Lao động về Tết phải cách ly y tế: Doanh nghiệp lao đao
Một số địa phương đề nghị người từ nơi khác về phải cách ly tại nhà tối thiểu 7 ngày. Do đó, không ít công nhân có ý định về quê ăn tết đã xin nghỉ sớm để kịp cách ly, khiến doanh nghiệp khốn khổ vì thiếu hụt nhân công.
Việc đi lại của người dân hiện nay đang được thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ và hướng dẫn số 4800 của Bộ Y tế, trong đó quy định chỉ cách ly với người đến từ khu vực đang cách ly y tế hoặc vùng đỏ (vùng dịch cấp độ 4). Tuy nhiên, cách làm của nhiều địa phương hiện nay lại “mỗi nơi một khác”, gây khó khăn cho người dân, nhất là dịp Tết Nguyên đán cận kề.
Chia sẻ với PV Tiền Phong, anh Trần Văn Hải (quê Thanh Hóa, công nhân làm việc tại Công ty TNHH Hoàng Việt (Bình Dương)) cho biết, dịch bệnh còn phức tạp nhưng vì ở quê có việc nên anh quyết định về quê ăn tết luôn.
“Ở quê đề nghị người dân từ các tỉnh về phải cách ly tại nhà 7 đến 14 ngày dù kết quả âm tính và đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 đủ liều. Do đó, tôi xin công ty cho nghỉ sớm trước 1 tuần để về cách ly kịp đón tết”, anh Hải nói.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Tuyết (quê Nam Định, làm việc tại Bình Dương) cho biết: “Tôi sợ chẳng may ở quê phát hiện vài ca mắc COVID-19, chính quyền cấm người từ nơi khác đến thì khổ. Theo kế hoạch, công ty cho công nhân nghỉ từ 28 tết nhưng tôi xin nghỉ sớm để về quê. Sau khi nghe trình bày hoàn cảnh, lãnh đạo công ty đành chấp thuận”.
Chị Nguyễn Thị Sen, quê ở Thanh Hóa, làm việc tại Công ty CP Taekwang VN (KCN Biên Hòa 2) cho biết, năm nay là tết thứ 3, chị chưa được về quê đón tết. Chị Sen nói: “Dịch bệnh, thu nhập giảm sút, nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Tôi quyết định không về quê”.
Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Hưng Phước (Bình Dương), ông Đinh Hải Ninh cho hay: Việc người lao động xin nghỉ tết sớm để về quê ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Không ít doanh nghiệp còn lo ngại sau khi về quê, người lao động không quay lại công ty vì nhiều lý do, trong đó có lý do dịch bệnh.
“Hiện tại, không chỉ chúng tôi mà rất nhiều doanh nghiệp ở Bình Dương thiếu lao động. Thật sự chúng tôi không muốn bị hao hụt số lượng công nhân vì sẽ ảnh hưởng đến công việc. Tuy nhiên, theo luật chúng tôi vẫn phải giải quyết chế độ nghỉ cho người lao động, nhất là dịp Tết Nguyên đán”, ông Ninh nói.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Công đoàn Công ty Đại Dũng (Bình Dương), cho hay, công ty có 1.200 lao động. Hiện có khoảng 10% lao động xin nghỉ tết sớm hơn so với lịch công ty đưa ra. Cũng theo đại diện Công ty Đại Dũng, mặc dù rất khó khăn nhưng tất cả vì người lao động, ban giám đốc quyết định tạo điều kiện cho họ được về sớm. Ngoài ra, công ty còn hỗ trợ người lao động một phần chi phí đi lại.
“Hầu hết những người xin nghỉ sớm để về quê là để hoàn thành thời gian cách ly, kịp ăn tết. Nhiều địa phương yêu cầu người từ nơi khác trở về phải cách ly tại nhà từ 7 đến 14 ngày. Do đó, người lao động xin được về quê sớm trước tương đương thời gian trên. Một số chọn nghỉ không lương, số khác đề nghị trừ vào phép năm”, ông Hùng cho hay.
Ông Mai Sỹ Bắc, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Greif Flexibles Việt Nam (KCN Giang Điền, Đồng Nai) cho biết, qua nắm bắt tình hình công nhân lao động cho thấy, do tác động của dịch bệnh, so với năm trước, số lượng công nhân của công ty về đón tết rất ít. Hầu hết công nhân ở các tỉnh miền Bắc, Trung, Tây Nguyên gần như không về. Công nhân muốn ở lại để đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình và sớm trở lại nhà máy ổn định việc làm ngay sau đợt nghỉ tết.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội lương thực thực phẩm TPHCM cho rằng, doanh nghiệp nào cũng có chính sách để giữ công nhân, nhưng nếu họ có nhu cầu được về quê sớm, thì doanh nghiệp cũng sẽ tạo điều kiện.
Đối với ngành lương thực thực phẩm, doanh nghiệp không thể cho công nhân nghỉ dài ngày, tối đa 9-10 ngày. Hiện nay, các doanh nghiệp đang tuyển thêm thời vụ khoảng 20-30% để kịp đơn hàng sản xuất tết và bù vào lượng lao động về quê sớm, nhưng việc tuyển rất khó khăn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận