Liên minh châu Âu chia rẽ khi giá khí đốt Nga tăng vọt
Giá khí đốt Nga tăng cao đã gây ra sự chia rẽ trong nội bộ Liên minh châu Âu. Đây là nhận xét được ấn bản Mỹ Bloomberg đưa ra.
Trong điều kiện bất ổn như vậy, các doanh nghiệp và cư dân của Liên minh châu Âu bị ảnh hưởng mạnh.
Đồng thời, rất khó để Brussels đối phó hiệu quả với tình trạng giá cả tăng cao, bởi vì sự chia rẽ trong nội bộ EU.
Tờ Bloomberg nói rõ: “Sự chia rẽ trong EU ngày càng sâu sắc về cách đối phó với việc giá khí đốt tăng mạnh, liên quan tới chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine".
"Tuần này tại Brussels, những người đứng đầu EU có thể đồng ý hành động ngay lập tức để bổ sung kho khí đốt tự nhiên đã cạn kiệt và khẩn cấp giúp đỡ khối bán lẻ, những người đã gánh một phần nặng của hóa đơn tiền điện tăng cao".
Các nhà phân tích của Bloomberg cho rằng người tiêu dùng ngày càng gây áp lực lên chính quyền các nước châu Âu, nhưng đơn giản là không thể hình thành một kế hoạch duy nhất.
Những quốc gia Nam Âu khẩn cấp yêu cầu phân bổ lại chi phí để chi tiêu của người dân và các công ty vào khí đốt ít phụ thuộc hơn vào giá thực tế của nó. Ngược lại, các nước Bắc Âu cho rằng điều này sẽ gây hại cho nền kinh tế và kêu gọi kiềm chế.
Được biết, Ủy ban Châu Âu đang phát triển một loạt biện pháp khẩn cấp, nhờ đó các nước EU sẽ có thể lựa chọn cách thức tốt nhất để tiến hành trong tình hình hiện nay.
Biện pháp ngắn hạn đầu tiên có thể được EU tiến hành đó là giảm thuế suất tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng đối với các sản phẩm năng lượng.
Một biện pháp khác là thành lập một tổ chức nhà nước sẽ mua điện trên thị trường và sau đó bán cho người tiêu dùng dưới giá thị trường hiện hành, nhưng điều này sẽ dẫn đến chi phí ngân sách tăng cao đáng kể.
Lựa chọn thứ ba có thể là đặt giá cơ sở trên thị trường năng lượng bán buôn, nhà nước sẽ bồi thường cho người tiêu dùng phần chênh lệch giữa chi phí thực tế của khí, dầu và than với giá cơ sở đã được thiết lập trước đó. Nhưng lựa chọn này sẽ mang lại nhiều rủi ro hơn cho EU.
"Theo Ủy ban châu Âu, các bước đi như vậy không chỉ dẫn đến chi phí ngân sách tăng vọt mà còn làm méo mó cạnh tranh, đồng thời phức tạp thêm thương mại xuyên biên giới", ấn phẩm Mỹ cho biết.
Ủy ban châu Âu cũng đang xem xét đánh thuế lợi nhuận đối với những công ty năng lượng không phụ thuộc vào khí đốt và không phải đối mặt với chi phí sản xuất cao. Số tiền nhận được theo đề xuất sẽ được sử dụng để hỗ trợ những người tiêu dùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
“Một lựa chọn khác là sự can thiệp của các cơ quan chính phủ bằng cách tạm thời định giá đối với phần lợi nhuận vượt quá của một số nhà sản xuất điện".
"Tuy nhiên, theo ý kiến của Ủy ban, đây sẽ là một động thái có thể gây ra các vấn đề pháp lý và rủi ro đối với an ninh của nguồn cung cấp", tờ Bloomberg nhấn mạnh.
Theo các nhà phân tích, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp đã thảo luận về kế hoạch tăng khả năng chống chịu của châu Âu trước các cú sốc năng lượng với khả năng hạn chế giá khí đốt nhập khẩu.
Tuy nhiên ở chiều ngược lại, Hà Lan, Đan Mạch, Đức, Estonia và Phần Lan cảnh báo chống lại sự can thiệp vào thị trường bán buôn và phản đối một sáng kiến như vậy.
“Liên minh châu Âu cần sự nhất trí để đưa ra quyết định chính trị như vậy, nhưng các thành viên có các nguồn năng lượng khác nhau nên rất khó để hình thành một chính sách ứng phó khẩn cấp chung”, Bloomberg cho biết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận