Lào đang đối mặt với cơn khủng hoảng nợ đáng báo động
Vài năm gần đây, Lào đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ đáng báo động, qua đó làm dấy lên lo ngại về các khoản thanh toán cho Trung Quốc - chủ nợ lớn nhất của Lào.
Trung Quốc trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Lào vào cuối năm 2013 và kể từ đó, sức ảnh hưởng của đất nước tỷ dân càng tăng mạnh hơn.
Lào đã vay hàng tỉ đô la từ Trung Quốc để tài trợ cho các dự án đường sắt, đường cao tốc và đập thủy điện, khiến dự trữ ngoại hối của nước này cạn kiệt trong quá trình này.
Dự trữ ngoại hối giảm mạnh, kết hợp với giá lương thực và nhiên liệu ngày càng tăng trên toàn cầu và cuộc khủng hoảng tiền tệ (đồng kip của Lào mất giá đến mức thấp kỷ lục so với đồng đô la Mỹ), đẩy lạm phát ở Lào tăng vọt.
Trong tháng 9, lạm phát ở Lào tăng 25,7%, vẫn còn ở mức cao, dù đó là mức tăng thấp nhất trong 12 tháng qua. Các nhà phân tích lo ngại, Lào có thể đang trên bờ vực sụp đổ kinh tế nếu cuộc khủng hoảng hiện nay vượt khỏi tầm kiểm soát.
Đối mặt với vấn đề, Chính phủ nước này đã triển khai một vài biện pháp để ổn định tình hình, bao gồm tăng lãi suất, phát hành trái phiếu và hợp tác với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) về các hoạt động kiểm soát nợ. Ngoài ra, họ cũng giảm chi tiêu cho các dịch vụ quan trọng như giáo dục và y tế.
Tuy nhiên, các chuyên viên phân tích cảnh báo nếu không có thỏa thuận giảm nợ rõ ràng với Trung Quốc, những rắc rối tài chính của Lào sẽ khó mà thuyên giảm.
Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, Trung Quốc đã giãn nợ đáng kể cho Lào trong thời gian ngắn từ năm 2020 đến năm 2022, mang lại “sự cứu trợ tạm thời”. WB ước tính, các khoản trả nợ hoãn lại trong ba năm đó chiếm khoảng 8% GDP của Lào vào năm 2022. Nhưng sự hào hiệp của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cho đến nay chỉ dừng lại ở mức đó.
Một số kênh truyền thông Lào cảnh báo về bẩy nợ, trong đó Bắc Kinh sẽ đổi nợ để lấy các cơ sở hạ tầng giá trị tại Lào nếu họ vỡ nợ hoặc không trả nợ đúng hạn.
Hai nhà nghiên cứu Deborah Brautigam của viện Sáng kiến Nghiên cứu Châu Phi-Trung Quốc (CARI) và Meg Rithmire của Trường Kinh doanh Harvard chỉ ra: “Khi căng thẳng nợ xuất hiện, chúng tôi không thấy các ngân hàng Trung Quốc nỗ lực chiếm lấy tài sản. Thay vào đó, các quan chức Trung Quốc cố gắng phát triển các giải pháp phù hợp để giải quyết nợ nần và duy trì sự phát triển”.
Xét cho cùng, Lào phải đa dạng hóa các khoản đầu tư nước ngoài, nhưng trong bối cảnh kinh tế bất ổn, họ rất khó làm được điều này nếu không có thỏa thuận tái cấu trúc nợ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận