Lê Diệp Kiều Trang, Tổng giám đốc Go - Viet: Tạo dựng hệ sinh thái dịch vụ
Sau một hành trình dài từ McKinsey, Misfit đến Facebook, Lê Diệp Kiều Trang, cựu sinh viên Đại học Oxford tiếp tục theo đuổi lĩnh vực công nghệ cùng Go - Viet với mục tiêu xây dựng một hệ sinh thái dịch vụ tại Việt Nam.
Từ McKinsey, Misfit đến Facebook Việt Nam
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống kinh doanh, cô gái 8X Lê Diệp Kiều Trang với cá tính hướng ngoại đã theo đuổi con đường học tập và nghiên cứu ở nước ngoài. Năm 1998, Kiều Trang nhận học bổng học dự bị đại học 2 năm tại Anh và năm 2000 giành học bổng của Đại học Oxford.
Tốt nghiệp Oxford, Kiều Trang trở về nước và làm việc cho Ngân hàng HSBC. Sau khi kết hôn, chị theo chồng định cư tại Boston (Mỹ) song không tìm được công việc tốt, nên ở nhà nội trợ. Trong thời gian đó, Kiều Trang nhận ra tiềm năng phát triển lĩnh vực công nghệ và quyết định theo học thạc sĩ kinh doanh (MBA) về công nghệ tại Đại học MIT.
Năm 2011, Kiều Trang tốt nghiệp thủ khoa Trường Quản trị Sloan của MIT và có ý định khởi nghiệp. Nhưng cùng thời điểm này, chị cũng nhận được lời mời làm việc từ McKinsey.
Đứng trước hai lựa chọn, Kiều Trang gác lại giấc mơ start-up và đầu quân cho McKinsey, bởi chị đánh giá, đây là cơ hội học hỏi kinh nghiệm tốt. Dù vậy, trong thời gian làm việc tại McKinsey, chị vẫn giúp chồng là Sonny Vũ thành lập Misfit - start-up chuyên về các thiết bị đeo theo dõi sức khỏe và đo mức vận động của cơ thể.
Thời gian đầu hoạt động, Misfit rất khó tìm kỹ sư phần mềm tại San Francisco, nên Kiều Trang phải liên hệ với các kỹ sư phần mềm trẻ tại Việt Nam. Sau một thời gian, Kiều Trang quyết định dừng công việc tại McKinsey để hợp sức cùng chồng phát triển Misfit.
Tại Misfit, Sonny Vũ là người lên ý tưởng, còn chị là người trực tiếp vận hành. Là “sếp nữ” trong một công ty công nghệ, Kiều Trang cũng gặp một số khó khăn khi điều hành. Nhưng với học thức và kinh nghiệm tích lũy được trước đó, cộng thêm sự ủng hộ từ chồng, Kiều Trang đã đưa Misfit từng bước lớn mạnh.
Sau 4 năm, Misfit đã phát triển 6 sản phẩm công nghệ cao, phân phối tại rất nhiều thị trường lớn trên thế giới. Start-up này nhận được nhiều khoản đầu tư từ các “đại gia” trên thế giới, đặc biệt là từ John Sculley, cựu CEO của Apple và tỷ phú người Hồng Kông, ông Lý Gia Thành.
Đến năm 2015, Misfit bất ngờ được bán lại cho Tập đoàn Đồng hồ Fossil Group (Mỹ) với giá 260 triệu USD và Kiều Trang tiếp tục đảm nhận vị trí Tổng giám đốc tại Fossil Việt Nam. “Nhiều người cho rằng, việc bán lại Misfit là đáng tiếc, khi Misfit đang có nhiều cơ hội phát triển, nhưng mỗi người có những đam mê cá nhân. Tôi muốn tạo ra những công nghệ mới có sức ảnh hưởng hơn là chỉ ngồi nâng cấp một sản phẩm”, Kiều Trang chia sẻ.
Và quả thực, Kiều Trang cũng không “ngồi” lâu ở Fossil Việt Nam, mà tiếp tục đầu quân cho Facebook Việt Nam.
Lý do, đơn giản vì Trang hứng thú trong công việc ở Facebook là phát triển mảng bán hàng trên mạng xã hội. “Không thể phủ nhận tác động của mảng bán hàng trên mạng xã hội đến nền kinh tế. Nó tạo ra cơ hội việc làm, cơ hội kinh doanh cho những người làm ăn nhỏ lẻ mà không cần vốn lớn”, Kiều Trang nói.
Tạo dựng hệ sinh thái dịch vụ cùng Go - Viet
Sau 9 tháng, Kiều Trang rút khỏi Facebook Việt Nam và điểm đến mới của chị là Go -Viet (thuộc Go - Jek), cũng là một nền tảng phát triển dựa trên Internet, có sức ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của người dân.
“Tôi không đi cùng Facebook được lâu và phải dừng lại. Ở Go - Viet và Go -Jek, tôi nhìn thấy câu chuyện tương tự, hướng đến nhóm người lao động thu nhập thấp, những người buôn bán nhỏ lẻ. Tôi tin là nó sẽ tạo ra công việc cho nhiều người, bài toán kết nối người mua và người bán sẽ được công nghệ giải quyết”, Kiều Trang nói.
CEO Go - Viet chia sẻ, thành công của Go - Jek (công ty mẹ của Go - Viet) ở thị trường quê nhà Indonesia là nhờ tập trung vào những nhóm lao động thu nhập thấp và những người buôn bán nhỏ lẻ. Go - Jek xoay quanh mảng xe máy chứ không phải xe hơi như những dịch vụ gọi xe khác và phát triển các mảng dịch vụ phát sinh.
Ngoài gọi xe, ở Indonesia, những chiếc xe máy giao đồ ăn của Go - Food len lỏi mọi ngóc ngách vào những giờ kẹt xe, thúc đẩy tiêu dùng ăn uống. Bên cạnh đó, Go -Jek có Go - shopping (đi chợ giúp người dân) cùng các dịch vụ đi kèm khác như Go -Beauty, Go - Massage, Go - Clean. Ở Việt Nam, những dịch vụ này sẽ được triển khai và tạo ra hệ sinh thái có ý nghĩa đối với cộng đồng. “Tôi hy vọng làm được thật nhiều dịch vụ như vậy ở Việt Nam”, Kiều Trang bày tỏ.
Mặc dù chặng đường sắp tới của Go - Việt tại Việt Nam được dự báo sẽ gặp không ít khó khăn, trong bối cảnh thị trường ứng dụng gọi xe có dấu hiệu bão hòa, nhưng, nữ CEO quan niệm: “Ở mỗi chặng đường, mình phải làm được điều có giá trị cho doanh nghiệp và làm thế nào để các đồng nghiệp gắn bó trong thời gian ngắn vẫn có tình cảm với nhau và biết đâu còn gặp nhau, hỗ trợ nhau nhiều trong cuộc sống sau này”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận