Liên tiếp các thương vụ lớn, tỷ USD ngoại chờ vào ngân hàng Việt
Sau thời gian khá vắng các thương vụ lớn, gần đây, rất nhiều ngân hàng đã và đang lên kế hoạch huy động vốn ngoại. Khi thị trường trong nước khó khăn, vốn ngoại là một hướng mở được các tổ chức tín dụng tính tới. Dự báo dòng vốn ngoại sẽ chảy mạnh vào ngân hàng Việt.
Vốn ngoại đổ vào ngân hàng Việt
Khi lãi suất trên toàn cầu có dấu hiệu chạm đỉnh và kỳ vọng giảm dần vào cuối năm 2023 - đầu năm 2024. Đây là cơ sở để dòng vốn ngoại quay trở lại các thị trường cận biên và đang phát triển, trong đó Việt Nam là một điểm đến tiềm năng.
Đáng chú ý, các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản và ASEAN, luôn tìm kiếm cơ hội tại thị trường ngân hàng Việt Nam.
Các ngân hàng đang thu hút một lượng nguồn vốn lớn thông qua các thương vụ mua bán và sáp nhập cho đến các thỏa thuận vay vốn từ nhiều định chế tài chính quốc tế.
Câu chuyện tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài (room ngoại) lại trở thành vấn đề nóng của thị trường. Điều này càng trở nên quan trọng khi nguồn huy động vốn trong nước không đủ dồi dào để gia tăng vốn chủ sở hữu cho ngân hàng.
Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) vừa bán 100% vốn góp tại Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu điện (PTF) cho Công ty AEON Financial Service, thành viên của AEON Group - tập đoàn bán lẻ lớn nhất Nhật Bản. Thương vụ này được công bố có giá trị 4.300 tỷ đồng.
Vào tháng 7, SeABank đã công khai kế hoạch chào bán riêng lẻ gần 95 triệu cổ phiếu, tương ứng 4,63% số cổ phần hiện có và hơn 3,7% sau khi hoàn thành phát hành, cho một quỹ đầu tư Na Uy. Việc phát hành này được dự đoán mang về cho SeABank tối thiểu là 1.217 tỷ đồng và tối đa là 3.503 tỷ đồng.
Vào tháng 6/2023, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) hoàn tất chuyển nhượng 50% cổ phần SHB Finance cho Krungsri Bank. Trong 3 năm tiếp theo, SHB sẽ chuyển nhượng toàn bộ 50% cổ phần đang nắm giữ còn lại cho Krungsri Bank. Tổng giá trị thương vụ được ước tính khoảng 3.600 tỷ đồng.
Tháng 3/2023, VPBank gây xôn xao thị trường khi ký kết thương vụ phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược được cho là lớn nhất lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam, với giá trị 1,5 tỷ USD, nâng tổng vốn chủ sở hữu của VPBank từ 103,5 nghìn tỷ đồng lên xấp xỉ 140.000 tỷ đồng, trở thành ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn thứ 2 tại Việt Nam. Theo đó, VPBank thoả thuận bán 15% cổ phần cho Ngân hàng SMBC của Nhật Bản (thuộc Tập đoàn tài chính SMFG). Theo báo cáo, trong tháng 4, VPBank đã nhận được đặt cọc 10% giá trị thương vụ, hơn 3.590 tỷ đồng.
Trước đó, MB và HDBank cũng đã bán 49% công ty tài chính trực thuộc cho Shinsei Bank và Tập đoàn Saison Nhật Bản.
Nhiều kế hoạch bán vốn khác đã được các ngân hàng thông tin tới cổ đông.
Thông tin SHB thực hiện các bước chuẩn bị để chào bán 20% vốn cổ phần cho một đối tác chiến lược trong năm nay đang được nhiều bên xác nhận. Nếu mọi việc suôn sẻ, đây sẽ là một thương vụ bán vốn lớn được ghi nhận vào nửa đầu 2024. Trước đó, đã có thông tin một số nhà đầu tư Hàn Quốc và Nhật Bản đã có những cuộc tiếp xúc với SHB. Tại thời điển hiện nay, giá trị vốn hóa thị trường của SHB khoảng 1,7 tỷ USD, với cổ đông lớn nhất là Tập đoàn T&T.
Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) đang có kế hoạch phát hành 300 triệu cổ phiếu chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài trong năm nay.
Tại ĐHĐCĐ vừa qua, BVBank cũng tiết lộ đang tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài phù hợp để cùng nhau phát triển.
Lãnh đạo Sacombank cũng từng tiết lộ sau khi hoàn thành tái cơ cấu, xử lý nợ xấu trong năm 2023, nhà băng này dự kiến bán 32,5% vốn cổ phần cho 2 đối tác ngoại.
Ngoài các ngân hàng cổ phần tư nhân, ngân hàng gốc quốc doanh lớn cũng đang lên kế hoạch bán vốn cho cổ đông ngoại với giá trị ước tính lên tới hàng tỷ USD.
Cụ thể, Vietcombank đang lên kế hoạch phát hành riêng lẻ 6,5% cho nhà đầu tư tài chính nước ngoài, số lượng cổ phiếu phát hành là 307,6 triệu cổ phiếu, thực hiện trong năm 2023 - 2024. Còn BIDV có kế hoạch chào bán riêng lẻ 9% vốn (455,3 triệu cổ phiếu) ngay trong năm nay.
Bên cạnh hoạt động M&A, ngành ngân hàng cũng đón nhận thêm nhiều khoản vay bằng ngoại tệ từ các định chế tài chính nước ngoài.
Mới đây, Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (DFC) đã ký cam kết cấp khoản vay trị giá 300 triệu USD và 100 triệu USD với kỳ hạn 7 năm cho VPBank và TPBank.
Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã nhận khoản vay 55 triệu USD từ định chế tài chính Phát triển thuộc Ngân hàng Tái thiết KFW của Đức. Trước đó, ngân hàng này cũng đã nhận khoản vay 100 triệu USD, tương đương gần 2.400 tỉ đồng từ Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC).
Trong tháng 6, VIB đã ký nhận khoản vay 100 triệu USD từ IFC, SHB và IFC cũng ký kết hợp đồng tín dụng trị giá 120 triệu USD hồi tháng 3.
Nâng giới hạn sở hữu nước ngoài trong các ngân hàng là cần thiết
Hiện nay, room dành cho các nhà đầu tư ngoại tại các ngân hàng Việt Nam không còn dư dả. Rất nhiều ngân hàng đã kín hoặc gần kín tỷ lệ sở hữu vốn ngoại là: ACB, MSB, TPBank…
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho biết, mức độ quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đến ngân hàng trong nước là rất lớn, nhưng nhiều ngân hàng đã cạn room hoặc tỷ lệ thấp khiến nhà đầu tư không còn mặn mà.
Việc bán vốn cho cổ đông ngoại trở nên tiềm năng khi Ngân hàng Nhà nước có tờ trình Chính phủ về việc nâng tổng mức sở hữu cổ phần tối đa của các nhà đầu tư nước ngoài tại các tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc từ 30% lên 49%.
Đề xuất về việc tăng room ngoại cho các ngân hàng Việt dấy lên hy vọng về cơ hội ngân hàng nội tăng huy động được vốn ngoại. Nhưng theo Ngân hàng Nhà nước, hiện không nên mở rộng với tất cả tổ chức tín dụng mà chỉ nên mở rộng và khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các tổ chức tín dụng yếu kém và nhận chuyển giao.
Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường - Chứng khoán KB, đánh giá: “Khi được tăng room, ngân hàng sẽ có điều kiện dễ dàng huy động vốn nước ngoài, giúp cải thiện bộ đệm an toàn vốn, giảm thiểu rủi ro hoạt động, cũng như tăng cường chỉ tiêu an toàn vốn, giảm thiểu rủi ro hoạt động”.
Còn ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, cho rằng nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn vào ngân hàng Việt là điều tốt cho các nhà băng nội. Việc tham gia của nhà đầu tư nước ngoài đã mang lại những thay đổi tích cực về tài chính, công nghệ, quản trị và điều hành tại các tổ chức tín dụng theo hướng tiếp cận gần hơn với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế. Vì vậy, nâng giới hạn sở hữu nước ngoài trong các ngân hàng là cần thiết.
Thực tế, dù sức khỏe tài chính của hệ thống ngân hàng Việt Nam đã được cải thiện, song nhìn chung, hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn đang mỏng vốn, hệ số an toàn vốn (CAR) thấp hơn nhiều so với khu vực. Chưa kể, trong bối cảnh lãi suất ngày càng giảm, sức khỏe tài chính của doanh nghiệp yếu đi, huy động vốn của ngân hàng sẽ ngày càng khó khăn.
Nhiều chuyên gia chung nhận định, khi được tăng room, ngân hàng sẽ có điều kiện dễ dàng huy động vốn nước ngoài, giúp cải thiện bộ đệm an toàn vốn, giảm thiểu rủi ro hoạt động, cũng như tăng cường chỉ tiêu an toàn vốn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận