Lazada tuyên bố có hơn 50 triệu khách hàng ở Đông Nam Á
CEO Lazada Group - Pierre Poignant vừa cho hay doanh nghiệp mình là nền tảng thương mại điện tử hàng đầu ở Đông Nam Á, với hơn 50 triệu người mua hàng có hoạt động thường niên.
Theo South China Morning Post, tuyên bố này của ông Poignant trái ngược với nhiều thông tin trước đây cho rằng Lazada chậm chân hơn nhiều đối thủ trong cuộc đua thương mại điện tử. Cụ thể, sếp Lazada nói: "Chúng tôi đang phát triển với mức ba chữ số trong ba quý đầu năm. Điều này thực sự định vị chúng tôi là số một. Chúng tôi rất vui vì sự tiến bộ của mình".
Gần đây, một số thông tin cho hay nền tảng thương mại điện tử Shopee, do hãng internet Sea quản lý, là nền tảng phổ biến nhất trong khu vực. Đơn cử, công cụ tổng hợp mua sắm trực tuyến iPrice cho rằng Shopee có số lượng người dùng hoạt động hàng tháng, số lượt tải xuống và số lượt ghé thăm trang cao nhất trong các nền tảng thương mại điện tử khu vực tính đến quý 2/2019.
Ngược lại, Lazada dẫn đầu về số lượng người dùng hoạt động hàng tháng tại bốn trong sáu thị trường thương mại điện tử khu vực là Malaysia, Singapore, Thái Lan và Philippines. Tokopedia dẫn đầu ở Indonesia, trong khi Shopee là số một tại Việt Nam.
Hãng có trụ sở ở Singapore đang tích cực cạnh tranh với Shopee và nhiều cái tên địa phương khác như Tokopedia và Bukalapak ở Indonesia. Tất cả đều đang nỗ lực giành thị phần trong thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh và trị giá hàng tỉ USD ở Đông Nam Á.
Đông Nam Á có hơn 600 triệu người và dân số ngày càng giàu có song vẫn còn khá mới mẻ với mua sắm online. Ngoài ra, khu vực cũng nói đa dạng nhiều ngôn ngữ, có phong tục và thói quen mua sắm khác nhau nên vì thế, các yếu tố giúp một hãng thu hút khách hàng ở thị trường này không nhất thiết giúp họ sống khỏe ở thị trường khác.
Alibaba là công ty mẹ của Lazada. Hãng ban đầu mua cổ phần kiểm soát tại công ty Singapore với giá 1 tỉ USD vào năm 2016, rồi rót thêm 1 tỉ USD nữa trong năm 2017 để nâng lượng cổ phần sở hữu lên 83%. Năm ngoái, Alibaba đầu tư thêm 2 tỉ USD vào Lazada nhằm tăng tốc mở rộng hoạt động kinh doanh của hãng này.
Alibaba thực hiện nhiều thay đổi với mô hình kinh doanh của Lazada, tung LazMall cung cấp nhiều sản phẩm và dịch vụ cao cấp. Nền tảng công nghệ của Lazada cũng được làm mới. Doanh nghiệp có trụ sở ở Hàng Châu (Trung Quốc) xem Lazada là công ty chiến lược quan trọng cho tăng trưởng, cùng với nền tảng dịch vụ địa phương theo nhu cầu Ele.me, chuỗi siêu thị Freshippo và hãng logistics Cainiao Network.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận