24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Văn An
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Lấy ý kiến xây dựng Luật về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng

Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến cho dự thảo chính sách xây dựng Luật về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng tính đến ngày 31/12/2020 là 440,4 nghìn tỷ đồng, giảm 4,29% so với cuối năm 2019. Lũy kế từ ngày 15/8/2017 đến ngày 31/12/2020 đã xử lý được 331,87 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42/2017/QH14.

Trước khi có Nghị quyết 42/2017/QH14, nợ xấu của toàn hệ thống chủ yếu được xử lý bằng dự phòng rủi ro cũng như thông qua các biện pháp xử lý tài sản bảo đảm.

Tuy nhiên, kể từ khi Nghị quyết 42/2017/QH14 có hiệu lực từ ngày 15/8/2017 đến ngày 31/12/2020, xử lý nợ xấu nội bảng xác định thông qua hình thức khách hàng trả nợ là 129,82 nghìn tỷ đồng, chiếm 39,11% tổng nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14 đã xử lý; cao hơn nhiều tỷ trọng nợ xấu được xử lý do khách hàng tự trả nợ trong tổng nợ xấu đã xử lý trung bình năm từ 2012-2017 là khoảng 22,8%.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới và Việt Nam, gây tác động tiêu cực đến thu nhập của các cá nhân, hộ gia đình và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Điều này dẫn đến khả năng trả nợ của khách hàng vay suy giảm. Từ đó, nợ xấu của các tổ chức tín dụng có khả năng tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Việc kiểm soát tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng ở mức dưới 2% trong thời gian tới được coi là thách thức không nhỏ đối với ngành ngân hàng.

Theo Ngân hàng Nhà nước, qua 5 năm triển khai, Nghị quyết 42/2017/QH14 mang lại những hiệu quả rõ rệt cho công tác xử lý nợ xấu.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Nghị quyết 42/2017/QH14 vẫn còn tồn tại các khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ sở pháp lý và quá trình thực thi.

Nguyên nhân chủ yếu tập trung ở việc áp dụng pháp luật còn thiếu đồng bộ, do có sự khác nhau giữa nội dung Nghị quyết 42/2017/QH14 với pháp luật chuyên ngành.

Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai, một số quy định tại Nghị quyết 42/2017/QH14 cũng chưa đáp ứng được yêu cầu xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Công ty Quản lý tài sản (VAMC), gây khó khăn, bất cập trong việc xử lý nợ xấu.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, Nghị quyết 42/2017/QH14 chỉ còn 1 năm nữa (đến 15/8/2022) là hết hiệu lực, trong khi đến nay, toàn hệ thống vẫn còn khoảng 425,40 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42/2017/QH14, chiếm 42,27% tổng dư nợ xác định theo nghị quyết này.

Theo Ngân hàng Nhà nước, việc chấm dứt cơ chế xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14 sẽ dẫn đến các khoản nợ cũ chưa xử lý xong, trong khi đó nợ xấu mới tiếp tục hình thành do đại dịch COVID-19, sẽ phải kéo dài hoặc không thể xử lý được.

Đồng thời, tổ chức tín dụng thiếu cơ chế tự xử lý nợ xấu, sẽ gây bất ổn cho nền kinh tế nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng; nợ xấu khó có thể kiểm soát dưới 2%.

Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đã đề nghị Luật hóa các quy định của Nghị quyết 42/2017/QH14 dưới hình thức ban hành Luật về xử lý nợ xấu.

Theo đó, các quy định thí điểm tại Nghị quyết 42/2017/QH14 được quy định trong Luật về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, tạo hành lang pháp lý lâu dài, ổn định cho các tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu; giảm sự xung đột giữa quy định tại luật này với các luật chuyên ngành khác khi luật này được ưu tiên áp dụng.

Ngân hàng Nhà nước cho rằng, việc ban hành Luật về xử lý nợ xấu sẽ giúp chính sách xử lý nợ xấu tại Nghị quyết 42/2017/QH14 được duy trì, giúp tổ chức tín dụng đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu; thu hồi vốn nhanh, khơi thông nguồn vốn cho tổ chức tín dụng hoạt động; đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu của tổ chức tín dụng và tránh các nguy cơ tiềm ẩn của nền kinh tế./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả