Liên Hợp Quốc phát đi cảnh báo mới về kinh tế toàn cầu năm 2024
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ tăng nhẹ từ 2,4% năm 2023 lên 2,5% vào năm 2024, theo dự báo mới từ Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD).
Các nước cần chuẩn bị cho sự tăng trưởng toàn cầu “chậm lại và phân kỳ” vào năm tới, theo dự báo mới do Liên Hợp Quốc đưa ra.
Theo Richard Kozul-Wright, Giám đốc Ban Toàn cầu hóa và Phòng Chiến lược Phát triển của Liên Hợp Quốc, kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng nhẹ, từ 2,4% năm 2023 lên 2,5% vào năm 2024, tuy nhiên nền kinh tế thế giới đang ở thế bấp bênh với nhiều yếu tố khó lường.
Nhóm dự báo của Liên Hợp Quốc chưa sẵn sàng đánh giá tình hình kinh tế tại Mỹ là một cuộc suy thoái nhưng nhận thấy những trở ngại đáng kể sẽ khiến nền kinh tế Mỹ chậm lại vào năm tới, Kozul-Wright cho biết
Châu Âu bên bờ vực suy thoái
Theo Kozul-Wright, tình hình kinh tế ở châu Âu không thu hút đủ sự chú ý và dự báo của Liên Hợp Quốc về nền kinh tế toàn cầu sẽ phụ thuộc vào khu vực đồng euro.
“Chúng ta cần chứng kiến sự phục hồi tăng trưởng ở châu Âu,” Kozul-Wright cho biết. “Đầu tư của châu Âu không thay đổi. Khu vực đồng euro đã không đóng góp cho nền kinh tế toàn cầu trong năm nay. Nó đang trên bờ vực suy thoái.”
Theo quan điểm của ông, việc tập trung vào kinh tế của Trung Quốc mà bỏ qua sự chú ý đến kinh tế của khu vực đồng euro là một sai lầm.
Báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết, tình trạng tiền lương thực tế trì trệ hoặc giảm sút trên khắp lục địa châu Âu, cộng thêm với chính sách thắt lưng buộc bụng về tài chính, là những lý do khiến tăng trưởng bị kéo xuống.
Gần 1/3 các nền kinh tế biên giới phải đối mặt với nợ nần
LHQ cho biết mặc dù mức lương gần đây trên toàn cầu đã tăng nhưng tiền lương vẫn không theo kịp lạm phát và bất bình đẳng kinh tế vẫn là một thách thức đáng kể.
Các nước đang phát triển đang bị ảnh hưởng một cách không cân đối, bao gồm cả ảnh hưởng của việc thắt chặt tiền tệ ở các nền kinh tế tiên tiến. Kozul-Wright cho biết, khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng có nguy cơ làm suy yếu sự phục hồi kinh tế của các nước đang phát triển và khát vọng đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).
Trong thập kỷ qua, theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, cả nợ công bên ngoài và nợ công được bảo lãnh (PPG) đã tăng gấp ba lần ở các “nền kinh tế biên giới” có thu nhập thấp hoặc trung bình thấp. Vấn đề nợ công này càng phức tạp hơn: lãi suất tăng, tiền tệ suy yếu và tăng trưởng xuất khẩu chậm chạp. Gần một phần ba các nền kinh tế biên giới đang trên bờ vực khủng hoảng nợ nần.
Với tình trạng lạm phát giá lương thực gần đây trên toàn cầu và những cú sốc ở các thị trường hàng hóa quan trọng, chẳng hạn như giá ngũ cốc sau khi Nga đình chỉ Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen mà Liên Hợp Quốc làm trung gian, Wright nói với CNBC rằng UNCTAD đang kêu gọi một cơ chế minh bạch hơn, có quy định hơn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận