Leo thang chính trị tại Biển Đen đẩy giá ngô và lúa mì tăng cao
Các căng thẳng về chính trị giữa Nga và Ukraine ngày một leo thang đang tạo ra sự thu hút lớn từ giới đầu tư trên thế giới, đặc biệt là nhóm các nhà đầu tư trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT). Giá ngô và lúa mỳ kỳ hạn trên CBOT có những phiên giao dịch đầu tuần tăng điểm mạnh mẽ bất chấp sự biến động lớn của toàn thị trường tài chính trước cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC).
Trong phiên giao dịch đầu tuần, phần lớn các lớp tài sản trên thị trường tài chính điều chịu sự rung chuyển mạnh, cho thấy động thái bất an trước các quyết định từ cuộc họp FOMC đầu tiên trong năm 2022. Chỉ số chứng khoán Mỹ Dow Jones giảm 450 điểm (-1.3%), chỉ số đo lường sự biến động VIX của thị trường tăng mạnh (báo hiệu nỗi sợ hãi của thị trường) và thị trường hàng hóa cũng không ngoại lệ với chỉ số giá hàng hóa S&P GSCI giảm 7.32 điểm (-1.2%).
Tuy nhiên, thị trường hàng hóa sau đó đã lấy lại sự bình tĩnh của mình mà biểu hiện được thể hiện rõ nét là sức mua gia tăng mạnh đối với hợp đồng tương lai lúa mì và ngô kỳ hạn tháng 3/2022. Chảo lửa tại khu vực Biển Đen được xem là trung tâm ngũ cốc thế giới vẫn còn nóng, căng thẳng giữa Nga và phương Tây về vấn đề Ukraine chưa thấy đi đến hồi kết.
Lo ngại gián đoạn nguồn cung từ Biển Đen, giá lúa mì CBOT tăng cao
Trước tiên cần nhìn tổng quan về thị trường lúa mì toàn cầu. Theo báo cáo Cung – cầu nông sản thế giới (WASDE) tháng 1 từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) tổng cung (bao gồm sản lượng và tồn kho kỳ trước) vụ 2021/22 vẫn có thể đáp ứng được cho nhu cầu toàn cầu. Tổng lượng cung cấp là 1,067 nghìn tấn cho tổng lượng tiêu thụ là 787.5 nghìn tấn. Trong đó, sản lượng sản xuất trong kỳ là 778.6 nghìn tấn, thấp hơn so với tổng tiêu thụ. Việc sản lượng sản xuất trong kỳ thấp hơn so với tiêu thụ đang cho thấy tình hình cung cầu lúa mì trên thế giới vẫn còn đang rất căng thẳng. Bên cạnh đó, chỉ số tồn kho trên tiêu thụ dự kiến tiếp tục giảm 2 vụ liên tiếp còn 36.6% từ mức đỉnh điểm vụ 2019/20 là 39.6%. Hệ số này càng nhỏ thì tình trạng nguồn cung trên toàn cầu càng căng thẳng.
Chính vì tình trạng căng thẳng về nguồn cung, nguy cơ gián đoạn nguồn cung lúa mì từ khu vực Biển Đen bao gồm Nga, Ukraine và Kazakhstan đã kích hoạt một đợt tăng giá mạnh của giá lúa mì CBOT. Biển Đen là khu vực xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, chiếm đến 33% tổng thương mại lúa mì toàn cầu (tương đương 66.4 triệu tấn), trong đó chỉ tính riêng hai quốc gia đang xung đột là Nga và Ukraine đã chiếm đến 29% (59.3 triệu tấn) lượng xuất khẩu của toàn cầu. Mặc dù thị phần các quốc gia trong khu vực có sự thay đổi so với vụ trước 2020/21 nhưng thị phần của khu vực này ngày càng tăng, đặc biệt là Nga và Ukraine. Nga trong những năm gần đây đã vươn lên trở thành quốc gia xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới.
Mặt khác, điều thứ hai làm nên sự quan trọng của Nga và Ukraine trong thương mại lúa mì thế giới là do vị trí địa lý của hai quốc gia này rất gần với khu vực nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới là Trung Đông và Bắc Phi. Điều này đồng nghĩa với Nga và Ukraine là hai nguồn cung lúa mì chủ yếu cho Trung Đông và Bắc Phi. Khu vực Trung Đông dự kiến nhập khẩu 35.98 triệu tấn lúa mì trong vụ 2021/22, tăng 36.2% so với niên vụ trước. Trong khi đó, nhập khẩu lúa mì khu vực Bắc Phi đạt 28.5 triệu tấn, tăng 0.9% so với vụ trước. Với các số liệu nhập khẩu trên thì thị phần nhập khẩu hai khu vực đã chiếm đến 32% trong vụ 2021/22, tăng so với mức 29% trong vụ trước.
Dựa theo bản đồ trên, có thể thấy nếu xung đột vũ trang diễn ra sẽ tác động rất lớn đến các cảng xuất khẩu quan trọng của khu vực là Biển Đen tại thành phố Odessa của Ukraine và thành phố Novorossiysk của Nga. Phần lớn ngũ cốc từ các bang có sản lượng lớn nhất hai quốc gia sẽ được tập kết tại các cảng này. Bên cạnh đó, lượng lúa mì xuất khẩu từ Ukraine và Nga sẽ chỉ mất từ 3 đến 4 ngày để có thể đến được khu vực Bắc Phi, xung đột tại đông Ukraine sẽ tác động đến lượng hàng từ cảng Novorossiysk xuống các quốc gia nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới tại Bắc Phi là Ai Cập, Algeria và Nigeria.
Sự không chắc chắn về việc kết thúc các căng thẳng này đã đẩy kỳ vọng của giới đầu tư rằng với nhu cầu cao của mình, các quốc gia trên sẽ chuyển hướng nhập khẩu sang một quốc gia khác thay thế. Mỹ có thể là quốc gia được lựa chọn với thời gian vận chuyển ngắn thứ 2 sau khu vực Biển Đen là 22 ngày. Giá lúa mì CBOT vì thế được hỗ trợ mạnh trong những phiên vừa qua. Trong quá khứ tháng 3 năm 2014, chỉ vài tuần sau khi các lực lượng của Nga xuất hiện tại Crime, giá lúa mì CBOT tăng 20%.
Kỳ vọng Trung Quốc chuyển hướng nhập khẩu ngô từ Ukraine sang Mỹ
Bên cạnh lúa mì, thị trường ngô Mỹ cũng kỳ vọng được hưởng lợi. Nhìn về mặt thương mại toàn cầu, Ukraine được USDA dự báo là quốc gia xuất khẩu lúa mì lớn thứ 4 trên thế giới, chiếm 16% tỷ trọng thương mại toàn cầu hay tương đương với 32.5 triệu tấn cho vụ 2021/22. Thị phần xuất khẩu ngô Ukraine đã tăng từ 13% trong vụ trước 2020/21. Điều quan trọng là Ukraine là quốc gia xuất khẩu ngô truyền thống đến thị trường tỷ dân là Trung Quốc. Nhờ vào giá rẻ hơn và thời gian vận chuyển cũng thấp hơn, qua đó tiết kiệm được chi phí.
Mặc dù từ đầu năm 2021, theo mục tiêu được chính phủ Trung Quốc đặt ra là gia tăng sản lượng ngô nội địa, nhưng Trung Quốc vẫn nhập khẩu một khối lượng ngô rất lớn từ bên ngoài mới có thể đáp ứng được cho nhu cầu nội địa. Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu ngô của Trung Quốc trong năm 2021 đạt mức 28.35 triệu tấn, tăng 152.2% so với mức 11.3 triệu tấn của năm 2020 và đưa nước này trở thành quốc gia nhập khẩu ngô nhiều nhất trên thế giới. Mặt khác, thị trường nhập khẩu ngô của quốc gia này cũng được mở rộng sang Mỹ bên cạnh nguồn cung từ Ukraine kể từ vụ 2020/21.
Trung Quốc thông thường sẽ có những quy tắc riêng trong việc hạn chế nhập khẩu ngô biến đổi gen (GMO) để dùng làm thực phẩm cho người. Cho nên, trước đây, việc Trung Quốc nhập khẩu ngô từ Mỹ thì thông thường sẽ chỉ dùng trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi. Vì vậy dù mất đến 29 ngày vận chuyển từ cảng Odessa của Ukraine đến cảng tại Thượng Hải nhưng họ chấp nhận vì phù hợp các tiêu chí mà quốc gia này đưa ra.
Hiện tại, Trung Quốc đã nới lỏng hơn các quy định về việc sử dụng ngô biến đổi gen. Do đó, thị trường có lý do để kỳ vọng rằng Trung Quốc sẽ mở rộng thị trường nhập khẩu từ Mỹ nhiều hơn, đặc biệt là trong bối cảnh không có sự chắc chắn về nguồn cung do các vấn đề địa chính trị tại Biển Đen như hiện nay. Tuyến đường biển vận chuyển ngô từ khu vực Vùng Vịnh (Gulf Coast) của Mỹ có cảng New Orleans sôi động bậc nhất nước Mỹ, đây cũng là nơi tập kết của nông sản từ Trung Tây dọc theo sông Mississippi đến Thượng Hải chỉ mấy từ 17-18 ngày.
Trong hai tuần gần đây, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) liên lục ghi nhận các đơn hàng mua ngô đột biến từ Trung Quốc. Tính đến tuần kết thúc ngày 13/01 (tuần 20), bán hàng ngô vụ 2021/22 sang Trung Quốc đạt 77.9 nghìn tấn, cao hơn so với tuần trước là 70 nghìn tấn vào hơn so với trung bình 5 năm. Giao hàng sang Trung Quốc cũng ghi nhận mức tăng cao trong những tuần gần đây.
Tóm lại, với tầm quan trọng và vị thế của khu vực Biển Đen trong việc cung cấp ngũ cốc cho thị trường thế giới, bất kỳ các leo thang quân sự nào diễn ra tiếp theo sẽ có tác động hỗ trợ rất lớn đối với giá.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận