24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Huyền My
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Liên minh tiền tệ mới sẽ phế truất "ngôi vua" đồng USD?

Trong nhiều năm, USD là đồng tiền chủ đạo trong thương mại quốc tế. Tuy nhiên, gần đây, đã có các cuộc thảo luận về phát triển loại tiền tệ mới để thay thế đồng USD và thách thức quyền bá chủ của đồng bạc xanh của Mỹ.

Nỗ lực tránh xa đồng bạc xanh trong thương mại quốc tế đã và đang đạt được động lực giữa các khối kinh tế lớn như Nga - Trung Quốc, ASEAN và nhóm BRICS.

Nga-Trung Quốc đi đầu

Sau khi phải hứng chịu các đòn trừng phạt kinh tế của các nước phương Tây, Nga đã thực hiện một số điều chỉnh chiến lược. Bắc Kinh đã trở thành một đồng minh quan trọng của Moscow và đồng Nhân dân tệ (NDT) đã đóng vai trò nổi bật hơn.

Theo đó, Điện Kremlin và các công ty Nga chuyển các giao dịch ngoại thương của họ sang các loại tiền tệ của các quốc gia không áp dụng lệnh trừng phạt, đơn cử như đồng NDT của Trung Quốc.

Khi Nga và Trung Quốc hợp tác với nhau, câu hỏi được đặt ra những thay đổi nào khác sẽ diễn ra và chúng sẽ định hình tương lai như thế nào?

Thực tế, đã có những thay đổi đang diễn ra và thị trường Nga đang cảm nhận được điều đó. Số liệu do Bloomberg tổng hợp từ báo cáo hàng ngày trên sàn giao dịch Moscow, cho thấy trong tháng 2-2023, lần đầu tiên khối lượng giao dịch bằng đồng NDT đã vượt USD.

Động lực tiếp tục vào tháng 3 khi khoảng cách giữa 2 loại tiền tệ mở rộng, cho thấy sự ảnh hưởng ngày càng tăng của đồng NDT. Đó là kỳ tích ấn tượng nếu xét đến việc khối lượng giao dịch của đồng NDT trên thị trường Nga từng ở mức không đáng kể.

Hệ thống tài chính của Nga đã chứng kiến những thay đổi rõ nét trong 1 năm qua. Các biện pháp trừng phạt bổ sung của phương Tây đã gây thiệt hại cho một số ngân hàng vẫn có quyền thực hiện các giao dịch xuyên biên giới bằng đồng tiền của các quốc gia bị Điện Kremlin coi là “không thân thiện”.

Một trong những ngân hàng như vậy là Raiffeisen Bank International AG có chi nhánh tại Nga, đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ thanh toán quốc tế trong nước.

Bằng cách đó, Điện Kremlin và các công ty Nga hy vọng sẽ giảm bớt sự phụ thuộc vào hệ thống tài chính phương Tây và khám phá những con đường mới để tiến hành các hoạt động kinh tế và thương mại.

Sự thay đổi chiến lược này phản ánh quyết tâm của Nga trong việc duy trì sự ổn định kinh tế của mình bất chấp những hạn chế trong việc tiếp cận hệ thống tài chính toàn cầu.

Đồng thời, nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng tăng của các loại tiền tệ thay thế trong thương mại toàn cầu khi các quốc gia cố gắng giảm thiểu tác động của các biện pháp trừng phạt và bảo vệ lợi ích kinh tế của họ.

Về phần mình, vào tháng 3-2023, Trung Quốc đã ký thỏa thuận với Brazil về giao dịch bằng đồng tiền riêng của 2 nước, loại bỏ đồng bạc xanh làm trung gian.

ASEAN+3 hướng tới thành lập Quỹ tiền tệ châu Á

Cho đến nay, đã có 5 nước chính thức “nhập cuộc” phi USD hóa, khi chuyển sang sử dụng đồng NDT trong thương mại và các giao dịch khác, gồm Nga, Brazil, Bangladesh, Argentina và Iran.

Trong khi đó, đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc đang nắm bắt cơ hội và gia tăng sự hiện diện tại nhiều quốc gia. Đồng thời, nhóm ASEAN+3, bao gồm 10 quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, cùng với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng bắt đầu có những động thái “xa lánh” đồng bạc xanh.

Trong tháng 4, người đứng đầu NHTW Indonesia Perry Warjiyo cho biết, Indonesia đang thực hiện chuyển hướng từ bỏ đồng USD trong giao dịch với các nước như Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc và Nhật Bản.

Ngay sau đó, vào ngày 2-5 bên lề Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN+3 lần thứ 26 khai mạc tại thành phố Incheon, Hàn Quốc, NHTW Hàn Quốc và Indonesia đã ký biên bản ghi nhớ để thúc đẩy thương mại song phương bằng tiền tệ quốc gia, loại bỏ đồng USD.

Trong tuyên bố chung, NHTW 2 quốc gia cho biết bước đi này dự kiến giúp các tập đoàn của Hàn Quốc và Indonesia giảm chi phí giao dịch và giảm rủi ro tỷ giá hối đoái.

Trước đó, tại cuộc họp của các bộ trưởng tài chính và NHTW ASEAN ở Indonesia vào tháng 3, các nhà hoạch định chính sách thảo luận về ý tưởng cắt giảm sự phụ thuộc vào đồng USD, đồng Yen và đồng Euro, thay vào đó là “chuyển sang thanh toán bằng nội tệ".

Đầu tháng 4, Bộ Ngoại giao Ấn Độ thông báo, nước này và Malaysia đang bắt đầu giải quyết thương mại của họ bằng đồng Rupee. Bên cạnh đó, Thủ tướng Malaysia Anwar Iahim cũng đề xuất thành lập một “Quỹ tiền tệ châu Á” để giảm sự phụ thuộc vào đồng USD.

"Cuộc chiến tiền tệ" của BRICS

BRICS, bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, đang thảo luận về việc tạo ra loại tiền tệ mới để thúc đẩy thương mại.

Chiến lược của BRICS hiện đã trở nên phổ biến đến mức có thể được gọi là “cuộc chiến tiền tệ”.

Quá trình phi USD được đẩy nhanh ngày 30-3, khi Phó Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Alexander Babakov cho biết, việc chuyển đổi sang thanh toán bằng tiền tệ quốc gia là bước đầu tiên.

Mục tiêu tiếp theo là cung cấp lưu thông kỹ thuật số hoặc bất kỳ hình thức nào khác của một loại tiền tệ mới trong tương lai gần nhất. Và Hội nghị thượng đỉnh BRICS sắp tới sẽ công bố thời điểm triển khai dự án này.

Các nước thành viên BRICS chiếm hơn 40% dân số thế giới và gần 1/4 GDP toàn cầu. Trong những tháng gần đây, nhóm này đã định vị mình là sự thay thế của Nam bán cầu đối với Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).

Tác giả S. M. Saifee Islam nhận định: "Sự ra đời của đồng tiền BRICS chắc chắn sẽ nâng BRICS từ liên minh kinh tế thành liên minh địa chính trị quan trọng của thế kỷ 21. Nhiều quốc gia ở Tây Á và Bắc Phi, đặc biệt là Saudi Arabia và Algeria, đã thể hiện sự quan tâm đến việc gia nhập liên minh này. Iran chính thức đề nghị gia nhập BRICS vào năm ngoái".

Thực tế, ý tưởng giới thiệu loại tiền tệ BRICS mới không bắt nguồn từ con số không, mà là sự kết hợp cả khía cạnh kinh tế và chiến lược.

Về lĩnh vực kinh tế, khái niệm đồng tiền của BRICS trở thành loại tiền tệ mới không phải là một sự phát triển gần đây. Ngay từ khi thành lập, nhóm này đã tích cực thúc đẩy thương mại giữa các quốc gia BRICS sử dụng đồng nội tệ.

Do đó, nếu các quốc gia BRICS tiếp tục kế hoạch và tạo ra loại tiền tệ mới, điều đó có thể giúp ổn định nền kinh tế, cải thiện niềm tin của khách hàng đối với khoản đầu tư của nhóm. Điều này sẽ giúp tăng chi tiêu và phát triển kinh tế.

Tiếp theo, biến động tỷ giá của các đồng nội tệ so với đồng EUR và USD là trở ngại đáng kể đối với các quốc gia BRICS trong năm gần đây. Trong năm 2022, đồng USD giảm giá so với đồng Ruble của Nga và đồng Teal của Brazil. Trong khi đó, đồng EUR đã giảm giá so với tất cả các loại tiền tệ của BRICS.

Do đó, các quốc gia thành viên thúc đẩy việc sử dụng đồng nội tệ trong thương mại song phương để tạo ra môi trường kinh tế an toàn. Bằng cách áp dụng loại tiền tệ duy nhất, các quốc gia có thể hạn chế tính nhạy cảm đối với biến động tiền tệ và thay đổi lãi suất, do đó cải thiện sự ổn định kinh tế và giảm khả năng xảy ra khủng hoảng tài chính.

USD không dễ bị truất ngôi

Những lời tiên tri về sự kết thúc của kỷ nguyên thống trị của đồng USD thỉnh thoảng xuất hiện, nhất là sau khi Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt với các nước, chẳng hạn như những biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga hiện nay.

Tuy nhiên, cho đến nay, vai trò của "đồng bạc xanh" với tư cách là một đồng tiền dự trữ và thương mại toàn cầu vẫn khá vững chắc.

Nhận định về vị thế của đồng USD, các nhà phân tích cho rằng, đồng bạc Mỹ sẽ không bị truất ngôi trong tương lai gần, đơn giản vì hiện tại không có bất kỳ lựa chọn thay thế nào.

Còn đồng EUR phần nào là liên minh tài chính và tiền tệ không hoàn hảo; đồng Yen phải đối mặt với nhiều thách thức về cấu trúc. Trong khi đó, NDT chỉ chuyển đổi hoàn toàn trong tài khoản vãng lai và được duy trì trong biên độ hẹp.

Điều đó có nghĩa là sẽ mất nhiều thời gian để bất kỳ loại tiền tệ nào có thể thực sự soán ngôi đồng USD trên thị trường tài chính toàn cầu.

Thực tế, hệ thống dự trữ quốc tế hiện vẫn là hệ thống do dự trữ của Mỹ thống trị. Như thống kê của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), USD chiếm 58,36% dự trữ ngoại hối toàn cầu trong quý IV-2022 - cao hơn gấp đôi tỷ trọng của đồng EUR (20,5%), đồng tiền được nắm giữ nhiều thứ 2 trên thế giới.

Vỉ thế, theo nhiều chuyên gia, chừng nào USD còn chiếm đa số dự trữ ngoại hối toàn cầu, khó có thể nói rằng đồng tiền này sẽ bị thay thế. Wall Street Journal khẳng định: "Vị trí thống trị của đồng USD dường như vẫn được đảm bảo, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại".

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả