Lào có nguy cơ trở thành quốc gia vỡ nợ tiếp theo ở châu Á
Theo báo Liên hợp buổi sáng, nền kinh tế Lào với dân số 7,5 triệu người đang rơi vào khó khăn, giá dầu tăng cao và đồng nội tệ mất giá mạnh hiện nay khiến cho nhiều nơi thiếu hụt nhiên liệu. Tuy nhiên, điều khiến Lào lo ngại nhất là nợ quốc gia cao ngất ngưỡng, trong khi dự trữ tiền mặt đang dần cạn kiệt.
Dự trữ tiền mặt ngày càng "mỏng", lạm phát không ngừng gia tăng có thể khiến cho Lào trở thành quốc gia vỡ nợ tiếp theo của châu Á sau Sri Lanka.
Bloomberg dẫn lời Phó Chủ tịch Tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế Moody’s Anushka Shah nói rằng: “Lào đang ở bên bờ vực vỡ nợ”. Ngày 14/6, Moody’s đã hạ xếp hạng tín dụng của Lào xuống mức “Caa3” (chất lượng tín dụng kém và rủi ro rất cao) với lý do quản trị kém, nợ nần nghiêm trọng, hơn nữa dự trữ ngoại hối không đủ để thanh toán các khoản nợ nước ngoài đến hạn.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), tính đến tháng 12/2021, dự trữ ngoại hối của Lào đạt 1,3 tỷ USD, nhưng đến năm 2025, tổng nợ nước ngoài Lào phải trả hàng năm đã xấp xỉ con số này, nghĩa là khoảng 1/2 tổng thu nhập quốc nội.
Năm 2021, nợ công của Lào đạt 14,5 tỷ USD, trong đó khoảng 1/2 là do Trung Quốc nắm giữ. Ngay từ năm 2019, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo, nợ công của Lào cao, rủi ro vỡ nợ rất lớn.
Trong một năm qua, giá đồng kip của Lào giảm 36% so với USD. Bên cạnh đó, Lào cũng đang đối diện với tình hình lạm phát cao từ năm 2014 đến nay, chạm mức 13% vào tháng trước. Đây là một đòn giáng mạnh đối với quốc gia có hơn 1/3 dân số sống dưới mức trung bình thấp.
Giám đốc bộ phận nghiên cứu châu Á của ngân hàng ANZ nhấn mạnh, thâm hụt tài khoản vãng lai nhiều năm đồng nghĩa với việc Lào thiếu USD để thanh toán hàng hóa nhập khẩu.
Do đồng nội tệ liên tục mất giá, nên Lào không thể nhập khẩu nhiên liệu đầy đủ, nguồn cung thiếu hụt nghiêm trọng, người dân xếp hàng dài chờ đợi ở các trạm xăng. Truyền thông địa phương cho biết, mỗi tháng Lào cần 120 triệu lít nhiên liệu mới có thể đáp ứng nhu cầu trong nước, nhưng số lượng nhập khẩu thực tế chưa đến một nửa so với nhu cầu.
Cách đây khoảng 2 tháng, Sri Lanka rơi vào khủng hoảng kinh tế và chính trị, tuyên bố vỡ nợ. Do chính phủ không có kinh phí để nhập khẩu nhiên liệu, thực phẩm và thuốc men, nên người dân nổi dậy phản đối, Thủ tướng buộc phải từ chức.
Theo Tân Hoa xã, tại kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa IX ngày 13/6, Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh cam kết chính phủ sẽ nỗ lực hết sức để ổn định kinh tế, tình hình tài chính và tỷ giá hối đoái của đất nước, ngăn chặn đất nước rơi vào khủng hoảng.
Thủ tướng Phankham Viphavanh nhấn mạnh, chính phủ sẽ quan tâm sát sao đến tỷ giá hối đoái, giá cả hàng hóa tiêu dùng và lạm phát, đảm bảo những vấn đề này được xử lý ổn thỏa. Chính phủ cũng sẽ thông qua các biện pháp lấy thị trường làm định hướng, trước mắt và lâu dài để tăng nguồn cung nhiên liệu, đồng thời tăng cường quản lý thuế./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận