menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Sao Mai

Liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản ứng dụng công nghệ cao

Nhiều địa phương tại tỉnh Lâm Ðồng đang hình thành và phát triển những vùng chuyên canh rau, hoa, cà phê, đặc sản... ứng dụng sản xuất công nghệ cao.

Liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản ứng dụng công nghệ cao
Một nhà vườn tại Lâm Đồng trồng rau an toàn trong nhà kính. Ảnh: Nguyễn Dũng – TTXVN

Các huyện, thành phố phía bắc tỉnh Lâm Ðồng gồm Ðà Lạt, Lạc Dương, Ðơn Dương và Ðức Trọng đang hình thành và phát triển những vùng chuyên canh rau, hoa, cà phê, đặc sản... ứng dụng sản xuất công nghệ cao. Qua đó, tạo ra liên kết mới góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế về sản xuất.
Ông Mai Văn Khẩn - Chủ tịch Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tân Tiến (Phường 12, thành phố Đà Lạt) cho biết, hợp tác xã không ngừng nỗ lực phát triển ngành nông nghiệp công nghệ cao, hỗ trợ kỹ thuật, tìm đầu ra ổn định cho các thành viên và hộ liên kết. Sau khi thành lập, số thành viên trong hợp tác xã đã từ 12 lên 20 với tổng diện tích đất canh tác của các thành viên lên tới 40 ha, cùng 80 ha liên kết các hộ nông dân với trên 50 loại sản phẩm.

Đặc biệt, tất cả đều được áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, áp dụng giống mới, trồng rau trên các giá thể, kỹ thuật tưới tiêu bằng hệ thống tưới hiện đại như tưới phun, tưới nhỏ giọt với mục đích tiết kiệm nguồn nước tưới và không làm xói mòn đất. Các sản phẩm đều đạt chuẩn VietGAP, tạo được niềm tin và sự hài lòng của khách hàng, mở rộng thị trường tiêu thụ vào các hệ thống siêu thị lớn, siêu thị mini, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối trên toàn quốc với sản lượng hàng năm bình quân 2.000 tấn với tổng thu nhập bình quân 300 triệu đồng/ha/năm.

Vai trò nòng cốt của doanh nghiệp, hợp tác xã trong phát triển chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản được phát huy và hình thành vùng nguyên liệu có chất lượng đồng đều, ổn định phục vụ cho chế biến, xuất khẩu.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho biết, tỉnh hiện có khoảng 165 chuỗi với sự tham gia của 197 doanh nghiệp, hợp tác xã và gần 17.000 hộ nông dân, giá trị sản xuất thông qua chuỗi chiếm khoảng 20% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp; hình thành 19 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô diện tích khoảng 3.900 ha trải đều trên 12 huyện, thành phố trong toàn tỉnh.

Tổng diện tích áp dụng VietGAP, GlobalGAP, 4C... trên 83.000 ha; trong đó, rau 2.000 ha, chè 304 ha, dược liệu 45 ha, cà phê 80.000 ha…

Ngoài ra, tỉnh có bốn vùng chăn nuôi theo VietGAHP với 50 tổ hợp tác với 718 hộ, quy mô trên 67.880 con heo, sản lượng khoảng 14.000 tấn và khoảng 1.500 con bò sữa tại Trang trại bò sữa Vinamilk Lâm Đồng được chứng nhận organic.

Liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản ứng dụng công nghệ cao
Một vườn hoa cúc ở phường 7, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN

Theo ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, thời gian qua, tỉnh đã xây dựng và triển khai mạnh mẽ đề án phát triển nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành, xây dựng thành công các chỉ dẫn địa lý cũng như thương hiệu nông sản Lâm Đồng với nhãn hiệu “Đà Lạt kết tinh kỳ diệu từ đất lành”. Đây là định hướng quan trọng mở cửa cho nông sản của tỉnh tiếp cận các thị trường trong nước, tận dụng cơ hội Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước để đẩy mạnh xuất khẩu.
Hiện nông sản Lâm Đồng được xuất khẩu đi hơn 40 nước trên thế giới; trong đó, thị trường truyền thống là khu vực Đông Bắc Á, Liên minh châu Âu, Bắc Mỹ. Nông sản xuất khẩu của tỉnh hiện đang có mặt ở những thị trường khó tính như Nhật, châu Âu, Mỹ; đồng thời, cung cấp nông sản nguyên liệu xuất khẩu cho nhiều tập đoàn đa quốc gia và nhà phân phối lớn. Giá trị xuất khẩu nông sản đang chiếm khoảng 53% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa tỉnh Lâm Đồng với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 13%/năm.

Để nâng cao giá trị nông sản, thì việc phát triển công nghiệp chế biến được tỉnh xác định là một trong những yếu tố quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp, tạo nhiều việc làm, đóng góp cả về lợi ích kinh tế - xã hội; đã hình thành các trung tâm bảo quản, chế biến sau thu hoạch, các khu, cụm công nghiệp thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản.

Thời gian tới, Lâm Đồng đặt mục tiêu phát triển ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, toàn diện và hiện đại; xây dựng tỉnh thành trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh tầm quốc gia và quốc tế; đồng thời, tổ chức thành công kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, thị trường xuất khẩu và chuỗi giá trị toàn cầu./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại