Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa nói gì về phát hành 1.000 tỉ đồng trái phiếu?
Ngày 8-12, HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa VII đã tổ chức kỳ họp thứ 8, trong đó thông qua Nghị quyết phê duyệt Đề án phát hành trái phiếu chính quyền địa phương năm 2023 với 1.000 tỷ đồng. Phóng viên Báo Người Lao Động đã phỏng vấn nhanh ông Nguyễn Khắc Toàn, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa, về vấn đề này.
Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào việc tỉnh Khánh Hòa sẽ phát hành trái phiếu với số tiền hơn 1.000 tỉ đồng mà HĐND tỉnh vừa thông qua?
Ông Nguyễn Khắc Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa, Chủ tịch HĐND tỉnh: Thời gian qua, HĐND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết nhằm cụ thể hóa một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh theo Nghị quyết số 55/2022/QH15 (16-6-2022) của Quốc hội, như: Nghị quyết về việc sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện công tác điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất, tài sản gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất tại Khu kinh tế Vân phong và huyện Cam Lâm; Nghị quyết về việc cho phép các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh sử dụng ngân sách các huyện, thị xã, thành phố và nguồn hợp pháp khác để hỗ trợ huyện Khánh Vĩnh, Khánh Sơn năm 2023… Trong kỳ họp này, HĐND tỉnh xem xét, thông qua Nghị quyết phê duyệt Đề án phát hành trái phiếu chính quyền địa phương năm 2023.
Việc phát hành trái phiếu là nội dung, giải pháp cần thiết để huy động nguồn lực từ xã hội, góp phần đảm bảo cân đối nguồn vốn đầu tư phát triển cho các dự án, công trình trọng điểm, cấp bách trong danh mục Kế hoạch đầu tư công trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Theo Đề án, dự kiến khối lượng trái phiếu phát hành tối đa là 1.000 tỉ đồng, đảm bảo nằm trong tổng mức vay và bội chi ngân sách địa phương năm 2023 được Quốc hội phê duyệt, với mệnh giá 100.000 đồng và 2 kỳ hạn (7 năm và 10 năm). Việc phát hành trái phiếu với 2 kỳ hạn sẽ tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư có lựa chọn phù hợp với nhu cầu và tình hình thị trường tại thời điểm phát hành; đồng thời, đây cũng là giải pháp khá hữu hiệu để góp phần giảm bớt áp lực đáo hạn trái phiếu cho ngân sách tỉnh trong tương lai.
Thưa ông, việc phát hành và sử dụng nguồn tiền trái phiếu này sẽ như thế nào?
Tại mỗi đợt phát hành, tùy vào tình hình thực tế và nhu cầu của thị trường, tỉnh sẽ quyết định lựa chọn hình thức đấu thầu phát hành hoặc bảo lãnh phát hành để thực hiện việc phát hành trái phiếu. UBND tỉnh cam kết đảm bảo các quyền lợi của chủ sở hữu trái phiếu, nhất là việc được thanh toán đầy đủ, đúng hạn gốc và lãi trái phiếu khi đến hạn thanh toán. Việc thanh toán này được thực hiện qua Trung tâm Lưu ký chứng khoán theo đúng quy định.
UBND tỉnh Khánh Hòa sau khi phát hành nguồn tiền từ trái phiếu sẽ được sử dụng để phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất để tạo nền tảng thu hút nhà đầu tư. Qua đó sẽ tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống người dân, góp phần thắng lợi nhiệm vụ Nghị Quyết 09 của Bộ Chính trị phấn đấu đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Người tham gia mua trái phiếu được lợi gì trong việc này, thưa ông?
Người sở hữu trái phiếu được trả lãi định kỳ, lãi suất ổn định, không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh như cổ phiếu. Trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của tổ chức phát hành.
Lãi suất phát hành do UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định căn cứ vào khung lãi suất do Bộ Tài chính thông báo và tình hình thị trường tại thời điểm phát hành dự kiến vào tháng 7-2023.
Trái phiếu sẽ được trả lãi theo định kỳ 1 năm/lần và thanh toán hoàn trả 1 lần khi đáo hạn cho từng đợt phát hành trái phiếu. Nguồn vốn thanh toán nợ gốc, lãi, phí và các chi phí khác liên đến lô trái phiếu được đảm bảo từ nguồn ngân sách tỉnh. UBND tỉnh Khánh Hòa cũng cam kết bố trí nguồn ngân sách để thanh toán nợ gốc, lãi, trái phiếu đầy đủ đúng hạn.
Xin cảm ơn ông!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận