Liên hợp quốc dự đoán gì về tương lai ngành du lịch toàn cầu?
(VNF) - Dự báo của Liên hợp quốc cho biết lượng khách du lịch trên toàn cầu sẽ không trở lại mức tiền đại dịch trước năm 2024.
Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) cho biết trong năm 2021, lượng khách du lịch toàn cầu đã tăng 4% so với năm 2020 (năm tồi tệ nhất được ghi nhận khi lượng khách du lịch toàn cầu giảm tới 73%).
UNWTO cho biết biến thể Omicron với khả năng lây lan nhanh đang là mối nguy có thể ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của ngành du lịch vào đầu năm 2022.
“Các quy định về hạn chế đi lại, tỷ lệ tiêm chủng và lòng tin của khách du lịch là những mắt xích ảnh hưởng rất nhiều đến tốc độ phục hồi của ngành du lịch. Ngoài ra, tốc độ phục hồi du lịch vẫn còn chậm và không đồng đều giữa các khu vực trên thế giới”, UNWTO cho hay.
Theo Tổ chức Du lịch Thế giới, trong năm 2020, lượng du khách nước ngoài tại hai khu vực châu Âu và châu Mỹ đã tăng lần lượt là 19% và 17%. Trong khi đó, lượng khách đã giảm 24% vào năm ngoái ở khu vực Trung Đông. Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tỷ lệ này thấp hơn 65% so với năm 2020 và giảm 94% so với thời kỳ trước đại dịch Covid-19.
Cơ quan này dự báo lượng khách quốc tế sẽ tăng từ 30% đến 78% trong năm 2022 nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với lượng du khách của năm 2019.
Trong khi đó, Liên hợp quốc cho biết rằng lượng khách du lịch trên toàn cầu sẽ không trở lại mức tiền đại dịch trước năm 2024.
UNWTO cũng cho biết doanh thu của ngành du lịch toàn cầu năm 2020 đã giảm 72% so với năm trước, khi đại dịch Covid-19 chưa xuất hiện. Cụ thể, doanh thu của ngành du lịch năm 2021 ước tính đạt 1,9 nghìn tỷ USD, cao hơn mức 1,6 nghìn tỷ USD của năm 2020.
Tại Việt Nam, thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết năm 2021 là năm thứ hai du lịch tiếp tục chịu ảnh hưởng thiệt hại, các chỉ tiêu phát triển du lịch tiếp tục giảm mạnh. Tính chung năm 2021, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 157,3 nghìn lượt người, giảm 95,9% so với năm trước; lượng khách du lịch nội địa đạt khoảng 40 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch đạt 180 nghìn tỷ đồng. Các doanh nghiệp lữ hành rơi vào tình trạng khủng hoảng, 90-95% dừng hoạt động; chuyển ngành nghề, đổi mô hình kinh doanh, cắt giảm nhân sự. Năm 2021, lượng doanh nghiệp lữ hành xin thu hồi giấy phép kinh doanh chiếm trên 35% tổng số đã được cấp, phần còn lại dừng hoạt động. Các doanh nghiệp vận chuyển khách du lịch cũng dừng hoạt động. |
Xem thêm: Đà Nẵng đứng đầu xếp hạng năng lực cạnh tranh du lịch, Hà Nội xếp thứ 6
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận