24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Thúy Anh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Liên Hiệp Quốc kêu gọi mở lại các cảng ở Ukraine để ngăn chặn nguy cơ đói kém đang rình rập

Liên Hiệp Quốc đang kêu gọi mở lại các cảng ở khu vực Odesa, miền nam Ukraine để lương thực, thực phẩm nước này có thể tự do chảy sang phần còn lại của thế giới, trước khi cuộc khủng hoảng đói toàn cầu vượt ngoài tầm kiểm soát.

Các chuyến hàng nông sản quan trọng từ Ukraine được mệnh danh là lòng chảo của thế giới, đang bị mắc kẹt giữa chiến tranh

Nga đã tấn công cảng quan trọng của Odesa trong một nỗ lực rõ ràng nhằm làm gián đoạn các đường cung cấp, và các chuyến hàng vũ khí của phương Tây vào Kyiv.

Lần đầu tiên Nga thiết lập phong tỏa xung quanh bờ Biển Đen của Ukraine vào đầu tháng 3 năm 2022, phong tỏa các cảng thương mại quan trọng. Đến hôm 9/5, cảng Odesa ở Biển Đen đã bị tấn công bằng tên lửa, khiến nhiều người thiệt mạng.

Liên Hiệp Quốc kêu gọi mở lại các cảng ở Ukraine để ngăn chặn nguy cơ đói kém đang rình rập

Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky đã kêu gọi cộng đồng quốc tế gây áp lực buộc Nga chấm dứt phong tỏa các cảng trên Biển Đen của nước ông để cho phép xuất khẩu lúa mì, và ngăn chặn cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Ảnh: @AFP.

Sau cuộc tấn công này, Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky nói: "Nếu không có xuất khẩu nông sản của chúng tôi, hàng chục quốc gia ở các khu vực khác nhau trên thế giới sẽ lâm vào tình trạng thiếu lương thực. Và theo thời gian, tình hình có thể trở nên hết sức khủng khiếp". Vốn dĩ vào năm 2020, Ukraine là nước xuất khẩu lúa mì lớn thứ năm thế giới, với các nước thu nhập thấp và trung bình là những nước hưởng lợi quan trọng. Các thị trường xuất khẩu chính là Ai Cập, Indonesia, Pakistan, Bangladesh và Lebanon.

Tuy nhiên, với tình hình hiện tại, nhiều quốc gia trong số này đã phải đối mặt với tình trạng tăng giá và thiếu hụt. Điều này cho thấy, vấn đề an ninh lương thực ngày càng trở nên gay gắt hơn.

Ví dụ, Lebanon, quốc gia nhập khẩu 80% tổng nguồn cung lương thực từ Ukraine đang ở giữa cuộc khủng hoảng thiếu bánh mì. Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, chính phủ Lebanon đã hai lần tăng giá bánh mì được trợ cấp.

Trong khi đó, tại Ai Cập, nơi một phần ba dân số sống dưới mức nghèo tiêu chuẩn, và họ dựa vào bánh mì được nhà nước trợ cấp, nhưng nay giá bột mì đã tăng lên 15%.

Liên Hiệp Quốc kêu gọi mở lại các cảng ở Ukraine để ngăn chặn nguy cơ đói kém đang rình rập

Các cảng trên Biển Đen bị phong tỏa, khiến hàng triệu tấn ngũ cốc bị mắc kẹt trong các hầm chứa trên đất liền hoặc trên các con tàu không thể di chuyển. Ảnh: @AFP.

Người đứng đầu Tổ chức Lương thực Thế giới của Liên Hiệp Quốc cho biết, hàng triệu người có thể chết đói nếu các cảng ở Ukraine vẫn bị phong tỏa

David Beasley, người đứng đầu Tổ chức Lương thực Thế giới (WFP) của Liên Hiệp Quốc đang kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin mở lại các cảng Biển Đen của Ukraine trước khi thảm họa toàn cầu ập đến.

"Hàng triệu người trên thế giới sẽ chết vì những cánh cổng này đang bị phong tỏa", Beasley nói với đài CNN trong một cuộc hội nghị hôm 12/5. Khi được hỏi liệu ông sẽ nói gì trực tiếp với Putin, quan chức Liên Hợp Quốc này nói: "Nếu bạn có trái tim với phần còn lại của thế giới, bất kể bạn cảm thấy thế nào về Ukraine, bạn cũng cần phải mở cửa các cảng đó. Bởi vốn dĩ, các chuyến hàng nông sản quan trọng từ Ukraine, được mệnh danh là lòng chảo của thế giới, đang bị mắc kẹt tại quốc gia bị chiến tranh tàn phá, vì cảng Odessa và các cảng lân cận đã bị giới chức Nga phong tỏa".

Liên Hiệp Quốc kêu gọi mở lại các cảng ở Ukraine để ngăn chặn nguy cơ đói kém đang rình rập

Quan chức LHQ cảnh báo: "Putin nên mở lại các cảng Biển Đen của Ukraine trước khi thảm họa toàn cầu ập đến". Ảnh: @AFP.

Các cảng trên Biển Đen bị phong tỏa, khiến hàng chục triệu tấn ngũ cốc bị mắc kẹt trong các hầm chứa trên đất liền hoặc trên các con tàu không thể di chuyển, có nhiều nguy cơ nguồn cung sẽ không đến được các nước nhập khẩu nếu tình trạng này không được gỡ rối. Trừ khi các cảng được mở cửa trở lại, nông dân Ukraine sẽ không có nơi nào để dự trữ vụ thu hoạch tiếp theo vào tháng 7-8. Kết quả là hàng núi ngũ cốc sẽ bị lãng phí trong khi WFP và thế giới phải vật lộn để đối phó với cuộc khủng hoảng đói toàn cầu vốn đã thảm khốc.

"Hết thời gian rồi"

"Hiện giờ, các hầm chứa ngũ cốc của Ukraine đã đầy. Đồng thời, hàng trăm triệu triệu người trên khắp thế giới đang đứng trước nguy cơ nạn đói. Chúng ta phải mở các cảng này để thực phẩm có thể di chuyển ra vào Ukraine. Thế giới đòi hỏi điều đó, vì hàng trăm triệu người trên toàn cầu phụ thuộc vào những nguồn cung cấp này", Giám đốc Điều hành WFP David Beasley cho biết. "Chúng ta sắp hết thời gian rồi và chi phí cho việc ngừng hoạt động này sẽ cao hơn bất kỳ ai có thể tưởng tượng ra được. Tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan cho phép đưa thực phẩm này ra khỏi Ukraine đến nơi cần thiết để có thể ngăn chặn nguy cơ đói kém đang hiện hữu".

Liên Hiệp Quốc kêu gọi mở lại các cảng ở Ukraine để ngăn chặn nguy cơ đói kém đang rình rập

Với các cảng bị phong tỏa vì chiến tranh, hàng chục triệu tấn ngũ cốc đang nằm trong các hầm chứa ở Odesa và các cảng khác của Ukraine trên Biển Đen. Nhiều ngũ cốc bị mắc kẹt trên các con tàu không thể di chuyển vì xung đột. Ảnh: @AFP.

Phân tích của WFP cho thấy, 276 triệu người trên toàn thế giới đã phải đối mặt với nạn đói nghiêm trọng vào đầu năm 2022. Con số này dự kiến sẽ tăng thêm 47 triệu người đạt 323 triệu người trong những tháng tới, nếu xung đột ở Ukraine tiếp tục, trong đó mức tăng cao nhất thuộc về châu Phi cận Sahara.

Trước chiến tranh, hầu hết lương thực do Ukraine sản xuất - đủ để nuôi sống 400 triệu người - được xuất khẩu qua 7 cảng trên Biển Đen của nước này. Trong tám tháng trước khi xung đột bắt đầu, gần 51 triệu tấn ngũ cốc đã được chuyển qua các cảng.

David Beasley nói: "Bạn sẽ không thiếu lương thực lớn vào năm 2022… nhưng vào năm 2023, bạn sẽ gặp vấn đề thiếu lương thực", ông nói thêm rằng chiến tranh làm trầm trọng thêm các mối đe dọa khác đối với nguồn cung cấp lương thực toàn cầu, bao gồm cả biến đổi khí hậu và gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Liên Hiệp Quốc kêu gọi mở lại các cảng ở Ukraine để ngăn chặn nguy cơ đói kém đang rình rập

Các cảng trên Biển Đen bị phong tỏa, khiến hàng triệu tấn ngũ cốc bị mắc kẹt trong các hầm chứa trên đất liền hoặc trên các con tàu không thể di chuyển.

Tuần trước, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết, vấn đề an ninh lương thực toàn cầu không thể được giải quyết, nếu không khôi phục lượng sản phẩm nông nghiệp của Ukraine luân chuyển ra thị trường thế giới.

Nền kinh tế Ukraine đối mặt với sự sụp đổ

David Beasley cũng cảnh báo rằng, các cảng phải đi vào hoạt động trong vòng 60 ngày tới nếu không nền kinh tế tập trung vào nông nghiệp của Ukraine sẽ bị sụp đổ. Bởi nông dân Ukraine sẽ bắt đầu thu hoạch lúa mì vụ mùa kế tiếp vào tháng 7, nhưng nếu nước này không thể xuất khẩu, nền kinh tế của họ có thể sẽ sụp đổ, gây ra đau khổ thậm chí còn tồi tệ hơn cho hàng trăm triệu người sống phụ thuộc vào ngũ cốc.

"Bạn có thể nói lời tạm biệt với Ukraine nếu bạn không mở được các cảng đó", Beasley nói tại một phiên điều trần của tiểu ban Quyền sở hữu của Thượng viện. "Nền kinh tế Ukraine dễ bị sụp đổ bởi 44% phần trăm GDP của họ dựa trên các sản phẩm nông nghiệp được xuất khẩu qua các cảng đó".

"Tình hình đã tồi tệ rồi", Beasley cho biết, xuất khẩu của Ukraine đối với các loại ngũ cốc cũ, dầu hạt hướng dương và các mặt hàng khác hầu như bị dừng lại khi Nga khởi động cuộc chiến vào ngày 24 tháng 2. Hàng chục triệu tấn ngũ cốc và dầu thực vật thường giúp cung cấp thức ăn cho thế giới đang bị mắc kẹt vì cuộc chiến của Nga. Các quốc gia phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu ngũ cốc của Ukraine như Ai Cập, Lebanon và Yemen sẽ bị ảnh hưởng lớn".

Liên Hiệp Quốc kêu gọi mở lại các cảng ở Ukraine để ngăn chặn nguy cơ đói kém đang rình rập

Trừ khi các cảng mở cửa trở lại, nông dân Ukraine sẽ không có nơi nào để dự trữ vụ thu hoạch tiếp theo vào tháng 7 và tháng 8. Ảnh: @AFP.

Hiện tại, Ukraine đang tuyệt vọng cố gắng xuất khẩu bất cứ loại ngũ cốc nào có thể, vận chuyển chúng trên tàu hỏa và xe tải đến sông Danube, nơi các sà lan chở nó đến cảng Constanta của Romania. Họ cũng đang xếp nó trên các chuyến tàu đến Ba Lan và Lithuania. Nhưng những nỗ lực này gần như không đủ, Beasley nói.

Ông nói: "Trong 8 đến 12 tháng tới, bạn sẽ thấy giá tiếp tục tăng vọt. Nó sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn nếu giá thực phẩm tiếp tục tăng đột biến". Beasley giải thích, Nga tiếp tục xuất khẩu lúa mì và phân bón, nhưng nhiều nước ở châu Phi và Trung Đông có nhu cầu cao nhất lại không thể có được hoặc không đủ khả năng chi trả.

Ukraine kêu gọi chấm dứt ngay lập tức phong tỏa các cảng

Một cảnh báo tương tự cũng được đưa ra từ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy. Ông cảnh báo rằng thế giới đã ở bên bờ vực của một cuộc khủng hoảng lương thực, cuộc khủng hoảng lương thực này sẽ chỉ càng leo thang nếu cuộc bao vây của Nga tiếp tục.

Liên Hiệp Quốc kêu gọi mở lại các cảng ở Ukraine để ngăn chặn nguy cơ đói kém đang rình rập

Cảng ở Ukraine cần được mở cửa để thực phẩm có thể được vận chuyển tự do đến phần còn lại của thế giới. Ảnh: @AFP.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã kêu gọi cộng đồng quốc tế thực hiện các bước ngay lập tức để chấm dứt việc Nga phong tỏa các cảng của Ukraine. Khi các lực lượng của Putin tiếp tục tấn công Odesa, Zelenskyy nhấn mạnh rằng, nhiều quốc gia đã trên bờ vực thiếu lương thực do thiếu hàng nông sản xuất khẩu của Ukraine. Ông cảnh báo rằng tình hình có thể trở nên "đáng sợ" theo thời gian nếu Moscow tiếp tục phá hủy các cảng của Ukraine.

"Lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, ở Odesa không có sự di chuyển thường xuyên của đội tàu buôn, không có hoạt động cảng thường xuyên. Điều này có lẽ chưa bao giờ xảy ra ở Odesa kể từ Thế chiến thứ hai", Zelenskyy nói trong một video phát trực tuyến. "Và đây là một đòn giáng không chỉ đối với Ukraine. Nếu không có xuất khẩu nông sản của chúng tôi, hàng chục quốc gia ở các khu vực khác nhau trên thế giới sẽ trên bờ vực thiếu lương thực. Và theo thời gian, tình hình có thể trở nên đáng sợ".

Quan tâm về vấn đề này, gần đây Tổng thống Mỹ Joe Biden thực sự bàng hoàng trước cú sốc gián đoạn cung cấp lương thực toàn cầu do Nga xâm lược Ukraine, lưu ý rằng ước tính có khoảng 20 triệu tấn ngũ cốc bị mắc kẹt trong các hầm chứa ở Ukraine.

Liên Hiệp Quốc kêu gọi mở lại các cảng ở Ukraine để ngăn chặn nguy cơ đói kém đang rình rập

Nông dân Ukraine sẽ thu hoạch cây ngũ cốc của họ trong vài tháng tới, nhưng có nhiều nguy cơ nguồn cung sẽ không đến được các nước nhập khẩu. Ảnh: @AFP.

"Đoán xem, nếu hàng chục triệu tấn đó không được đưa ra thị trường, rất nhiều người ở châu Phi sẽ chết đói vì Ukraine là nhà cung cấp duy nhất cho một số quốc gia châu Phi", Biden cho biết khi đến thăm một trang trại ở Illinois hôm thứ 12/5.

Vũ khí hóa thực phẩm và năng lượng?

Sau khi Nga tuyên bố sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 31 công ty năng lượng nước ngoài vào hôm thứ 11/5, một quan chức hàng đầu ở Đức hôm 12/5 đã cáo buộc Nga sử dụng năng lượng như một "vũ khí".

Và khi được hỏi liệu Nga có đang vũ khí hóa lương thực tương tự hay không, Beasley của LHQ nói rằng đó sẽ là sự thật nếu các cảng Ukraine không nhanh chóng được mở cửa trở lại. Nhưng việc mở khóa các cảng này sẽ không dễ dàng.

Trong khi tự nhận rằng mình là "người nhân đạo", quan chức Liên Hợp Quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế "hiểu" rằng họ sẽ phải làm "những gì cần thiết để bảo vệ" các cảng Ukraine khỏi bị "xâm lược".

Beasley nói: "Các nhà lãnh đạo thế giới phải gây áp lực lên Nga theo cách mà chúng ta có thể có được sự trung lập tuyệt đối để chuyển nguồn cung cấp đến và ra khỏi Odessa".

2022 có thể là năm tồi tệ nhất từ cuộc khủng hoảng lương thực và nạn đói toàn cầu so với bất kỳ năm nào kể từ Thế chiến thứ hai

Hiệu ứng gợn sóng của chiến tranh Nga-Ukraine đang được cảm nhận trên toàn bộ nguồn cung cấp lương thực của thế giới. Gần 30% lúa mì của thế giới, một phần xuất khẩu ngô, phân khoáng và khí đốt tự nhiên đến từ Ukraine và Nga.

Ngay cả trước chiến tranh Ukraine, giá năng lượng và lương thực đã tăng vào năm ngoái do nhu cầu cao hơn ở những nơi như Trung Quốc, sản lượng cây trồng thấp vào đầu năm 2021 và sự gián đoạn chuỗi cung ứng vì đại dịch COVID-19. Giờ đây, sự xáo trộn đối với chuỗi cung ứng của thế giới do chiến tranh gây ra càng làm tăng thêm áp lực tiếp cận lương thực của thế giới.

Tiến sĩ Rajiv Shah, chủ tịch của Quỹ Rockefeller cho biết vào tháng trước rằng, năm 2022 có thể là năm tồi tệ nhất từ cuộc khủng hoảng lương thực và nạn đói toàn cầu "so với bất kỳ năm nào kể từ Thế chiến thứ hai".

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả