“Le lói” chủ nghĩa bảo hộ kinh tế mới
Nếu đi đến đích, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) sẽ khai sinh chủ nghĩa bảo hộ kinh tế mới dưới vỏ bọc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu nhằm vào Trung Quốc.
EU và Mỹ cân nhắc áp thuế môi trường với nhôm, thép Trung Quốc nhằm đáp trả việc Trung Quốc không tham gia cam kết COP26.
Đánh thuế với nhôm, thép Trung Quốc
COP26 tại Glasgow được coi là hội nghị về khí hậu đạt được thành công nhất lịch sử, 197 thành viên cam kết giảm 45% lượng phát thải CO2 vào năm 2030 so với mức năm 2010 và về 0 vào khoảng giữa thế kỷ này. Để hiện thực hóa mục tiêu, thế giới phải hy sinh tăng trưởng trong ngắn hạn, đầu tư nhiều hơn; sửa đổi quy chuẩn sản xuất, tiêu dùng,…
Tuy nhiên, Trung Quốc không tham dự COP26. Dù Bắc Kinh vẫn có mục tiêu cho riêng mình, song không có gì làm đảo bảo khi họ không chịu sự điều chỉnh của Glasgow 2021.
Mỹ và châu Âu coi đây là thiệt thòi của họ, mất thời gian vài thập kỷ tái cấu trúc nền kinh tế, thay đổi phương thức sản xuất và sử dụng năng lượng,… tạo cơ hội cho Trung Quốc vượt qua. Rõ ràng, trong ngắn hạn, sử dụng năng lượng hóa thạch cho sản xuất hàng hóa sẽ có tính cạnh tranh hơn so với sử dụng năng lượng mới do chi phí ban đầu cao hơn.
Bên cạnh đó, căng thẳng quan hệ với Nga đặt ra bài toán tự chủ năng lượng rất khó cho châu Âu. Bằng mọi cách giảm sử dụng năng lượng hóa thạch, kêu gọi toàn cầu chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo - giảm phát thải, chống biến đổi khí hậu xem ra là vấn đề nhất cử lưỡng tiện với Mỹ, EU.
Câu chuyện còn liên đới đến cán cân quyền lực dầu mỏ hiện nay, khi Trung Quốc được thừa hưởng nguồn “vàng đen” vô tận từ Nga, Trung Đông; còn Mỹ và EU chật vật tìm nguồn cung.
Nếu xét việc đánh thuế nhôm, thép trong hệ quy chiếu rộng hơn, tương quan trong quan hệ Trung - Mỹ đang rất căng thẳng, đây không khác gì chủ nghĩa bảo hộ mới. Bởi thuế quan chỉ được sử dụng khi chiến tranh thương mại, chứ chưa bao giờ vì mục đích bảo vệ môi trường.
Đầu tháng 3/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh áp mức thuế nhập khẩu 25% đối với thép và 10% đối với nhôm để chống lại hàng nhập khẩu giá rẻ, nhất là từ Trung Quốc, lập tức khiến cho thị trường này chao đảo.
Với chính quyền Biden, đây là thỏa thuận thuế quan đầu tiên thuộc loại này được thảo luận và sẽ là một nhân tố được Nhà Trắng mô tả là chính sách thương mại hướng tới người lao động, tập trung vào bảo vệ các ngành công nghiệp và người lao động ở cả Mỹ và Châu Âu.
Cần cơ chế phòng vệ
Khủng hoảng kinh tế và hiện tượng chững lại của tiến trình toàn cầu hóa là cơ hội cho chủ nghĩa bảo hộ phát sinh dưới mọi hình thức, từ hàng tiêu dùng nhu yếu phẩm như lương thực đến năng lượng, công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ, công nghệ cao.
Các nền kinh tế nhỏ, yếu rất nhạy cảm với cuộc chiến thuế quan giữa các cường quốc. Khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung xảy ra, một số mặt hàng Việt Nam như đá nhân tạo, gỗ, sắt, thép bị Washington liệt vào danh sách “nguy hiểm” sau vụ việc lô nhôm 4,3 tỷ USD “đội lốt” Made in Vietnam vào Mỹ.
Trung Quốc sản xuất nhôm, thép giá rẻ nhiều nhất thế giới, sự tương thông địa lý hai nền kinh tế Việt - Trung dễ dàng biến Việt Nam thành điểm trung chuyển của hàng hóa gian lận. Nếu ý tưởng lần này của EU và Mỹ được thực thi, nguy cơ cũ lại xuất hiện. Do đó, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần có giải pháp phòng ngừa rủi ro này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận