menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Mai Anh

Lấy ý kiến sửa đổi Thông tư hướng dẫn dịch vụ trung gian thanh toán

Dự thảo này dự kiến bỏ đối tượng áp dụng là các ngân hàng thương mại, bổ sung quy định về hệ thống bù trừ điện tử, sửa đổi quy định về ví điện tử...

Lấy ý kiến sửa đổi Thông tư hướng dẫn dịch vụ trung gian thanh toán

Lấy ý kiến sửa đổi Thông tư hướng dẫn dịch vụ trung gian thanh toán. Ảnh: Văn Giáp/TTXVN

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp vào dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2014/TT-NHNN hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán.


Theo VCCI, dự thảo này dự kiến bỏ đối tượng áp dụng là các ngân hàng thương mại, bổ sung quy định về hệ thống bù trừ điện tử, sửa đổi quy định về ví điện tử, quy định rõ quyền và trách nhiệm của các ngân hàng...


Hội thảo là cơ hội để cơ quan quản lý, các chuyên gia tham gia thảo luận góp ý, nhằm bảo đảm tính hợp lý, khả thi của văn bản, bảo đảm quyền và lợi ích của doanh nghiệp có liên quan.


Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), ông Cấn Văn Lực cho biết, hiện nay Việt Nam đã có 29 trung gian thanh toán không phải là các ngân hàng thương mại. Thanh toán điện tử của Việt Nam rất tiềm năng vì dân số trẻ, 55% người dùng điện thoại smart phones, thương mại điện tử dự báo tăng trưởng từ 20 – 22%/năm trong 3 năm tới.


Tuy nhiên, việc thanh toán điện tử tại Việt Nam vẫn gặp những rào cản do thói quen sử dụng tiền mặt của người dân còn cao. Độ bao phủ của dịch vụ ngân hàng còn thấp, phân bổ không đồng đều, hạ tầng công nghệ thông tin thấp. Hơn nữa, việc thanh toán điện tử chưa tạo được sự tin tưởng cao từ người tiêu dùng. Bên cạnh đó, tại Việt Nam, khu vực kinh tế phi chính thức còn lớn, hành lang pháp lý chưa đầy đủ, chưa hoàn thiện và thiếu đồng bộ.


Vị chuyên gia này cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2014/TT-NHNN là cần thiết để khuyến khích quản lý ví điện tử. Tuy nhiên, cần rà soát, xem xét một số điểm trong dự thảo. Theo đó, Điều 8 của dự thảo quy định Ngân hàng hợp tác là đơn vị chịu trách nhiệm cuối cùng với việc đảm bảo khả năng thanh toán cho các đơn vị chấp nhận là chưa hợp lý.

Lấy ý kiến sửa đổi Thông tư hướng dẫn dịch vụ trung gian thanh toán

Dự thảo này dự kiến bỏ đối tượng áp dụng là các ngân hàng thương mại, bổ sung quy định về hệ thống bù trừ điện tử, sửa đổi quy định về ví điện tử. Ảnh: Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

Bởi theo ông Lực, ngân hàng không thể có công cụ để kiểm soát, giám sát tài khoản đảm bảo thanh toán đối với khoản tiền đơn vị cung ứng hỗ trợ thu, chi hộ thực tế đã thu, chi hộ cho khách hàng. Ngân hàng có trách nhiệm giám sát các tài khoản đảm bảo thanh toán mở tại các Ngân hàng hợp tác cũng như tính hợp pháp, hợp lệ của các giao dịch thu, chi hộ của các đơn vị trung gian thanh toán tại ngân hàng.


Ngoài ra, theo ông Cấn Văn Lực, dự thảo quy định, tổng hạn mức giao dịch của một ví điện tử tối đa là 100 triệu đồng/tháng và tối đa là 20 triệu/ngày. Vậy nếu chủ ví cần dùng nhiều hơn số tiền này thì dự thảo nên cân nhắc về hạn mức tối đa giao dịch ví của điện tử.


Ông Lực cũng cho rằng, việc giám sát trực tuyến hàng ngày đối với ví điện tử của đơn vị cung cấp là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, cần tránh quy định thực hiện cả báo cáo giấy và trực tuyến.


Qua phân tích, chuyên gia Cấn Văn Lực đã đưa ra những góp ý để hoàn thiện Điều 9 trong dự thảo. Theo đó, yêu cầu về hồ sơ mở ví điện tử phải có căn cứ công dân hoặc chứng minh thư, hộ chiếu còn thời hạn. Tuy nhiên, đối với trường hợp đã có tài khoản tại ngân hàng thì nên xem xét miễn trừ. Bên cạnh đó, cần làm rõ khái niệm liên kết ví điện tử với tài khoản thanh toán hoặc ghi thẻ nợ của khách hàng.


Ngoài ra, dự thảo có quy định về hoạt động của tổ chức trung gian thanh toán bù trừ nhưng chưa thể hiện rõ điều kiện, tiêu chuẩn thành lập, cơ chế giám sát hoạt động tổ chức này như thế nào.


Góp ý về điều 16 có quy định gửi báo cáo hàng quý/năm về hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trực tiếp hoặc qua bưu điện, chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng, có thể sử dụng phương thức khác nhằm giảm giấy tờ và tăng tính liên thông.


Luật sư Phùng Anh Tuấn, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính cho hay, dự thảo quy định mỗi người dùng chỉ được mở một ví điện tử, tại một tổ chức cung ứng dịch vụ.


“Vậy trong trường hợp người dùng có nhiều tài khoản ngân hàng muốn kết nối ví điện tử sẽ xử lý thế nào. Trường hợp người dùng đã mở nhiều ví điện tử kết nối với nhiều tài khoản khác nhau thì phương án xử lý là gì ?”, ông Tuấn băn khoăn.


Qua đó, vị luật sư này đề xuất, không hạn chế số lượng ví để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và phát triển thị trường.


Tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết, theo dự báo, đến năm 2025 thì thương mại điện tử Việt Nam đứng thứ 3 ở khu vực ASEAN, tức là đứng sau Indonesia và Thái Lan; đồng thời quy mô của nền thương mại điện tử Việt Nam có thể đạt tới 33 tỷ USD.


Tuy nhiên, để đạt được điều này sẽ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố; trong đó, yếu tố quan trọng là vấn đề thanh toán trực tuyến. Hiện nay, quy mô thương mại điện tử mới chỉ đạt khoảng 8 tỷ USD, nhưng đã gặp rất nhiều vấn đề trong việc thanh toán trực tuyến. Có thể nói việc thanh toán đã trở thành câu chuyện lớn nhất trong thương mại điện tử.


Đề xuất hoàn thiện dự thảo, ông Hưng cho rằng, tổng hạn mức giao dịch của một ví điện tử tối đa là 100 triệu đồng/tháng với điều kiện hiện nay là thỏa đáng. Nhưng vấn đề là hoạt động kinh doanh thay đổi rất nhanh, nên khi mở ví điện tử, các công ty cung cấp dịch vụ ví điện tử mặc định đặt ngưỡng đóng là 100 triệu đồng/tháng và nếu cá nhân nào có như cầu cao hơn thì có quyền mở thêm. Ngân hàng Nhà nước sẽ nắm bắt tình hình thực tế và điều chỉnh nếu gây ảnh hưởng nhiều./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả