Lãnh đạo thế giới kêu gọi hành động khẩn cấp nhằm đảm bảo an ninh lương thực
Người đứng đầu cơ quan lương thực Liên Hợp Quốc hôm 16/9 đã đưa ra cảnh báo thế giới đang phải đối mặt với “tình trạng mất an ninh lương thực khẩn cấp toàn cầu ở mức độ chưa từng có” với 345 triệu người có nguy cơ bị thiếu đói và 70 triệu người bên bờ vực của nạn đói..Con số này gấp 2, 5 lần so với thời điểm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. Điều đáng lo ngại là 50 triệu người đang bị suy dinh dưỡng cấp tính và đang ở ngưỡng cửa cửa nạn đói
Trên góc độ toàn cầu, cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay được ví như một "quả cầu tuyết". Quả cầu bắt đầu lăn chậm rãi từ nhiều năm trước khi biến đổi khí hậu khiến sản lượng lương thực sụt giảm, tốc độ và kích thước quả cầu tăng nhanh khi xuất hiện sườn dốc mang tên đại dịch COVID-19. Đến cuối cùng, quả cầu này đã trở nên không thể kiểm soát được trước xung đột Nga - Ukraine.
Kể từ khi nổ ra xung đột Ukraine, chi phí lương thực, nhiên liệu và phân bón tăng vọt đã khiến 70 triệu người tiến gần tới nạn đói. Bất chấp thỏa thuận hồi tháng 7 cho phép vận chuyển ngũ cốc của Ukraine từ 3 cảng ở Biển Đen và nỗ lực đưa phân bón của Nga trở lại thị trường toàn cầu, khủng hoảng lương thực vẫn có thể kéo sang năm 2023 nếu thế giới không hành động.
Phát biểu tại sự kiện trên của LHQ, nhiều nhà lãnh đạo thế giới cũng đã kêu gọi hành động khẩn cấp để đảm bảo an ninh lương thực. Trong phát biểu của mình, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho rằng không có hòa bình khi còn đói kém và không thể chống đói kém khi hòa bình không tồn tại.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng an ninh lương thực vẫn là vấn đề đặc biệt khẩn cấp dù Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại hội nghị cấp cao hồi tháng 6 ở Đức đã cam kết chi 5 tỷ USD cho mục tiêu này. Thủ tướng Đức nhận định rằng xung đột giữa Nga và Ukraine là một phần nguyên nhân và thúc đẩy một cuộc khủng hoảng đa chiều toàn cầu.
Hôm 21/9 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo hỗ trợ thêm 2,9 tỷ USD cho quỹ ứng phó với tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu.Theo tuyên bố của Nhà Trắng, số tiền trên là khoản bổ sung cho gói 6,9 tỷ USD mà Chính phủ Mỹ đã cam kết trong năm nay nhằm hỗ trợ an ninh lương thực toàn cầu.
Theo đó, Nhà Trắng cho rằng khoản hỗ trợ 2,9 tỷ USD của Mỹ nói trên sẽ cứu sống nhiều người thông qua các biện pháp can thiệp khẩn cấp và đầu tư vào hỗ trợ an ninh lương thực trong trung hạn và dài hạn nhằm bảo vệ những nhóm người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới.
Bộ Tài chính Indonesia đã lập khoản ngân sách khoảng 95 nghìn tỷ Rupiah (hơn 6,3 tỷ USD) để ứng phó với khủng hoảng lương thực trong năm 2023. Ngân sách sẽ được phân bổ cho Bộ Nông nghiệp, Bộ Các vấn đề biển và nghề cá và Bộ Công chính và nhà ở công cộng. Mục tiêu là để duy trì ổn định sản xuất các mặt hàng lương thực ưu tiên, phát triển nuôi trồng thủy sản theo định hướng xuất khẩu và cải tạo cơ sở hạ tầng thủy lợi và đập.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận