Lao động “chạy dịch” về quê: “Đại dịch Covid-19 như một cơn gió lật tung nhiều bất cập”
Các chuyên gia lao động cho rằng, việc hàng chục ngàn người lao động tại khu vực phía Nam rời thành phố về quê cho thấy những hạn chế trong vấn đề an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động. Bên cạnh đó tình trạng này cũng được dự báo sẽ tạo ra một đợt “khát” lao động phổ thông ở các KCN.
Những ngày gần đây, trên các cung đường từ TP.HCM về miền Tây, thậm chí là ra Bắc chứng tiến từng đoàn hàng trăm, hàng nghìn người đội mưa nắng, xuyên ngày đêm rời khỏi TP.HCM và nhiều tỉnh phía Nam về quê tránh dịch và tránh…cả nghèo đói khi mất việc, hết tiền, cuộc sống khó khăn.
"Không thể và cũng không nên giữ chân người lao động ở lại thành phố"
Ông Vũ Minh Tiến, Viện Trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) cho biết, theo báo cáo của các Sở LĐ-TB-XH các địa phương, những lao động từ TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam đang dịch chuyển đều là lao động di cư, trong đó có cả lao động chính thức làm việc trong các doanh nghiệp và lao động tự do thuộc khu vực phi chính thức.
“Qua tìm hiểu trực tiếp, chúng tôi được biết, những lao động này đều rất khó khăn, túng thiếu đủ thứ, không có việc làm và hầu hết là lao động phổ thông”, ông Vũ Minh Tiến cho hay.
Theo ông Tiến, việc dịch chuyển là quyền của người lao động, là nhu cầu chính đáng, do đó các địa phương cần tạo điều kiện, có chính sách hỗ trợ để người lao động về quê.
Bên cạnh đó, từ làn sóng “chạy dịch” của người lao động lần này, ông Vũ Minh Tiến cũng thẳng thắn cho rằng, việc chăm lo, đầu tư cho người lao động, đặc biệt là lao động nhập cư tại các khu công nghiệp hiện nay chưa tương xứng với những đóng góp của họ với sự phát triển kinh tế tại các địa phương.
“Việc bất cân xứng giữa mức độ đóng góp của người lao động và mức độ đầu tư của chủ sử dụng lao động cũng như các địa phương là điều đã thấy từ 10-20 năm trước, nhưng hiện nay càng bộc lộ rõ hơn nữa. Tình trạng này vẫn diễn ra trong điều kiện bình thường, nhưng đại dịch xuất hiện như một cơn gió lật tung những bất cập của thị trường lao động. Sau nhiều năm cống hiến, tài sản của nhiều lao động nhập cư cũng chỉ gói gọn trong một chiếc hòm sắt, chở trên chiếc xe đạp, xe máy… Nhiều người đi làm xa quê, không chỉ lo cho cuộc sống của bản thân, mà còn gồng gánh kinh tế của cả gia đình ở quê nên cuộc sống vô cùng vất vả”, ông Tiến nói.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB-XH) cho rằng, việc người lao động về quê trong hoàn cảnh này là nhu cầu di cư đúng theo quy luật tự nhiên: “Không chỉ trong y tế mà cả kinh tế cũng có chỉ số sinh tồn, nếu không có cơm ăn, áo mặc, không có việc làm, hết tiền thì người lao động cũng không thể tồn tại nổi ở thành phố. Trong hoàn cảnh này không thể giữ chân và cũng không nên giữ chân người lao động ở lại các thành phố”.
Chuyên gia này cho rằng, đáng ra các địa phương cần khảo sát từ sớm nhu cầu về quê của người lao động, bởi khi chìm trong đại dịch nhiều tháng liền, mất việc, hết tiền, mức tiền hỗ trợ cũng không thể giúp người lao động đủ sống giữa thành phố, nên về quê là nhu cầu tất yếu.
Sau khi người lao động rời TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam về quê, theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội cần thực hiện ngay các giải pháp về việc làm ngắn hạn và việc làm địa phương. Đặc biệt, cần khảo sát nhu cầu tìm việc của người lao động cũng như nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp để từ đó có cơ sở dữ liệu kết nối việc làm, giúp người lao động thoát khỏi “bẫy thất nghiệp” sau đại dịch.
Khôi phục sản xuất đến 70%, doanh nghiệp đã có thể thiếu lao động trầm trọng
Ông Vũ Minh Tiến cũng cho biết thêm, việc hàng chục ngàn lao động đổ về quê sẽ tác động mạnh mẽ tới thị trường lao động. Theo ghi nhận của Viện công nhân và Công đoàn, thời điểm hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp ở khu vực phía Nam vẫn đang sản xuất cầm chừng ở công suất bằng 30-40%, nếu như tình trạng sản xuất khôi phục cao hơn sẽ rất khó khăn trong vấn đề lao động.
Bởi trong điều kiện bình thường, các thành phố như Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương cũng đã thiếu và gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng lao động phổ thông, đặc biệt là các ngành thâm dụng lao động như dệt may, gia dày, chế biến thủy hải sản, chế biến gỗ…. Nếu sau dịch, doanh nghiệp chỉ cần khôi phục sản xuất từ 70% trở lên, đã có thể phải đối mặt với tình trạng khan hiếm lao động phổ thông trầm trọng hơn trước rất nhiều.
Ông Vũ Minh Tiến cho rằng, các trung tâm kinh tế, công nghiệp, các đô thị lớn vẫn có sức hút rất lớn với người lao động, hiện nay nhiều lao động cũng cho biết, việc về quê chỉ mang tính tình thế và vẫn có kế hoạch quay trở lại. Song bên cạnh đó cũng cần nhận thức rằng, không chỉ khi đại dịch xảy ra, mới có xu hướng dịch chuyển lao động ở các tỉnh, thành phố di cư ngược về địa phương. Hiện nay, ở nhiều khu vực nông thôn, miền núi cũng có rất nhiều doanh nghiệp được thành lập, người lao động dù ở quê vẫn dễ dàng có việc làm, dù thu nhập có thể thấp hơn nhưng chi phí cho sinh hoạt, nhà ở, ăn uống lại rẻ hơn rất nhiều, quan trọng họ có thể ở cùng gia đình, chăm sóc con cái. Nhiều lao động nhận thấy việc thu nhập cao hơn một chút khi làm việc tại các thành phố lớn không còn là điều quá thu hút, nhiều người có xu hướng về quê làm việc, sau đại dịch, xu hướng về nông thôn chắc chắn sẽ càng lớn hơn.
Để thu hút người lao động trở lại làm việc, ông Vũ Minh Tiến nhấn mạnh, doanh nghiệp cần cho người lao động thấy được những cam kết về mức lương thưởng, tiền lương làm thêm giờ, tiền trợ cấp, có những khuyến khích cả về mặt vật chất và tinh thần và đương nhiên phải đảm bảo người lao động có một điều kiện làm việc an toàn, được đảm bảo về nơi ăn, chốn ở, các thiết chế văn hóa cơ bản…Công đoàn các cấp cũng cần đẩy mạnh đối thoại đảm bảo an toàn cho công nhân.
Trước câu hỏi, để xảy ra tình trạng “vỡ trận” lao động rời thành phố như những ngày gần đây, phải chăng do thị trường lao động đang quá thiếu dữ liệu về lao động, dân cư, các cơ quan chức năng có nắm được thông tin về lao động trên địa bàn? Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho biết, hiện nay Chính phủ đã có dự án về xây dựng thông tin thị trường lao động, Bộ LĐ-TB-XH đang triển khai, tuy nhiên, số liệu về lao động hiện nay dịch chuyển ra sao vẫn chưa có con số thống kê chính xác. Hiện ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đang áp dụng công nghệ thông tin để nắm được thông tin về di biến dân cư và lao động./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận