24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phạm Thu Hiền
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Liệu chiến sự nảy lửa ở Trung Đông có thể kéo giá dầu thô lên 100 USD/thùng?

Giao tranh có thể sẽ lan rộng ở Trung Đông, khu vực sản xuất 1/3 lượng dầu thô thế giới.

Kể từ khi Hamas tấn công Isarel một năm trước, nỗi lo lớn nhất của thị trường dầu mỏ là xung đột giữa hai bên sẽ phát triển thành cuộc đối đầu trực diện giữa Israel và Iran - quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn thứ 7 thế giới.

Cho đến gần đây, cả Isarel và Iran đều tỏ ý muốn tránh kết cục này. Đó là lý do giá dầu thô duy trì ở mức thấp và ổn định trong phần lớn năm 2024.

Tuy nhiên, vào tuần trước, Iran đã phóng khoảng 200 tên lửa vào Israel để trả đũa việc nước này tấn công Hezbollah và những nhóm vũ trang thân Iran khác.

Giờ đây, thế giới thấp thỏm chờ đợi phản ứng của Israel. Thị trường dầu mỏ đang run sợ. Tuần trước, giá dầu thô tăng 10% lên 78 USD/thùng, mức tăng hàng tuần mạnh nhất trong gần hai năm.

Cuộc chiến gần nhất liên quan tới một nước xuất khẩu dầu mỏ lớn xảy ra vào năm 2022, với hai bên tham chiến là Nga và Ukraine. Khi đó, giá dầu đã vượt mức 100 USD/thùng. Liệu kịch bản này có thể lặp lại?

Lựa chọn của Israel

Để hiểu giá dầu có thể lên cao đến đâu, đầu tiên ta cần xem xét các lựa chọn trả đũa của Israel.

Nếu Israel chỉ tấn công các mục tiêu quân sự và Iran phản ứng vừa phải thì một số động lực của giá dầu trong thời gian gần đây sẽ tan biến.

Nhưng Israel cũng có thể leo thang căng thẳng bằng cách ném bom cơ sở hạ tầng dân sự, cơ sở dầu khí hoặc nhà máy làm giàu hạt nhân của đối thủ.

Khi đó, Iran có thể cảm thấy họ cần phải phản ứng cứng rắn, kích hoạt chu kỳ ăn miếng trả miếng và cuối cùng biến tổ hợp công nghiệp dầu mỏ của nước này thành mục tiêu. Trong trường hợp đó, thị trường sẽ phản ứng trước khi các cơ sở dầu mỏ thực sự bị tấn công.

Nếu muốn giáng đòn mạnh vào hoạt động xuất khẩu năng lượng của Iran, Israel có thể nhắm vào các cảng dầu trên đảo Kharg ở Vịnh Ba Tư – nơi vận chuyển 9/10 tổng số dầu thô bán ra nước ngoài của Iran – hoặc thậm chí tấn công thẳng vào các mỏ dầu.

Điều đó chắc chắn sẽ chọc giận chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden bởi chưa đầy một tháng nữa cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra. Bắc Kinh cũng sẽ không hài lòng bởi Trung Quốc nhập khẩu lượng lớn dầu mỏ của Iran.

Dẫu vậy, Israel vẫn có khả năng lựa chọn phương án này. Trong trường hợp Israel tấn công các cảng dầu thành công, một lượng lớn nguồn cung sẽ bị cắt đứt khỏi các thị trường quốc tế. Tờ Economist cho biết tháng trước Iran xuất khẩu 2 triệu thùng dầu thô/ngày, tương đương gần 2% nguồn cung thế giới.

Nhưng ngay cả trong kịch bản trên, tác động tới giá dầu cũng sẽ không quá lớn. Khác với khi chiến sự Nga - Ukraine nổ ra hai năm trước, nguồn cung dầu thô toàn cầu hiện tại dồi dào hơn nhưng nhu cầu lại đang trì trệ.

Sau một chuỗi cắt giảm sản lượng, OPEC+ có công suất dự phòng khoảng 5 triệu thùng dầu/ngày. Các thành viên của tổ chức này đang chờ cơ hội để tăng sản lượng. Tuần trước, OPEC+ đã xác nhận sẽ nâng sản lượng thêm 180.000 thùng/ngày mỗi tháng trong vòng một năm, bắt đầu từ tháng 12/2024.

Sản lượng dầu thô cũng đang gia tăng ở Mỹ, Canada, Guyana, Brazil và những nơi khác. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự kiến sản lượng dầu thô của các nước ngoài OPEC trong năm tới sẽ tăng 1,5 triệu thùng/ngày, đủ đáp ứng khi nhu cầu gia tăng.

Trong khi đó, nhu cầu dầu thô lại đang trì trệ do tốc độ tăng trưởng kinh tế kém ấn tưởng ở cả Mỹ, châu Âu và Trung Quốc. Nhiều quốc gia cũng đang chạy đua để thay thế xe xăng bằng xe điện, đặc biệt là Trung Quốc.

Nếu đảo Kharg của Iran bị tấn công, chắc chắn thị trường sẽ giật mình. Nhưng theo Economist, giá dầu thô có lẽ sẽ lên cao hơn 5 - 10 USD/thùng so với hiện tại, tức ổn định trong khoảng 85 - 90 USD/thùng.

Lựa chọn của Iran

Tình hình có thể sẽ trở nên hỗn loạn hơn rất nhiều nếu Iran tấn công các nước khác trong Vùng Vịnh mà nước này cho là đang ủng hộ Israel. Trong kịch bản này, Iran có thể nhắm đến mỏ dầu của các nước láng giềng, bắt đầu bằng những nước tương đối nhỏ như Kuwait và Bahrain.

Công cụ khác mà Iran có thể dùng để gây hỗn loạn toàn cầu là đóng cửa eo biển Hormuz. Đây là tuyến đường thủy quan trọng, khoảng 30% dầu thô vận chuyển bằng đường biển và 20% khí tự nhiên hóa lỏng phải đi qua nơi này.

Động thái trên cũng đồng nghĩa với việc Iran tự hủy diệt nền kinh tế của chính mình, bởi họ sẽ không thể vận chuyển các mặt hàng xuất khẩu và cả nhiều sản phẩm nhập khẩu. Và chắc chắn Trung Quốc sẽ nổi giận bởi một nửa nguồn dầu thô của nước này đến từ các quốc gia Vùng Vịnh.

Tuy nhiên, kịch bản trên không phải là không có khả năng xảy ra, đặc biệt là nếu các đòn tấn công của Israel hoặc các lệnh trừng phạt bổ sung khiến Iran bán được ít dầu thô hơn trước.

Khó có thể mường tượng được thị trường sẽ phản ứng như thế nào, bởi hành động của Iran chắc chắn sẽ buộc Israel, Mỹ và những nước khác phản ứng mạnh hơn. Ví dụ, Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ điều hải quân để mở cửa Eo biển Hormuz trở lại.

Tuy nhiên, giả sử tình trạng gián đoạn nguồn cung gây ra tình trạng thiếu hụt dầu mỏ trong một khoảng thời gian, giá dầu có thể leo cao đến ngưỡng khiến nhu cầu chạm đỉnh và bắt đầu sụt giảm. Các chuyên gia gia gọi đó là tình trạng phá huỷ nhu cầu.

Các nhà phân tích dự đoán nhu cầu sẽ sụp đổ khi giá dầu thô chạm mốc 130 USD/thùng - tương đương với mức đỉnh năm 2022.

Chỉ cần các nhà đầu tư nghĩ rằng kịch bản đó có thể thành hiện thực - dù khả năng thấp đến đâu - nỗi sợ của họ cũng sẽ bắt đầu được phản ánh vào thị trường, kéo giá dầu thô lên cao. Nhưng để giá dầu thô chạm đến mức ba chữ số lần nữa, rất nhiều sự kiện tồi tệ phải xảy ra.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả