Lầu Năm Góc cho phép Ukraine tuỳ ý sử dụng đạn dược tầm xa?
Kiev có quyền tự quyết định về cách sử dụng các loại đạn dược mới được chuyển đến Ukraine, Lầu Năm Góc tuyên bố hôm 4/2. Cùng ngày, quan chức Lầu Năm Góc xác nhận rằng lô đạn dược mới nhất mà Mỹ tài trợ cho Ukraine sẽ bao gồm bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất (GLSDB).
Trong khi thông báo hôm 3/2 của Lầu Năm Góc chỉ liệt kê “đạn dược bổ sung” cho pháo phản lực phóng loạt cơ động cao HIMARS và “tên lửa dẫn đường chính xác”, thì phát ngôn viên Lầu Năm Góc Patrick Ryder nói với các phóng viên rằng danh sách cũng bao gồm GLSDB.
Ông Ryder ám chỉ rằng Mỹ sẽ không cản đường Ukraine sử dụng tên lửa để tấn công lãnh thổ Nga.
“Về các kế hoạch tác chiến của Ukraine, rõ ràng đó là quyết định của họ”, tướng Ryder nói hôm thứ Bảy. “Vì vậy, tôi sẽ không nói hay suy đoán về các hoạt động tiềm năng. Chúng tôi đang làm việc với họ để cung cấp những khả năng giúp họ hoạt động hiệu quả trên chiến trường.”
GLSDB do Boeing hợp tác sản xuất với Saab AB của Thụy Điển, kết hợp bom đường kính nhỏ GBU-39 với động cơ rocket M26.
Hiện không rõ Lầu Năm Góc dự định gửi bao nhiêu bom GLSDB đến Ukraine, và chúng sẽ đến từ kho dự trữ quân sự của Mỹ hay cần sản xuất mới.
Nga thời gian gần đây tiếp tục nói bóng gió về cách sẽ đáp trả việc quân đội Ukraine tấn công lãnh thổ nước này. Hôm 1/2, Tổng thống Vladimir Putin đã giao nhiệm vụ cho quân đội Nga phải “loại bỏ mọi nguy cơ về các cuộc tấn công bằng pháo vào lãnh thổ Nga”.
Ngoại trưởng Sergey Lavrov cho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm 2/2 rằng Mátxcơva sẽ “đẩy lùi” quân đội Ukraine ra xa khỏi ranh giới, đến nơi mà họ không còn là mối đe dọa cho Nga. “Vũ khí cung cấp cho Kiev có tầm bắn càng xa thì quân đội của họ sẽ càng bị đẩy ra xa hơn”, ông Lavrov nói.
Ukraine đã sử dụng các bệ phóng HIMARS do Mỹ cung cấp để tấn công các mục tiêu ở Donbass, Kherson, Zaporozhye. Kiev đã nhiều lần yêu cầu được cung cấp hệ thống tên lửa chiến thuật quân đội MGM-140 (ATACMS), có tầm bắn khoảng 300 km.
Mátxcơva cảnh báo Washington rằng việc cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine có nguy cơ vượt qua “lằn ranh đỏ” của Nga, khiến Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trở thành một bên trong cuộc xung đột. Mỹ và các đồng minh khẳng định họ không tham gia vào các hành động thù địch nhưng vẫn tiếp tục trang bị vũ khí cho Kiev. Theo Lầu Năm Góc, Mỹ đã cam kết viện trợ quân sự lên đến 32 tỷ đô la cho Ukraine.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận