Leo thang căng thẳng thương mại Mỹ - EU
Trong hai tháng gần đây, tình hình căng thẳng thương mại giữa Mỹ với một số đối tác thương mại lớn, trong đó có khu vực Liên minh châu Âu (EU) đang có dấu hiệu leo thang trở lại.
Hiện nay, chính quyền Mỹ tiếp tục gây sức ép đối với EU trong vụ tranh chấp thương mại kéo dài 16 năm liên quan đến việc trợ cấp cho ngành sản xuất máy bay khi vừa tuyên bố đang xem xét đánh thêm gói thuế mới trị giá hơn 3 tỷ USD đối với hàng hóa của EU.
Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) vào ngày 23/6 đã đưa ra thông báo cho biết đang muốn đánh thuế lên đến 100% đối với các sản phẩm của Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Anh. Những mặt hàng đang được USTR cân nhắc bao gồm ô liu, cà phê, sôcôla, bia, rượu gin, một số dòng xe tải và máy móc. Động thái trên là một phần của kế hoạch lớn hơn của Mỹ nhằm trả đũa tranh chấp thương mại kéo dài với EU về việc trợ giá cho các nhà sản xuất máy bay dân sự cỡ lớn.
Đồng thời, đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã tìm cách tăng áp lực lên châu Âu bằng cách triển khai một chiến thuật gây thiệt hại đặc biệt gọi là trả đũa dây chuyền, theo đó một quốc gia định kỳ thay đổi thuế quan đối với các nhóm hàng hóa khác nhau.
Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và EU bắt đầu từ khi Tổng thống Trump quyết định áp thuế với các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu từ EU. Ngoài ra, Tổng thống Donald Trump cũng đe dọa áp thuế với các ô tô nhập khẩu từ châu Âu nhưng đã nhiều lần trì hoãn kế hoạch này do vấp phải sự phản đối từ các nghị sĩ trong nước. Đáp lại, EU cũng áp thuế các sản phẩm biểu tượng của ngành công nghiệp Mỹ như quần áo jean và mô tô phân khối lớn.
Đặc biệt, trong nhiều năm qua, giữa Mỹ và EU vẫn tồn tại mâu thuẫn về vấn đề trợ cấp chính phủ cho 2 hãng hàng không là Airbus và Boeing. Tháng 10/2019, sau khi được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) chấp thuận, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp mức thuế trừng phạt lên tới 7,5 tỷ USD với các sản phẩm nhập từ châu Âu. EU cũng đe dọa sẽ đáp trả bằng việc áp thuế với hãng chế tạo máy bay Boeing của Mỹ. Dự kiến, vào tháng 7 tới, WTO sẽ phán quyết việc EU kiện liên quan đến vấn đề trợ cấp của Mỹ dành cho Boeing, trong đó xác định liệu khối này có được phép áp các khoản thuế với tổng trị giá 11,2 tỷ USD lên hàng hóa nhập từ Mỹ để trả đũa các khoản trợ cấp của chính phủ Mỹ cho Tập đoàn sản xuất máy bay Boeing hay không. Tuy nhiên, do tác động của vấn đề dịch bệnh, phán quyết này có thể sẽ bị dời sang tháng 9.
Trong khi đó, các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và EU đã lâm vào bế tắc trong nhiều tháng qua do bất đồng về các khoản trợ cấp cho Boeing và Airbus, cũng như việc đánh thuế đối với các công ty kỹ thuật số và lĩnh vực nông nghiệp.
Trước động thái mới nhất từ chính quyền Tổng thống Trump, ngày 24/6, Ủy ban châu Âu (EC) bày tỏ quan ngại về việc Mỹ đe dọa áp thuế trừng phạt đối với hàng nhập khẩu từ châu Âu liên quan tới tranh chấp giữa các nhà chế tạo máy bay Boeing của Mỹ và Airbus của châu Âu. Người phát ngôn của EC cho biết các biện pháp mà Mỹ đề xuất có thể gây ra những tổn thất rất lớn, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ đe dọa hoạt động sau này của các công ty cùng những thiệt hại kinh tế không đáng có cho cả hai bờ Đại Tây Dương.
Vào những tháng gần đây, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung tiếp tục lan sang lĩnh vực công nghệ. Vào đầu tháng 6, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã quyết định rút khỏi đàm phán với các quan chức EU về vấn đề áp thuế dịch vụ kỹ thuật số sau khi hai bên không đạt được tiến triển. Các quan chức EU cho rằng, những năm gần đây, 5 công ty công nghệ lớn của Mỹ là Google, Apple, Facebook, Amazon và Microsoft đã thống trị lĩnh vực kỹ thuật số toàn cầu. Dù thu được lợi nhuận khổng lồ song EU ghi nhận 5 tập đoàn trên chỉ trả bình quân 9% thuế trên lợi nhuận so với 23% của các công ty khác.
Sự rút lui khỏi đàm phán của Mỹ đã vấp phải chỉ trích từ các nhà lãnh đạo EU. Ủy viên EU phụ trách các vấn đề kinh tế Paolo Gentiloni hy vọng, quyết định của Washington về vấn đề này chỉ là bước lùi tạm thời. Ông cho biết, Ủy ban châu Âu mong muốn một giải pháp toàn cầu trong vấn đề đánh thuế các hãng công nghệ trong thế kỷ 21. Nếu phương án trên không thể hoàn tất trong năm nay, EU sẽ đề xuất một giải pháp ở cấp độ của khối, đòi hỏi sự đồng thuận của các nước thành viên.
Như vậy, tương tự như những gì thế giới đã được chứng kiến trong năm 2018 và 2019, căng thẳng thương mại Mỹ-EU leo thang đang khiến dư luận lo ngại sẽ tạo ra những thiệt hại không đáng có ở cả hai bờ Đại Tây Dương. Điều đó nhiều khả năng gây ảnh hưởng tiêu cực tới hệ thống tài chính toàn cầu, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang phải chịu tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận