Lao đao với giá xăng dầu, doanh nghiệp vận tải tìm cách thoát hiểm
“Bão giá” đang thực sự cản đường phục hồi của doanh nghiệp vận tải khi giá nguyên liệu đầu vào tiếp tục tăng.
Chi phí bị đội cả tỷ đồng mỗi tháng
Chưa kịp mừng vì sự phục hồi sau đại dịch Covid-19 được bao lâu, các DN vận tải lập tức phải đối mặt với một “cơn bão” mới. Đó chính là “bão giá” nhiên liệu, mà cụ thể là giá xăng, dầu. Trong khoảng 2 - 3 tháng trở lại đây, giá xăng, dầu liên tục tăng phi mã và liên tiếp tự phá “kỷ lục”.
Điều đáng nói, "cơn bão" này chưa có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy sẽ dừng lại trong thời gian tới. Với việc chiếm tới 40% giá thành vận tải thì khi giá xăng, dầu tăng cao, hầu hết doanh nghiệp vận tải đều phải chịu lỗ.
Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát Đỗ Văn Bằng nhận định, giá xăng, dầu tăng phi mã như hiện nay sẽ đẩy chi phí hoạt động của các nhà xe lên cao, nếu không sớm có biện pháp sẽ khiến doanh nghiệp tiếp tục rơi vào khó khăn. Nếu giá nhiên liệu giữ ở mức cao và kéo dài, các đơn vị vận tải sẽ buộc phải điều chỉnh tăng giá cước. Điều này sẽ ảnh hưởng đến cả hành khách đi xe và nhà xe.
Các doanh nghiệp vận tải cho rằng, tác động tiêu cực của giá xăng, dầu tăng cao với hoạt động vận tải không kém gì so với dịch bệnh Covid-19. Dù hai “cơn bão” này tàn phá ở những mặt khác nhau, nhưng thiệt hại mà doanh nghiệp vận tải hứng chịu đều chung quy về một mối, đó là doanh thu sụt giảm nghiêm trọng. Điều đáng nói, "bão giá" xăng dầu diễn ra ngay sau “bão" Covid-19, nó mang tới tác động cộng hưởng khiến cho độ “sát thương” càng lớn.
Covid-19 khiến cho hành khách đi xe sụt giảm, người lao động làm việc trong các doanh nghiệp vận tải bỏ việc rất nhiều. Để giữ chân người lao động, doanh nghiệp phải tăng chi phí phúc lợi. Trong khi đó, để kéo được hành khách quay trở lại với xe khách, các doanh nghiệp không dám tăng giá vé hoặc có tăng cũng chỉ ở mức độ rất thận trọng.
Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế và chắc chắn không thể kéo dài. Vì thế, nếu giá xăng, dầu vẫn tiếp tục tăng phi mã như hiện nay, nhiều doanh nghiệp vận tải sẽ bị quật ngã, như cái cách mà đại dịch Covid-19 quật ngã họ trước kia. Ông Ngô Ngọc Quý, Giám đốc Công ty TNHH vận tải Hiển Vinh khai thác tuyến Mỹ Đình - Hòa Bình cho biết, sau dịch bệnh, hoạt động vận chuyển khách vẫn chưa trở lại bình thường.
Đúng vào lúc này, giá xăng, dầu tăng cao kỷ lục đã tiếp tục gây ra những áp lực rất lớn cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải. Với riêng Công ty TNHH vận tải Hiển Vinh, ông Ngô Ngọc Quý cho hay, hiện doanh nghiệp duy trì 1 chuyến/ngày, tương đương với 50% công suất với tuyến Mỹ Đình - Hòa Bình (tuyến nội tỉnh Hòa Bình - Mai Châu duy trì 60% công suất).
Là doanh nghiệp có quy mô sử dụng đội xe và các trang thiết bị nâng hạ ở cảng biển khá lớn, ông Trương Nguyên Linh, Phó tổng giám đốc Công ty liên doanh Phát triển tiếp vận số 1 cho biết mỗi tháng sử dụng hơn 200.000 - 300.000 lít dầu.
"Tình hình giá xăng dầu đang căng quá, chi phí nhiên liệu của chúng tôi bị đội lên hàng tỉ đồng mỗi tháng. Doanh nghiệp phải tăng giá dịch vụ ở một mức vừa phải để bù đắp chi phí tăng thêm của nhiên liệu", ông Linh nói.
Còn ông Đỗ Văn Thắng, tổng giám đốc Công ty CP Bưu chính Việt Nam (Vintrans) - cho biết với quy mô hơn 200 đầu xe chuyển phát bưu chính, giá nhiên liệu tăng lên gần 30.000 đồng/lít là áp lực rất lớn với doanh nghiệp trong ngành logistics. Do đó, ban lãnh đạo công ty đã họp bàn phương án thích ứng với giá xăng dầu mới. "Dự tính đợt này công ty sẽ tăng thêm 5-7% giá cước vận chuyển", ông Thắng nói.
Theo phương án kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics, giá nhiên liệu dầu trong năm 2022 ước tính khoảng 12.000 - 16.000 đồng/lít. Thế nhưng sau đợt điều chỉnh chiều 11-5 vừa qua, giá dầu đã lên mức 26.740 đồng/lít, tăng hơn 10.000 - 12.000 đồng/lít so với tính toán ban đầu của doanh nghiệp.
Trong khi đó, đối với hoạt động logistics đường bộ, chi phí nhiên liệu chiếm lớn nhất, vào khoảng 35 - 40% chi phí vận hành các loại xe container, xe tải nặng, chưa kể phí BOT và nhiều loại thuế phí khác. Trong khi hợp đồng vận tải thường kỳ theo tháng, quý, thậm chí theo năm căn cứ vào giá nhiên liệu ước đoán đầu năm.
Vì vậy, khi kỳ điều chỉnh giá xăng dầu ngày càng ngắn, các doanh nghiệp vận tải bị động trong việc cân đối chi phí kinh doanh. Doanh nghiệp có lượng tiêu thụ xăng dầu càng lớn sẽ càng lỗ nặng.
Theo các doanh nghiệp, nếu giá nhiên liệu giữ ở mức cao và kéo dài, các đơn vị vận tải sẽ đồng loạt tăng giá cước. Điều này chắc chắn sẽ tác động đến giá hàng hóa nói chung và cuối cùng người tiêu dùng sẽ "lãnh đủ".
"Khi diễn biến tăng giá lan sang các lĩnh vực khác, giá hàng tiêu dùng sẽ tăng. Và việc tăng giá này sẽ làm giảm thu nhập thực tế người lao động, gây khó khăn trong lực lượng lao động.", Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng
Để tránh thua lỗ, các doanh nghiệp vừa tìm cách sống chung với bão giá, vừa tính tới phương án tăng giá cước. "Tuy nhiên, nếu giá nhiên liệu cứ duy trì cao, các doanh nghiệp logistics sẽ rơi vào tình trạng cầm chừng, gây cản trở tốc độ hồi phục, tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế", ông Trương Nguyên Linh cho biết.
Theo ông Trần Văn Thành, Tổng giám đốc Công ty CP vận tải Á Châu (quận 12, Tp.HCM), để kìm giá cước trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng cao, công ty này vừa đặt mua thêm hàng chục xe đầu kéo và đặt nhiều container dài 17m thay vì 12m như thông thường. Các loại thùng container siêu dài này sẽ tăng thêm sức chứa cho hàng vận chuyển Bắc - Nam.
"Sức chứa tăng thêm khoảng 30%, chúng tôi linh hoạt gom các đơn hàng lẻ để tối ưu cho một chuyến xe. Tăng thêm nguồn hàng chở nên chúng tôi không tăng giá cước đợt này", ông Thành khẳng định.
Bà Đặng Thị Minh Phương, Chủ tịch Hiệp hội Logistics TP.HCM (HLA), gợi ý các doanh nghiệp có nguồn lực về tài chính có thể tính toán tới việc mua trước giá nhiên liệu. "Tức là đặt hàng từ nhà cung cấp, nhiên liệu vẫn nằm trong kho của nhà cung cấp, doanh nghiệp chỉ trả trước chi phí", bà Phương giải thích.
Cần sớm có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho biết, vận tải hành khách đang trong giai đoạn khó khăn, nhu cầu đi lại của người dân rất thấp. Giá xăng, dầu lại tăng nên để cân đối thu chi, DN vận tải sẽ phải điều chỉnh, tính toán mặt bằng giá cước mới. Giá cước tăng cao sẽ tác động đến giá cả hàng hóa, dịch vụ vì DN sản xuất sẽ phải tính vào cơ cấu giá thành.
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, để hỗ trợ các DN vận tải trong giai đoạn khó khăn hiện nay, các cơ quan quản lý Nhà nước cần tiếp sức hỗ trợ, nhà xe đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, tăng cường kết nối giữa nhà xe và hành khách qua hình thức bán vé qua mạng, thanh toán điện tử, vé điện tử, cấp lệnh xe chạy điện tử. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường thanh kiểm tra, xử lý xe hợp đồng trá hình, xe chạy dù đón khách ngoài bến để đảm bảo ATGT và tạo môi trường vận tải công bằng.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long cho biết, tác động tiêu cực của giá xăng, dầu tăng cao không chỉnh hướng đến hoạt động kinh doanh, sản xuất của các DN vận tải hành khách mà còn tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, tăng giá hàng hoá trong khâu lưu thông, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hoá sản xuất trong nước, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế. Đây sẽ là rào cản rất lớn cho nền kinh tế quốc gia trong bối cảnh kinh tế Việt Nam mới đang bước vào giai đoạn dần phục hồi.
Bão giá xăng, dầu chính là trở ngại làm giảm tốc độ tăng trưởng, cạnh tranh của các mặt hàng, nhất là khi nước ta mới bắt đầu mở cửa, khởi động lại hoạt động sản xuất kinh doanh, giao thông vận tải, du lịch.
“Bên cạnh tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, giá xăng, dầu tăng còn làm tăng giá hàng hóa trong khâu lưu thông, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước. Do vậy khả năng phục hồi sản xuất của các DN và tốc độ tăng trưởng kinh tế bị tác động nghiêm trọng”, PGS.TS Ngô Trí Long nói, và cho rằng, hoạt động vận tải mới bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc trở lại mà phải đối mặt ngay với việc xăng, dầu tăng giá nên khó khăn sẽ rất lớn. Do đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm có chính sách hỗ trợ các DN vận tải để họ có thể đứng vững trong giai đoạn khó khăn này.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích, theo quy luật, bất cứ khi nào giá xăng, dầu tăng cao sẽ kéo theo nhiều mặt hàng tiêu dùng tăng. Giá xăng, dầu tác động trực tiếp đến cả những mặt hàng tiêu dùng nhỏ nhất như mớ rau, cân thịt hay các mặt hàng chế biến sẵn. Tuy nhiên, nếu để nói mặt hàng chịu tác động trực tiếp nhất, chịu tác động đầu tiên từ giá xăng, dầu tăng đó chính là dịch vụ vận tải.
Theo quy luật kinh doanh, cước vận tải cao sẽ kéo dài và tác động kéo giá hàng hóa tiêu dùng toàn xã hội ở mức cao tương ứng. Nhiên liệu tăng giá đang trở thành nền tảng then chốt kiến tạo mặt bằng giá mới với mọi loại chi phí, hàng hóa trong xã hội.
Từ phân tích trên, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, Bộ Công Thương cùng Bộ Tài chính và DN cần bám sát diễn biến thị trường xăng, dầu, tình hình chính trị thế giới ảnh hưởng đến nguồn cung để có giải pháp ứng phó linh hoạt khi giá dầu thế giới tăng cao; đồng thời, nâng cao năng lực khai thác, lọc hóa dầu trong nước nhằm giảm thiểu tác động xấu đến tăng trưởng và lạm phát của năm 2022 và các năm tiếp theo.
T.S Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, Việt Nam cần phải có giải pháp để đảm bảo an ninh năng lượng, đặc biệt là dự trữ xăng dầu. Dự trữ tốt sẽ giúp kinh tế Việt Nam không bị động trước diễn biến khó lường từ giá xăng dầu. Dự trữ xăng dầu của Việt Nam chỉ được khoảng 5-7 ngày là quá ít và tác động tiêu cực tới tăng trưởng và lạm phát.
Vì vậy, Việt Nam cần phải đẩy mạnh dự trữ xăng dầu bằng hàng thay vì bằng tiền. Nếu làm tốt sẽ là giải pháp giúp nền kinh tế không bị tổn thương quá lớn và đà phục hồi của doanh nghiệp không bị cản lại.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận