Lao động mất việc làm: Việt Nam cần chuẩn bị cho kịch bản tệ hơn trong năm 2023
Trước tình trạng hơn 40.000 lao động mất việc làm ngay trước thềm Tết Nguyên đán 2023, lãnh đạo Công đoàn Việt Nam ngày 26/12/2022 dự tính sẽ hỗ trợ cho người mất việc mỗi người 3 triệu đồng và người bị tạm chấm dứt hợp đồng được hưởng một lần 2 triệu đồng/người.
Chính sách hỗ trợ này nếu được ban hành có giải quyết được tình trạng khó khăn của người lao động hiện nay hay không? Tình hình liệu có khả quan hơn trong năm 2023? Đài RFA dẫn nhận định của Tiến sĩ Trịnh Khánh Ly, chuyên nghiên cứu về vấn đề lao động và luật lao động, công đoàn ở Việt Nam.
Nên chuẩn bị cho kịch bản xấu hơn vào các năm sau
Theo Tiến sĩ Trịnh Khánh Ly, nguyên nhân của tình trạng hàng nghìn lao động bị mất việc là các doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, không có đơn hàng. Sự phục hồi của các ngnàh nghề đang bị ảnh hưởng phụ thuộc rất lớn vào các nước nhập khẩu. Hiện nay, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng này sang các thị trường như Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc và Liên minh châu Âu (EU). Đây là những thị trường đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng nhiên liệu, cuộc chiến tại Ukraine, lạm phát tăng cao và dự kiến năm 2023 vẫn còn tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, Việt Nam nên chuẩn bị cho một kịch bản xấu hơn đó là tình trạng mất việc làm, giảm việc làm tại các doanh nghiệp này tiếp tục xảy ra trong năm 2023 và một vài năm tiếp theo.
Các gói hỗ trợ người lao động hiệu quả đến đâu?
Theo kết quả khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn đối với hơn 6200 công nhân trong tháng 10 và tháng 11/2022, có đến 59% số người lao động không có bất cứ khoản tích lũy nào. Như vậy, ngay cả khi gói cứu trợ nói trên được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thông qua cũng không đảm bảo tính thiết thực là giúp được người lao động mất việc làm duy trì được cuộc sống trong khi tìm kiếm việc làm khác.
Để gói hỗ trợ của chính phủ đến được với người lao động, cần phải bỏ các thủ tục hành chính phức tạp trong quá trình thẩm định và xét duyệt hồ sơ, đồng thời tăng cường tuyên truyền để người lao động và doanh nghiệp nắm được thông tin một cách kịp thời.
Hiện nay, các cơ quan chức năng đã đề xuất một số giải pháp mang tính lâu dài hơn. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có chính sách cụ thể nào được thông qua để giải quyết vấn đề này một cách trước mắt cũng như lâu dài.
Lo ngại về làn sóng lao động bất hợp pháp mới ở nước ngoài
Theo kết quả nghiên cứu khảo sát, gần 70% lao động ngành may có mức tiền lương không đủ để trang trải chi phí cuộc sống. Vì vậy, khi vừa bị mất việc hay giảm việc làm là người lao động gặp khó khăn ngay lập tức. Trong khi đó, sự bất cập trong hệ thống Bảo hiểm xã hội khiến người lao động phải rất vất vả khi nộp hồ sơ và chờ đợi xét duyệt nhận trợ cấp thất nghiệp, nhận bảo hiểm xã hội một lần… Tiến sĩ Trịnh Khánh Ly cảnh báo: “Trước sự việc hàng trăm nghìn lao động bị biến động về việc làm, mất việc cuối năm mà đến nay chưa có những biện pháp can thiệp một cách khả thi, nhanh chóng từ phía các cơ quan có thẩm quyền, điều này khiến tôi thực sự lo lắng về một làn sóng mới của những người nhập cư bất hợp pháp từ VIệt Nam sang châu Âu trong thời gian tới”.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận