyền (Inside-Out). Vào T10/23, gap giữa CNY ở trên thị trường tự do và CNY trong nước đã tăng vọt do lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng mạnh và mối lo ngại ngày càng tăng về sự suy thoái kinh tế của Trung Quốc.
Mặc dù đồng tiền đã ổn định nhưng khoảng cách này là dấu hiệu cho thấy thị trường vẫn chưa thực sự đặt niềm tin và không quá chắc chắn vào đồng CNY hay nói rộng ra là nền kinh tế Trung Quốc.
2. Biện pháp can thiệp hành chính
Ngân hàng trung ương đã thực hiện nhiều hành động để nâng giá trị CNY trong năm nay, bao gồm cả việc cho phép các ngân hàng dự trữ ít ngoại tệ hơn và khiến họ khó mua đô la hơn.
Một trong những công cụ được PBoC theo dõi chặt chẽ nhất là ấn định tỷ giá tham chiếu hàng ngày của CNY trong nước so với USD. Từ cuối T06 đến T11, việc liên tục ấn định tỷ giá CNY cao hơn thị trường tự do, điều đó gửi đi một tín hiệu rõ ràng rằng PBoC không sẵn sàng để CNY lao dốc xuống mức thấp mới so với USD trong năm nay. Vào T09/23, tỷ giá USDCNY đã tạo đỉnh (đồng CNY tạo đáy) khi mà $1 mua được khoảng ¥7.36 trên thị trường tự do.
PBoC sử dụng cái mà họ gọi là “nhân tố chu kỳ ngược linh hoạt” (discretionary countercyclical factor), một “con số” mà họ thêm vào hoặc trừ đi của tỷ giá ấn định hàng ngày nhằm đẩy lùi những biến động lớn trên thị trường. PBoC đã giữ im lặng về việc liệu họ có sử dụng nhân tố này trong năm nay hay không, nhưng sau một thời gian dài điều chỉnh mạnh hơn mong đợi, theo tôi thì họ đã làm như vậy.
Chính quyền Trung Quốc thường có cách can thiệp gián tiếp ở thị trường nước ngoài. Chính phủ và các doanh nghiệp nhà nước phát hành trái phiếu bằng CNY ở Hồng Kông nhằm hút thanh khoản, và đôi khi các ngân hàng quốc doanh tràn vào thị trường để giảm nguồn cung CNY ra nước ngoài để hỗ trợ đồng tiền này.
3. Còn nhiều việc quan trọng khác cần phải làm
Cách dễ dàng nhất để các ngân hàng trung ương tăng giá trị đồng tiền của họ là tăng lãi suất vì lãi suất cao hơn dẫn đến nhu cầu về tài sản tại quốc gia đó nhiều hơn, từ đó làm tăng nhu cầu nắm giữ đồng nội tệ. Tuy nhiên, PBoC đã cắt giảm lãi suất trong năm nay (làm suy yếu đồng CNY) nhằm nỗ lực vực dậy nền kinh tế đang suy thoái.
Điều đó đã làm trầm trọng thêm tác động của đợt tăng lãi suất lịch sử ở Mỹ. Trái phiếu chính phủ Mỹ hiện mang lại lợi suất cao hơn nhiều so với trái phiếu ở Trung Quốc, một lý do chính khiến CNY yếu hơn so với USD nhưng áp lực đang giảm bớt. Vào T11/23, các nhà đầu tư nước ngoài lại mua trái phiếu bằng CNY, một phần do kỳ vọng về lãi suất thấp hơn của Mỹ.
Các nhà kinh tế ngày càng nghĩ rằng Fed đã hoàn thành kế hoạch tăng lãi suất và kết quả là USD gần đây đã suy yếu so với nhiều loại tiền tệ khác nhau. Điều đó đang giúp củng cố niềm tin vào PBoC, điều này cho phép thị trường có cái nhìn tích cực hơn với đồng CNY, bất kể việc PBoC sử dụng biện pháp hành chính để tác động một cách thô bạo vào thị trường, ấn định mức tỷ giá hàng ngày để quan sát kỳ vọng phản ứng của thị trường. Tuy nhiên, với việc chính sách tiền tệ tiếp tục nới lỏng có thể khiến cho tác động tích cực này sẽ không còn mạnh mẽ nữa.
4. Khó có thể soán ngôi USD trong tương lai gần
Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), USD là đồng tiền dự trữ toàn cầu và chiếm khoảng 90% giao dịch ngoại hối. Điều này mang lại cho Mỹ một lợi thế rất lớn so với các quốc gia khác, đôi khi được gọi là “đặc quyền vượt mức” (exorbitant privilege). Trung Quốc đã thực hiện các bước nhằm xoá nhoà đặc quyền đó bằng cách thúc đẩy việc sử dụng CNY trong thương mại quốc tế.
Các ngân hàng nước ngoài đã chấp nhận tiền gửi bằng CNY ở nước ngoài và khách hàng của họ có thể sử dụng số tiền này để mua cổ phiếu và trái phiếu bằng CNY bên ngoài Trung Quốc. Ông Tập Cận Bình đã và đang lôi kéo các chính phủ các nước Trung Đông và thúc đẩy họ chấp nhận thanh toán bằng CNY cho dầu mỏ. Nga đã chấp nhận CNY cho một số chuyến hàng dầu của mình.
Dữ liệu của Swift cho thấy, đồng CNY là loại tiền thanh toán được sử dụng nhiều thứ tư trên thế giới tính theo giá trị vào cuối T11/23, lần đầu tiên vượt qua đồng JPY của Nhật kể từ T01/22. Đồng tiền Trung Quốc được sử dụng trong khoảng 4.6% thanh toán quốc tế, kết quả của nỗ lực trong nhiều năm của Trung Quốc và là tỷ trọng lớn nhất kể từ khi Swift bắt đầu tổng hợp dữ liệu vào năm 2010.
Nhưng sẽ còn rất lâu nữa USD mới bị đe dọa. Đồng bạc xanh đã được sử dụng cho khoảng 47% thanh toán trên thế giới, số liệu cập nhật đến T11/23.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận