Lịch sử cho thấy chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed tạm dừng lại, NĐT có nên mua vào cổ phiếu?
Sau một năm tuyên chiến với lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể đã hoàn thành chiến dịch tăng lãi suất mà họ triển khai từ tháng 3 năm ngoái. Lịch sử cho thấy khi chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ tạm dừng lại, đây có thể là cơ hội mua vào cho các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Mỹ.
Theo dữ liệu về những lần Fed tạm dừng chu kỳ tăng lãi suất kể từ đầu thập niên 1980, chỉ số S&P 500 ghi nhận tỷ suất sinh lời trung bình là 6,9% sau ba tháng; 18,9% sau một năm; và 34,7% sau hai năm. Trong khi đó, mức lợi nhuận kép hàng năm của S&P 500 trong 4 thập kỷ qua là 11,1%. Các con số này cho thấy lý do tại sao các nhà đầu tư có thể vẫn đang bám trụ thị trường bất chấp những bất ổn gần đây của ngành ngân hàng.
Ngay cả trong năm 2006, thị trường chứng khoán Mỹ vẫn có thêm 15 tháng tăng điểm sau khi Fed tạm dừng tăng lãi suất và tổng cộng 27 tháng trước khi Lehman Brothers sụp đổ. Hiện giờ, các nhà đầu tư đang đứng trước quyết định khó khăn. Tuần trước, Fed đã tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, lên phạm vi 4,75 - 5%.
Tại cuộc họp báo ngay sau đó, Chủ tịch Jerome Powell đã hàm ý rằng Fed có thể sẽ chỉ nâng lãi suất thêm một lần nữa, đồng thời đề cập đến rủi ro tín dụng thắt chặt do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng. Với những tín hiệu như vậy, các nhà đầu tư có thể kỳ vọng rằng việc Fed tạm dừng chiến dịch tăng lãi suất chỉ là vấn đề thời gian.
Vậy, nhà đầu tư có nên tin vào những kết quả trong quá khứ và mua vào cổ phiếu hay không? Theo Bloomberg, câu trả lời thực sự khá phức tạp.
Đầu tiên, hãy xem xét động lực rõ ràng nhất giúp thị trường chứng khoán trả lợi nhuận cao khi Fed kết thúc một chu kỳ tăng lãi suất: khả năng tỷ lệ hoàn vốn phi rủi ro (risk-free rate) đi xuống. Khi Fed dừng tăng lãi suất, lợi suất trái phiếu Kho bạc thường giảm, qua đó kéo hệ số P/E đi lên.
Điều này xảy ra là vì các nhà phân tích đã đưa tỷ lệ hoàn vốn phi rủi ro thấp hơn vào các mô hình định giá, làm tăng giá trị hiện tại của dòng tiền trong tương lai (lý do lý thuyết) và cổ phiếu đột nhiên dễ cạnh tranh hơn so với trái phiếu có tỷ suất sinh lời thấp hơn (lý do thực tế).
Ngay cả sau khi bong bóng dot-com vỡ tan, việc tỷ lệ hoàn vốn phi rủi ro giảm cũng đủ để bù đắp cho phần bù rủi ro vốn cổ phần đang tăng trong một thời gian, qua đó duy trì P/E ở mức ổn định trong nhiều tháng và ngăn chặn sự sụp đổ của thị trường. Nói tóm lại, nếu nhà đầu tư tin rằng lợi suất trái phiếu Kho bạc vẫn còn khả năng giảm, thì có thể thị trường chứng khoán sẽ tăng điểm.
Song, đó là một “giả định”. Không giống như hầu hết các chu kỳ tăng lãi suất khác gần đây, chiến dịch lần này diễn ra trong bối cảnh lạm phát cao dai dẳng và hiếm gặp, Bloomberg lưu ý.
Lần gần nhất Fed tạm dừng chu kỳ nâng lãi suất khi chỉ số PCE lõi tăng cao một cách đáng ngại là vào năm 1989. Khi đó cũng tương tự bây giờ, chỉ số này đã tăng khoảng 4,7% so với cùng kỳ năm trước.
Vì vậy, ngay cả khi Fed tạm dừng, các nhà hoạch định chính sách có thể phải duy trì lãi suất ở mức cao trong một thời gian để đảm bảo lạm phát không đi lên trở lại. Nhà đầu tư sẽ khó vui mừng nếu Fed không cắt giảm lãi suất ngay sau đó.
Ngay cả khi những người lạc quan đúng, rằng lạm phát đột ngột suy giảm mà nền kinh tế không suy thoái, thì thời điểm để bước vào thị trường là lúc nào.
Theo Bloomberg, tháng 10 có thể là thời điểm để nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận nhanh chóng trên cơ sở tỷ lệ hoàn vốn phi rủi ro giảm và tỷ lệ P/E tăng trở lại. Đó là khi lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm đạt đỉnh và chỉ số S&P 500 giao dịch dưới 3.600 điểm.
Tiếp theo là câu hỏi về lợi nhuận doanh nghiệp.
Theo dữ liệu về EPS từ nhà kinh tế Robert Shiller của Đại học Yale, nền kinh tế Mỹ chưa bao giờ trải qua tình trạng suy thoái lợi nhuận doanh nghiệp mà Fed vẫn đang trong qua trình tăng lãi suất.
Thông thường, giữa thời điểm Fed tạm dừng chu kỳ tăng lãi suất và khi lợi nhuận doanh nghiệp sụt giảm sẽ có độ trễ nhất định. Lý tưởng nhất là Fed kết thúc chiến dịch thắt chặt tiền tệ khi các công ty vẫn còn tiền và EPS sẽ có xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ trong một thời gian.
Đó có vẻ là chất xúc tác đặc biệt đằng sau các đợt tăng của thị trường chứng khoán trong một nền kinh tế bình thường, sau khi Fed ngừng tăng lãi suất. Tuy nhiên, lần này không giống các chu kỳ trước và S&P 500 đã ở trong tình trạng suy thoái thu nhập một thời gian.
Nhờ các gói kích thích của chính phủ và sự thay đổi bất thường trong thói quen tiêu dùng của người dân thời đại dịch, nhiều công ty đã công bố lợi nhuận cao một cách không bền vững và kết quả các quý gần đây đều đã yếu hơn trước.
Thêm vào đó là tác động từ việc thắt chặt chính sách nhanh hiếm có của Fed và cũng dễ hiểu tại sao bức tranh thu nhập có thể xấu đi nhanh hơn bình thường, Bloomberg cho hay.
Một số ước tính của Phố Wall vẫn gợi ý rằng lợi nhuận doanh nghiệp có thể tăng trở lại trong nửa cuối năm nay, nhưng tâm lý lạc quan đã giảm đi nhanh chóng và nhiều công ty đã điều chỉnh hạ dự báo đôi ba lần.
Song, điều đó không đồng nghĩa rằng bữa tiệc cho nhà đầu tư đã kết thúc. Nếu lần này giống với giai đoạn những năm 1990, lợi nhuận doanh nghiệp có thể phục hồi thì nhà đầu tư vẫn có thể kiếm tiền khi nhảy vào thị trường.
Tuy nhiên, nếu lần này giống năm 2000 hoặc cuối năm 2006, nhà đầu tư có thể sẽ gặp nguy, bởi rủi ro nghiêm trọng không nằm trước mắt mà ẩn trong tương lai.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận