Liệu Adayroi đã thực sự rời bỏ cuộc chơi thương mại điện tử?
Tính đến quý III/2019, Adayroi có khoảng 6,4 triệu lượt truy cập hàng tháng, và chỉ xếp thứ 9 trong tổng số 10 website thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam theo số liệu thống kê của iPrice. Sau thời gian dài khá im ắng, việc Adayroi tái cấu trúc để sáp nhâp cùng VinID không gây nhiều bất ngờ cho người trong cuộc.
Từ Adayroi, nhìn lại những cái tên chia tay thương mại điện tử
Sau khi chuyển nhượng Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce (gồm Vinmart, Vinmart+ và VinEco) cho Masan, Tập đoàn Vingroup tuyên bố rút hoàn toàn khỏi mảng bán lẻ trong tháng 12/2019 này.
Theo đó, trang thương mại điện tử Adayroi sẽ sáp nhập vào VinID, còn hệ thống siêu thị điện máy VinPro sẽ chính thức giải thể. Lý giải về động thái này, phía Vingroup cho biết: "Đây là bước tiếp theo trong lộ trình tái cơ cấu của tập đoàn, nhằm tập trung mọi nguồn lực cho lĩnh vực ưu tiên cốt lõi là Công nghiệp - Công nghệ, sau khi tiến hành hoán đổi cổ phần hệ thống siêu thị và cửa hàng VinMart và VinMart+ cho đối tác".
Được biết, trang thương mại điện tử Adayroi đi vào hoạt động từ tháng 8 năm 2014. Adayroi ra đời với sứ mệnh nâng cao chất lượng hàng hoá, nguồn gốc xuất xứ; góp phần thúc đẩy và phát triển lĩnh vực thương mại điện tử và ngành bán lẻ tại Việt Nam.
Adayroi chỉ xếp thứ 9 về lượng truy cập (trên cả máy tính và di động) trong tổng số 10 website thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam theo số liệu thống kê của iPrice.
Trước khi Vingroup phát đi thông báo mới nhất, thị trường thương mại điện tử Việt Nam từng chứng kiến nhiều cuộc chia tay tiếc nuối.
Như Thegiodidong đã đóng cửa sàn thương mại điện tử Vuivui hồi tháng 12 năm ngoái, tưởng như thị trường sẽ có một quý mới yên ả, nhưng đến tháng 3, Robins.vn (tiền thân là Zalora Vietnam) cũng bất ngờ “dứt áo ra đi”.
So với Vuivui, quyết định của Robins.vn gây nhiều xôn xao hơn. Lý do là vì đến tận thời điểm Q4/2018, Robins.vn vẫn đang cho thấy kết quả tương đối tốt.
Nếu chỉ tính riêng trong ngành hàng thời trang thì Robins chính là sàn có lượng truy cập web trung bình hàng tháng cao nhất (theo Bản đồ thương mại điện tử Việt Nam) và công ty này còn cho thấy sự tăng trưởng về traffic trong hai quý liên tiếp. Thế nhưng từng đó là vẫn không đủ để thuyết phục các nhà đầu tư tiếp tục đồng hành cùng trang web này.
Kết cục này của Robins.vn càng nhấn mạnh sự khốc liệt và khó đoán của thương mại điện tử Việt Nam. Trước đó, thị trường cũng chứng kiến sự ra đi của Beyeu.com, Deca.vn, Lingo.vn... Trên trang web của mình, Beyeu.com còn ngậm ngùi để lại lời nhắn: "Kinh doanh thương mại điện tử cần rất nhiều tiền. Nhiều doanh nghiệp sẽ quyết định ngưng đốt tiền. Chúc may mắn cho những ai còn đang cố gắng".
Vẫn còn nhiều dư địa cho doanh nghiệp nội
Mặc dù đã có hàng loạt những tên tuổi lớn của ngành thương mại điện tử (TMĐt) chia tay lĩnh vực này, nhưng bức tranh toàn cảnh của thị trường vẫn được dự báo mang màu tươi sáng. Cụ thể, theo báo cáo e-Conomy SEA 2019 do Google và Temasek công bố, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam hiện đạt 5 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng lên tới 81%.
Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam nhanh thứ 2 tại Đông Nam Á, chỉ xếp sau Indonesia. Trong khi đó, Sách trắng thương mại điện tử Việt Nam 2019 được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thuộc Bộ Công Thương phát hành, chỉ ra mức tăng trưởng của thị trường TMĐT Việt Nam đang cao nhất trong 3 năm trở lại đây.
Số lượng người tham gia mua sắm trực tuyến trên các nền tảng TMĐT cũng tăng vọt. Năm 2018, cả nước có 39,9 triệu người tham gia mua sắm trực tuyến, tăng 11,8% so với năm 2017 và tăng gần gấp đôi chỉ sau 3 năm. Giá trị mua sắm trực tuyến bình quân đầu người đạt 202 USD, tăng 8,6%.
Vai trò của TMĐT cũng dần trở nên quan trọng hơn khi tỷ trọng doanh thu từ TMĐT trên tổng mức bán lẻ hàng hóa cả nước đạt 4,2%; tăng 0,6% so với năm trước đó. Một loạt các trang TMĐT Việt Nam như: Tiki, hay Sendo thời gian gần đây liên tục gọi vốn "khủng", đồng thời đạt được những chỉ số ấn tượng.
Như Sendo.vn trong tháng 11/2019 đã gọi vốn thành công 61 triệu USD từ quỹ ngoại. Trước đó, lượng truy cập vào website của Sendo trong Q3/2019 đã cán mốc 30,9 triệu lượt. Kết quả này đánh dấu quý thứ hai liên tiếp website của Sendo đạt mức tăng trưởng về truy cập trên 10% so với quý trước.
Bên cạnh đó, trên ứng dụng di động, Sendo vẫn giữ thứ hạng cao toàn quốc về số lượt tải xuống mà họ đã đạt được. Tại Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp Việt Nam 2019, ông Trần Hải Linh - CEO Sendo từng tiết lộ, nếu tính vận hành thuần túy, sàn TMĐT này đã có lãi.
Khác với các đối thủ trên thị trường, chiến lược của Sendo từ trước đến nay là tập trung vào khách hàng ở tất cả vùng miền chứ không chỉ thành phố lớn. Những bước đi của họ cho mục tiêu này đang tạm thời cho thấy kết quả, đặt biệt trong việc thu hút người dùng mới trên cả web và ứng dụng.
Trong khi đó, Tiki được cho là đang chuẩn bị cho vòng gọi vốn mới (Series D) có thể lên tới 100 triệu USD. Theo số liệu của iPrice, Tiki đang có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất - 23% bình quân mỗi quý, sở hữu mức truy cập web trung bình trên 35 triệu. Thậm chí, công ty còn đang nhắm tới thị trường Đài Loan để mở rộng.
Liệu Adayroi đã thực sự từ bỏ cuộc chơi?
Nếu nhìn vào những dự đoán tích cực từ thị trường thương mại điện tử Việt Nam, nói Adayroi từ bỏ cuộc chơi ở thời điểm này là còn khá sớm. Trong thông báo phát đi của Vincommerce về việc dừng bán hàng trên sàn TMĐT Adayroi, công ty cho biết "mong muốn đánh giá và tái cấu trúc hoạt động của công ty nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường và khách hàng trong giai đoạn phát triển mới".
Bản thân đại diện Vingroup cũng khẳng định mảng thương mại điện tử Adayroi trước kia sẽ được Tập đoàn này nâng cấp thành mô hình "New Retail" - kết hợp giữa phương thức bán lẻ truyền thống và phương thức bán lẻ trực tuyến (O2O).
VinID - đơn vị nhận sáp nhập Adayroi là một siêu ứng dụng thuộc Tập đoàn Vingroup. Tính đến tháng 10/2019, VinID sở hữu hơn 8 triệu thành viên cùng hệ sinh thái số đa dạng. Gần đây nhất, VinID đã triển khai VinID Pay hoạt động như một Ví điện tử trên nền tảng siêu ứng dụng này.
Từ đây, cuộc hôn phối của Adayroi và VinID có thể mở ra theo nhiều hướng có lợi cho Vingroup. Một trong số đó là việc VinID có thể tham chiến cuộc chơi siêu ứng dụng tại Đông Nam Á. Như trong lĩnh vực gọi xe, ví dụ nổi bật nhất cho cuộc chiến trở thành siêu ứng dụng tại Đông Nam Á với sự góp mặt của Grab và Go-Jek.
MoMo cũng là cái tên đáng chú ý trong việc tích hợp các tiện ích cơ bản trong một ứng dụng. Sở hữu mạng lưới hơn 5.000 điểm giao dịch tài chính trải rộng khắp 45 tỉnh thành trên cả nước, MoMo cho phép khách hàng tại các vùng sâu vùng xa, nơi dịch vụ ngân hàng và điện thoại thông minh chưa phổ biến, được tiếp cận với các dịch vụ tài chính.
Xuất phát điểm là mạng xã hội, Zalo giờ đây cũng hướng đến mô hình siêu ứng dụng với việc tích hợp gian hàng thương mại điện tử Zaloshop, thanh toán trực tuyến ZaloPay. Người dùng không chỉ có thể trò chuyện cùng bạn bè mà còn có thể đọc tin tức, mua sắm và thanh toán ngay trên nền tảng ứng dụng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận