Lệnh cấm vận vũ khí hết hiệu lực: Iran tuyên bố tự do mua bán vũ khí
Lệnh cấm vận vũ khí do Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc áp đặt nhằm vào Iran hôm nay chính thức hết hiệu lực. Theo đó Iran có thể hợp pháp mua và bán các loại vũ khí thông thường.
Tuy nhiên giới quan sát nhận định, vẫn còn nhiều rào cản mà Iran phải đối mặt để thực hiện một cuộc mua sắm vũ khí lớn do một số ràng buộc bao gồm lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ cũng như các cân nhắc lợi ích địa chính trị từ những quốc gia liên quan.
Bộ Ngoại giao Iran hôm nay tuyên bố lệnh cấm vận mua bán vũ khí của Liên hợp quốc nhằm vào nước này đã được dỡ bỏ phù hợp với thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015. Tuyên bố khẳng định đây là một chiến thắng của chủ nghĩa đa phương, hòa bình và an ninh bất chấp sức ép từ Mỹ.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani trước đó khẳng định, đây là một trong những thành quả của thỏa thuận hạt nhân đạt được năm 2015: “Ngày 18/10 chúng ta sẽ vui mừng đón nhận lệnh cấm vận vũ khí tàn khốc kéo dài nhiều năm qua sẽ kết thúc. Iran đã chiến đấu với Mỹ về vấn đề này trong nhiều năm qua. Mỹ đã sử dụng mọi thứ trong khả năng của mình để ngăn chặn việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vào ngày 18/10. Tuy nhiên Mỹ đã được thất bại”.
Với lệnh cấm vận vũ khí hết hạn, dư luận đang chờ đợi phản ứng và bước đi tiếp theo từ các bên ký thỏa thuận hạt nhân Iran bao gồm 3 quốc gia châu Âu (E3 gồm Anh, Pháp và Đức) cùng với Nga và Trung Quốc. Trong tuyên bố chung vào tháng 7, 3 nước châu Âu khẳng định cam kết thực hiện đầy đủ Nghị quyết về thỏa thuận hạt nhân, cho rằng dỡ bỏ lệnh cấm vận sẽ có tác động lớn đến an ninh và ổn định khu vực. Trong khi đó, Trung Quốc và Nga sẽ không đối mặt với rào cản pháp lý nào bán các loại vũ khí thông thường cho Iran. Theo các quan chức quốc phòng Mỹ, Iran sẽ cố gắng mua báy bay chiến đấu, xe tăng và các trang thiết bị quân sự khác từ Nga. Iran cũng tuyên bố sẽ thúc đẩy kế hoạch bán vũ khí khi lệnh cấm vận hết hiệu lực, với việc Tổng thống Venezuela - Nicolas Maduro gần đây từng đề cập khả năng mua tên lửa của Iran.
Iran sẽ không thể tiến hành một cuộc mua sắm vũ khí lớn do một số ràng buộc - bao gồm cả lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ nhằm vào quốc gia Hồi giáo này. Ngay cả Nga và Trung Quốc, hai nước phản đối mạnh mẽ chiến dịch "gây áp lực tối đa" của Mỹ, cũng có khả năng miễn cưỡng bán vũ khí cho Iran. Trước hết do áp lực từ Mỹ và những cân nhắc lợi ích địa chính trị, bao gồm mối quan hệ giữa hai quốc gia này với các quốc gia Vùng Vịnh. Vì vậy, Nga và Trung Quốc có thể vẫn tổ chức các cuộc đàm phán về vấn đề vũ khí với Iran trong thời gian tới, với khả năng đề cập các thương vụ tiềm năng, nhằm chuyển tải thông điệp tới Mỹ rằng họ coi lệnh cấm vận đã hết hạn. Tuy nhiên các bước tiến cụ thể sẽ không được công bố cho đến khi kết quả bầu cử Mỹ được ngã ngũ.
Cả Trung Quốc và Nga đều có lợi ích địa chính trị đáng kể với các quốc gia vùng Vịnh khác- những nước sẽ không hài lòng với việc tăng cường vũ khí cho Iran. Trong khi đó, với một nền kinh tế khó khăn do những biện pháp trừng phạt và cả dịch Covid-19 cũng khó để Iran có đủ tiềm lực tài chính đẩy nhanh việc hiện đại hóa hệ thống quốc phòng của mình./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận